Vốn ngoại đổ xô thị trường bán lẻ nội

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được đánh giá là thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ đứng thứ 6 toàn cầu (xếp hạng của Hãng Nghiên cứu Thị trường A.T.Kearney), Việt Nam đang hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường này.

Hấp dẫn trong hút vốn FDI
Đầu năm 2019, Ryohin Keikaku - Công ty mẹ của thương hiệu bán lẻ MUJI đã thông báo quyết định thành lập Công ty TNHH MUJI Việt Nam để phát triển kinh doanh. Cũng trong thời gian này, tập đoàn bán lẻ đồ nội thất, thiết kế IKEA (Thụy Điển) đã lên kế hoạch xây dựng trung tâm bán lẻ và kho hàng tại Việt Nam, với vốn đầu tư khoảng 450 triệu euro.
Các tập đoàn lớn kinh doanh bán lẻ của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Family Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Chuỗi cửa hàng bán lẻ Vinmart+ của Vingroup được số đông người tiêu dùng lựa chọn là nơi mua sắm. Ảnh: Tuấn Anh
Không chỉ các DN mới, những DN đang hiện diện tại Việt Nam cũng đã có kế hoạch mở rộng đầu tư. Nhận định Việt Nam là địa bàn đầu tư trọng điểm tại Đông Nam Á, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) sẽ đầu tư thêm 5 tỷ USD để mở 30 trung tâm thương mại quy mô lớn tại Việt Nam; Lotte (Hàn Quốc) sẽ mở rộng thêm 60 siêu thị Lotte Mart vào năm 2020. Tập đoàn Central Group (Thái Lan) - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam cũng cho biết sẽ “rót” thêm 500 triệu USD để mở 500 điểm bán lẻ tại Việt Nam trong 5 năm tới.
Bán lẻ là một trong 3 lĩnh vực hàng đầu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cùng với chế tạo, bất động sản. Làn sóng vốn ngoại vào bán lẻ Việt Nam sẽ nhanh hơn với các hình thức mua bán, sáp nhập (M&A) DN. Như việc Central Group của Thái Lan mua lại thành công toàn bộ chuỗi siêu thị Big C từ tay các ông chủ người Pháp với giá trị lên đến hơn 1 tỷ USD; Hoặc thương vụ tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma (Trung Quốc) mua lại Lazada… Thị trường sẽ sôi động, đa dạng hơn rất nhiều vì một số mặt hàng được nhập khẩu nhiều hơn do xóa bỏ rào cản về thuế.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây đang tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2010 là 88 tỷ USD thì đến năm 2017 là 130 tỷ USD, dự báo 2020 là 180 tỷ USD.
Cạnh tranh giữa các DN, các kênh bán hàng đều mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, khách hàng sẽ được phục vụ tốt hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn. Và cuộc đua giành thị phần giữa các DN Việt Nam và DN FDI; giữa các kênh bán hàng hiện đại và kênh bán hàng truyền thống trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt.
Tuy nhiên, tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn khi ngành bán lẻ Việt Nam cũng chứng kiến sự rời bỏ thị trường của những thương hiệu như Shop&Go, Auchan… Điều này cho thấy sự khốc liệt của thị trường bán lẻ nhưng cũng hé mở những cơ hội mới cho các DN nội.
Hiện, thị trường bán lẻ Việt Nam tập trung chủ yếu ở 8 phân khúc với sự góp mặt của các nhà bán lẻ lớn gồm: Đại siêu thị, trung tâm phân phối, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phức hợp, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên dụng, siêu thị điện máy, bán lẻ trực tuyến và bán hàng qua truyền hình...
Các thương hiệu trên thị trường đều có chiến lược tìm kiếm, tiếp cận khách hàng và nguồn hàng hóa riêng với nhiều lợi thế bởi am hiểu thị trường và xu hướng tiêu dùng. Do đó, DN bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển.
Một tín hiệu khá tích cực là gần đây, một số DN Việt đang nỗ lực giành lại thị phần trên thị trường bán lẻ nội. Vingroup với chuỗi trung tâm thương mại Vincom, kéo theo Vinmart, Vinmart+ phát triển tại hầu hết dự án bất động sản của mình, hoặc kiên kết với nhà phát triển dự án khác cũng đang có độ phủ sóng nhanh.
Ngoài việc thay đổi nhận thức của khách hàng, nhà bán lẻ này còn tạo lợi ích bền vững, đa dạng dịch vụ, thu tiền hộ, đi chợ hộ… Trong khi đó, Thế giới Di động lại chuyển kinh doanh thêm các sản phẩm như hàng gia dụng, đồng hồ điện tử, thực phẩm tươi và đồ ăn uống...
“Đây là các mặt hàng tuy có giá trị không cao nhưng sẽ giúp làm tăng lưu lượng khách hàng đến cửa hàng, gián tiếp làm tăng doanh thu hàng điện máy”- đại diện Thế giới Di động chia sẻ.

"Tới đây là giai đoạn của bán hàng đa kênh cả trực tiếp và bán hàng online, thay vào đó là mô hình shopping mail vừa bán hàng vừa có các dịch vụ tổng hợp như vui chơi, ăn uống, làm đẹp. Do vậy, các nhà bán lẻ Việt Nam cần đi nhanh hơn, liên kết chặt chẽ để tạo sức mạnh tổng hợp, nhất là trong điều kiện đa số các DN bán lẻ Việt còn nhỏ bé trên thị trường." - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần