Vòng chung kết U23 châu Á 2020: Những câu chuyện ngoài sân cỏ

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vòng chung kết (VCK) U23 châu Á 2020 chính thức khép lại với U23 Việt Nam ngay từ vòng bảng, một mùa giải có thể nói là thất bại với thầy trò HLV Park Hang-seo.

Tuy nhiên, đằng sau vấn đề chuyên môn, còn có những câu chuyện giúp người hâm mộ hiểu rõ hơn về một giải đấu trẻ cấp châu lục.
Nỗ lực của nước chủ nhà Thái Lan
VCK U23 châu Á được diễn ra theo chu kỳ 2 năm một lần. Mỗi mùa giải sẽ có 16 đội bóng và được chia làm 4 bảng đấu. Kết thúc VCK U23 châu Á 2018, U23 Việt Nam đã làm nên bất ngờ lớn khi góp mặt ở trận đấu cuối cùng và giành ngôi vị Á quân. Ngay sau một mùa giải thành công, Việt Nam tham gia vào cuộc đua đăng cai VCK U23 châu Á 2020. Trong cuộc đua này còn có Australia và Malaysia. Nhưng ngày 30/8/2018, AFC bất ngờ công bố trao quyền đăng cai cho Thái Lan.
 Các cầu thủ U23 Việt Nam trong một buổi tập. Ảnh: Ngọc Tú
Tuy nhiên, khi mà chỉ còn gần 5 tháng bóng sẽ lăn tại 4 sân vận động là Rajamangala (Bangkok), Chang Arena (Buriram), Thammasat (Pathum Thani) và Tinsulanonda (Songkhla), thì Thái Lan lại đứng trước nguy cơ bị tước quyền đăng cai do chưa đáp ứng đủ yêu cầu về cơ sở vật chất. Bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi, vào giây phút áp chót, chủ nhà Thái Lan đã đáp ứng được những điều kiện của AFC để giải có thể diễn ra theo đúng thời gian.
Trước một giải đấu lớn tầm cỡ châu lục, phóng viên Kinh tế & Đô thị cũng đã có mặt tại Thái Lan để truyền tải những thông tin của giải đấu cũng như các trận đấu của ĐT U23 Việt Nam tới người hâm mộ tại nước nhà. Ở vòng bảng, U23 Việt Nam thi đấu 2 trận ở sân Chang Arena thuộc tỉnh Buriram và trận cuối vòng bảng là sân Rajamangala của Bangkok. Phải khẳng định rằng, Thái Lan là một quốc gia có nền bóng đá phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Việc tổ chức một giải đấu tầm cỡ châu lục như VCK U23 châu Á là điều không quá khó đối với họ.
Theo ghi nhận của phóng viên trước khi các trận đấu của bảng D diễn ra tại Buriram, 4 đội bóng ở bảng D là Việt Nam, Jordan, UAE và CHDCND Triều Tiên đều được đáp ứng điều kiện tốt nhất. Bên cạnh đó, phóng viên tác nghiệp tại đây cũng nhận được sự chỉ dẫn tận tình của nước chủ nhà. Chuyên nghiệp trong khâu tổ chức là điều ai cũng nhìn ra mỗi khi tác nghiệp tại Thái Lan.
“Thái Lan đã tổ chức nhiều giải bóng đá trong nước cũng như quốc tế. Từ King’s Cup, các giải đấu châu lục hay vòng loại World Cup, Thái Lan luôn cho thấy sự vượt trội trong châu lục” – phóng viên Như Đạt – trang điện tử Bongda24h.com chia sẻ.
Những câu chuyện “dở khóc, dở cười”
Nghề báo hạnh phúc nhất là được sống cùng sự kiện thời sự. Với phóng viên thể thao, không phải lúc nào cũng có cơ hội tác nghiệp tại một giải đấu tầm cỡ châu lục. Trong hành trình tác nghiệp tại VCK U23 châu Á 2020, người viết đã được trải nghiệm và chứng kiến những câu chuyện có thể cho là “dở khóc, dở cười”.
Khó khăn đầu tiên khi tác nghiệp ở nước ngoài là việc bất đồng về ngôn ngữ. Tại Thái Lan hay các nước trong khu vực Đông Nam Á, không phải ai cũng nói được ngôn ngữ chung là tiếng Anh. Đặt chân đến sân bay Don Muang, cánh phóng viên thể thao Việt Nam phải “vật lộn” với hành trình về địa điểm thi đấu của U23 Việt Nam – sân Chang Arena – Buriram. Phải mất đến hơn 10 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới có thể đặt chân đến địa điểm cần đến chỉ vì lý do người dân bản địa không biết tiếng Anh và chỉ sai đường.
 Các cầu thủ U23 Việt Nam trong một buổi tập. Ảnh: Ngọc Tú
Cùng với đó là tình trạng tắc đường nghiêm trọng thường xuyên diễn ra. “Do bất đồng ngôn ngữ, tài xế grab không hiểu đường khi dẫn chúng tôi đến sân tập của U23 Việt Nam trước trận đấu với U23 Triều Tiên nên tôi và anh em đã đi lạc mất chục cây số” – phóng viên báo điện tử Soha.vn Nguyễn Văn Phong bộc bạch.
Bên cạnh đó, thực phẩm là điều mà khiến phóng viên tác nghiệp tại Thái Lan phải ngao ngán. “Biết rằng mỗi người một khẩu vị, phong tục mỗi nơi mỗi khác nhưng đồ ăn của người Thái vừa cay, vừa khó ăn. Phương án khắc phục tốt nhất chỉ có mì tôm” – phóng viên báo điện tử Vietnamplus.vn chia sẻ.
Đứng dậy sau vấp ngã
2 trận hòa và 1 trận thua, U23 Việt Nam đã phải dừng bước ngay từ vòng bảng tại giải đấu đấu mà chúng ta tham dự với ngôi vị Á quân. Thật khó để có thể so sánh các cầu của U23 năm 2020 với lứa cầu thủ thi đấu ở Thường Châu mùa giải năm 2018. Kết thúc VCK U23 châu Á 2018, những cái tên như Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn, Văn Đức… đã phải nói lời chia tay với giải đấu này khi quá tuổi.
Còn sau VCK U23 châu Á 2020, những cầu thủ như Quang Hải, Thành Chung, Tiến Dũng, Đình Trọng, Thái Quý, Đức Chinh cũng sẽ phải nói lời chia tay giải đấu U23 trong cảm xúc tiếc nuối và có phần thất vọng. Những cái tên này đã nếm trải đầy đủ thất bại và vinh quang để vươn mình thoát khỏi cái mác cầu thủ trẻ, để vững vàng hơn với sự trưởng thành.
Kết thúc trận đấu với U23 CHDCND Triều Tiên, nỗi buồn và sự thất vọng là điều dễ nhận thấy từ HLV Park Hang-seo cũng như Ban huấn luyện và các cầu thủ. Dẫu biết rằng, đây là một giải đấu khó khăn hơn rất nhiều khi hiện thực hóa mục tiêu Olympic. Không phải ai cũng muốn nhận thất bại về mình mỗi khi ra sân nhưng thời điểm này U23 Việt Nam cần phải nhìn nhận vào thực tế, chúng ta đã thất bại.
Để có thể sửa sai, các cầu thủ cần phải tự vận động mình vượt qua giới hạn và đứng dậy từ chính điểm ngã, hướng tới tương lai. Bởi mục tiêu của bóng đá Việt Nam không chỉ gói gọn trong các giải đấu trẻ mà còn vươn xa hơn nữa.
“Thật khó để nói điều tích cực khi kết quả không tốt. U23 Việt Nam cần phải cải thiện nhiều bởi đã để lộ ra những khiếm khuyết. Điểm tích cực có chăng là chúng tôi có những cầu thủ mới để có thể phục vụ cho ĐTQG trong tương lai” – HLV Park Hang-seo chia sẻ.