Vòng trừng phạt "khó khăn nhất" của Mỹ với Iran có hiệu lực

Hương Thảo (BBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyết định này đang gây nên làn sóng phản đối trên khắp quốc gia dầu mỏ.

Người biểu tình đốt quốc kỳ Mỹ bên ngoài lãnh sự quán cũ của nước này tại Tehran. Ảnh: Gettty Images
Chính quyền Trump đang khôi phục tất cả các biện pháp trừng phạt, từng được loại bỏ theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nhắm mục tiêu vào Iran và các quốc gia giao thương với nước này, khi lệnh trừng phạt chủ yếu sẽ tấn công vào việc xuất khẩu dầu - cốt lõi của nền kinh tế Iran.
Hàng ngàn người dân nước Cộng hòa Hồi giáo đã tập hợp và cùng nhau niệm câu "Cái chết với Mỹ" vào hôm 4/11, đồng thời từ chối các cuộc kêu gọi đàm phán từ Washington. Nhiều cuộc biểu tình cũng đã diễn ra vào lễ kỷ niệm 39 năm ngày mở cửa của đại sứ quán Mỹ tại Tehran.
Quân đội Iran cũng được cho là sẽ tổ chức các cuộc tập trận trên không vào 2 ngày 5-6/11 để chứng minh khả năng phòng thủ của đất nước.
Trước khi tới một cuộc vận động tranh cử cho các cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ hồi tuần trước, Tổng thống Donald Trump cho biết Iran đang phải vật lộn với chính sách của chính quyền ông.
"Các lệnh trừng phạt Iran rất mạnh. Chúng là những biện pháp trừng phạt mạnh nhất mà Mỹ từng áp đặt. Và chúng ta sẽ xem điều gì xảy đến với Iran, nhưng tôi có thể chắc chắn rằng tình hình của họ là không tốt lắm".
Nguyên nhân sâu xa
Hồi tháng 5 năm nay, Washington gần như ngay lập tức tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt sau khi ông Trump quyết rút Mỹ khỏi Thỏa thuận năm 2015 nhằm hạn chế tham vọng hạt nhân của Iran.
Washington cũng cho biết họ muốn ngăn chặn những gì mà nước này cho là các hoạt động "ác tính" của Tehran, bao gồm các hành vi như tấn công mạng, phát triển tên lửa đạn đạo và hỗ trợ cho các nhóm khủng bố ở Trung Đông.
"Chúng tôi đang hành động rất tích cực để đảm bảo rằng Mỹ ủng hộ người dân Iran...đảm bảo những hoạt động ác tính của chính quyền Iran phải bị thay đổi", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định xé bỏ thỏa thuận hạt nhân đa phương năm 2015 hồi tháng 5/2018. 
Tác động
Mỹ đã dần dần áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran nhưng theo các nhà phân tích thì vòng mới nhất này sẽ là tối quan trọng.
Hơn 700 cá nhân, thực thể, tàu và máy bay sẽ được đưa vào danh sách trừng phạt, bao gồm các ngân hàng lớn, các nhà xuất khẩu dầu và các công ty vận tải biển. Theo ông Pompeo, đến nay đã có hơn 100 công ty quốc tế lớn "tháo chạy" khỏi Iran vì lo sợ trừng phạt.
Cũng theo Ngoại trưởng Mỹ, xuất khẩu dầu của Iran đã giảm gần 1 triệu thùng/ngày, làm nghẹt nguồn thu nhập chính cho đất nước. Ngoài ra, hệ thống Swiftl, đặt trụ sở tại Brussels và chuyên thực hiện các giao dịch quốc tế, dự kiến cũng ​​sẽ cắt đứt liên kết với các tổ chức Iran nằm trong danh sách đen của Mỹ, tiến tới cô lập Iran khỏi hệ thống tài chính quốc tế.
Phản ứng của EU
Anh, Đức và Pháp - là 3 trong 5 nước vẫn duy trì hiệp ước hạt nhân với Iran - đều phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ
Các nước này đã hứa sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp châu Âu trong việc "hợp tác kinh doanh đúng luật" với Iran và đã thiết lập một cơ chế thanh toán thay thế - còn gọi là Mục đích đặc biệt (SPV) - để giúp các doanh nghiệp giao thương mà không phải đối mặt với hình phạt của Mỹ.
Tuy nhiên theo các nhà phân tích, điều này rõ ràng sẽ làm giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Như một tuyên bố đáp trả, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin mới đây đã nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ "tích cực" nhắm vào bất kỳ công ty hay tổ chức nào "trốn tránh các lệnh trừng phạt của chúng tôi".
Ai được miễn?
Chính quyền Trump đã cấp lệnh miễn trừ tạm thời cho 8 quốc gia để tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran, bao gồm các đồng minh của Mỹ như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Trung Quốc.
Theo ông Pompeo giải thích, các nước này đã thực hiện "giảm đáng kể xuất khẩu dầu thô" nhưng "cần thêm một chút thời gian để về được con số 0".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần