VPBank Hanoi Marathon ASEAN góp phần thể hiện tiếng nói Việt Nam trong khu vực và thế giới

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hoá và UNESCO, Bộ Ngoại giao - Trần Quốc Khánh khẳng định tổ chức thành công giải chạy VPBank Hanoi Marathon ASEAN 2020 (VPHM) sẽ thêm vào sự thể hiện sắc nét tiếng nói Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

VPHM tổ chức ở thời điểm này mang ý nghĩa gì đối với quan hệ Việt Nam - ASEAN cũng như vị thế của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á, thưa ông?

Giải chạy VPHM là một sáng kiến, là sự gặp gỡ của ý tưởng tốt đẹp của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá- Thể thao &Du lịch và chính quyền thành phố Hà Nội. Trong quá trình chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, chúng tôi đã nghĩ đến việc cần có một hoạt động thể thao chuyển tải được tinh thần ASEAN và nhận thấy rằng một giải chạy Marathon quốc tế sẽ thể hiện được đầy đủ tình đoàn kết và sự năng động của ASEAN. Cho đến nay, rất may mắn là ý tưởng này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các bên liên quan..

Việt Nam chưa bao giờ có vị thế, cơ đồ như ngày nay. Vị thế của Việt Nam được thể hiện qua việc chúng ta hoàn thành tất cả những trọng trách trong năm Chủ tịch ASEAN, được bầu vào Hội đồng Bảo an LHQ với số phiếu cao kỷ lục.

Chính vì vậy, tổ chức một giải chạy marathon ngay giữa lòng Hà Nội, đúng năm hưởng ứng vai trò Chủ tịch ASEAN mang rất nhiều ý nghĩa. Nếu tổ chức được giải chạy VPHM thành công sẽ thêm vào sự thể hiện sắc nét tiếng nói Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

 Phó Vụ trưởng Trần Quốc Khánh rất coi trọng và đánh giá cao VPHM 2020
 Những hình ảnh biểu tượng của Hà Nội sẽ xuất hiện trên đường chạy, trên những áp phích băng rôn quảng cáo cho VPHM. Đó sẽ là những câu chuyện đẹp đẽ tiếp nối để đưa hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, an toàn, hạnh phúc ra thế giới trong lúc khó khăn thế này?

Đây là câu hỏi thú vị gợi cho chúng ta đến nhiều liên tưởng. VPHM có sự kết hợp giữa giải chạy truyền thống, là giải chạy di sản với một ý tưởng mới, là gắn với năm ASEAN. Lộ trình của VPHM đi qua nhiều di sản văn hóa của Hà Nội, như vậy, có thể nói, VPHM được thiết kế như một hành trình giới thiệu, hành trình tìm về cội nguồn văn hóa thông qua các di sản.

Một giải chạy thành công ở Hà Nội, đi qua các di sản văn hóa, vào một thời điểm có nhiều ý nghĩa đặc biệt chắc chắn sẽ tiếp tục kể câu chuyện về đất nước Việt Nam là điểm đến an toàn, tươi đẹp, giàu sức sống, thân thiện và cởi mở. Thông qua giải chạy này, với sự tham gia của các VĐV quốc tế và ngoại giao đoàn, hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, bình an, hạnh phúc sẽ được giới thiệu rộng rãi với bạn bè quốc tế.

 Chủ đề của năm ASEAN năm nay là “Gắn kết và thích ứng”. Một giải chạy mang ý nghĩa tương tác vật lý này là cầu nối cho sự gắn kết của Việt Nam với ASEAN cũng như thể hiện sự thích ứng của Việt Nam trong “bình thường mới”?

Tinh thần ấy được thể hiện rất rõ. Gắn kết là thể thao gắn kết mọi người. Giải chạy có đầy đủ các thành phần vận động viên từ chuyên nghiệp đến phong trào. Khi tổ chức, chúng ta tính rất kỹ, tính cả đến các hoạt động cho người tham gia và người cổ vũ, đến cả phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Yếu tố kết nối rất rõ ràng. Kết nối người tham gia, kết nối người thực hiện, người quan tâm, làm mọi người xích lại gần nhau, không vì dịch bệnh mà xa nhau.

Chủ động thích ứng cũng được thể hiện rõ ràng qua việc BTC chủ động xây dựng phương án bố trí các tốp chạy thế nào, giãn cách ra sao, rồi bố trí kể cả cho phép VĐV tham gia theo hình thức trực tuyến giống như một số giải lớn như Boston, Tokyo trong bối cảnh này. Tổ chức được như vậy là sự thích ứng.

 VPHM 2020 sẽ truyền đi thông điệp “bình thường mới” của Việt Nam ra thế giới
 Việc tổ chức chạy kết nối giữa các VĐV trên thế giới và nhiều vùng miền trên đất nước tại VPHM có thể được xem là cách làm sáng tạo như cách Việt Nam vượt khó khăn để tổ chức những sự kiện quan trọng của ASEAN trong năm nay?

Thông qua giải chạy lần này, sự sáng tạo của Việt Nam được thể hiện rất rõ. Tôi nhận thấy rằng, BTC cũng nằm trong một cuộc đua, là cuộc chạy đua với thời gian. Tất nhiên, ta không phải nước đầu tiên tổ chức giải chạy trong hoàn cảnh khó khăn này, nhưng sự sáng tạo là cần thiết khi chúng ta tính đến các phương án như đã nói đến ở trên. Đó là sự sáng tạo để vượt khó.

Tôi cho rằng một trong những sự kết nối và chủ động thích ứng rất quan trọng và đáng được nhắc đến nữa, đó là kết nối tinh thần vượt khó, kết nối giá trị sống. Trong bối cảnh dịch bệnh, Việt Nam đã kiểm soát tình hình, vượt qua khó khăn và tìm ra giải pháp cho một giải chạy. Đó là giá trị nhân văn hết sức quan trọng.

 VPHM 2020 kết nối bạn bè khắp năm châu
 Là người từng công tác ở Pháp lâu năm, đã chứng kiến nhiều sự kiện thể thao tầm thế giới, ông cảm thấy thế nào và có so sánh gì không khi sắp được chứng kiến 1 giải đấu lớn với hàng nghìn người tham dự ở Thủ đô Hà Nội giữa thời COVID-19?

Chúng ta biết mỗi giải thể thao lớn hay nhỏ đều có cá tính riêng tạo nên sự đặc sắc của giải đó. Tôi thấy rằng giữa giải VPHM và các giải lớn khác trên thế giới có những điểm giống và khác. Khác nhau đương nhiên là địa điểm cách thức tổ chức và sắc màu văn hóa. Tuy vậy có những điểm rất tương đồng về giá trị và câu chuyện di sản. Một giải thể thao mang mọi người đến gần nhau giúp con người đến gần nhau hơn và hướng công chúng đến các giá trị văn hóa tốt đẹp luôn là điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn. Ở Pháp, giải chạy dù lớn hay nhỏ cũng đều hướng tới các thông điệp nhân văn. Ở Paris, có nhiều giải, cả những giải phong trào cũng được tổ chức kỹ lưỡng và đều thể hiện thông điệp văn hóa rõ nét.

Tôi nghĩ đây cũng là nét tương đồng lớn mà thời gian tới ta cũng nên phát huy mạnh mẽ hơn nữa vì chiều sâu văn hóa và bề dày lịch sử của Hà Nội và Việt Nam là vốn rất quý mà ta cần phải phát huy.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần