VPBank tham vọng gì với tín dụng tiêu dùng?

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chiều 19/3, vấn đề được cổ đông “chất vấn” HĐQT ngân hàng này nhiều nhất là thị phần, tiềm năng và các phương án dự phòng rủi ro từ “con gà đẻ trứng vàng”- công ty tài chính FE Credit.

Trả lời các câu hỏi của cổ đông, HĐQT ngân hàng này cho hay, trong 5 năm tới, trụ cột tín dụng tiêu dùng với FECredit vẫn là một trong hai nguồn mang lại lợi nhuận chủ yếu cho ngân hàng. VPBank cũng tham vọng phát triển FECredit thành công ty đại chúng lớn mạnh, trong đó ngân hàng này có thể là cổ đông lớn.
 ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chiều 19/3
“Gà đẻ trứng vàng”- lợi nhuận lớn, rủi ro cao, quản trị thế nào?
Báo cáo được ông Nguyễn Đức Vinh- Tổng Giám đốc VPBank cho biết, xét về đóng góp của các phân khúc, năm 2017, gần 79% tổng thu nhập hoạt động thuần của VPBank đến từ các phân khúc chiến lược. Bốn trụ cột kinh doanh chính đã có một năm bứt phá về tăng trưởng thu nhập hoạt động thuần so với năm rước. Cụ thể, khách hàng cá nhân tăng trưởng 66%, khối khách hàng DN vừa và nhỏ tăng 39%, khối tín dụng tiểu thương tăng gấp 2,5 lần và mảng tín dụng tiêu dùng với thương hiệu FE Credit tăng trưởng 52%.

CEO của VPBank cho biết thêm, 5 năm qua, thành công, lợi nhuận của ngân hàng chủ yếu đi từ 2 nguồn là các hoạt động truyền thống – là hoạt động hầu như ngân hàng nào của Việt Nam cũng làm trong 20 năm qua; và nguồn thứ hai của ngân hàng chính là FE Credit. 3 năm đầu từ năm 2011 FE Credit đã không có lợi nhuận nhưng từ năm 2014 đã có. Trong 5 năm tới, lĩnh vực này vẫn sẽ tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng và chiếm một nửa tổng lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất.

Hiện, theo tính toán của VPBank, hiện FECredit chiếm thị phần trên 50% thị phần các công ty tài chính tiêu dùng. 2,8 triệu khách hàng của ngân hàng và hơn 5 triệu của FE Credit trong 5 năm qua sẽ là nền tảng để ngân hàng sẽ tiếp tục phát triển phân khúc đại chúng thông qua các sản phẩm thông thường huy động, thanh toán, tín dụng. Một trong những lợi thế lớn của FECredit hiện nay là FE mở rộng khả năng nguồn vồn. Đây là công ty tài chính tiêu dùng nhận được nguồn vốn ừ các tổ chức tài chính nước ngoài với giá vốn rẻ nhiều nhất trên 500 triệu USD.

Các cổ đông cho rằng, thách thức trong năm 2018 sẽ lớn hơn khi ngày càng có nhiều ngân hàng tham gia mảng tín dụng tiêu dùng. Vậy, VPBank sẽ đối phó với các rủi ro lĩnh vực này như thế nào, HĐQT ngân hàng cho biết, sẽ cần hoàn thiện khâu quản trị, tiết kiệm chi phí, rủi ro, đối phó với cạnh tranh. Với kế hoạch này, VPBank dự kiến dự phòng 10.000 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2018 sẽ tiếp tục tăng 32,84% lên mức 10.800 tỷ đồng, qua đó giữ tỷ suất lợi nhuận ROE khoảng 25%, ROA được cải thiện từ 2,54 lên 2,7%.
Qua thời “chạy ăn từng bữa”, tính chuyện tăng tiềm lực để M&A

Tại ĐHCĐ, HĐQT VPBank cũng trình kế hoạch phát hành tăng vốn “khủng” tới 77% ngay trong năm 2018, lên mức 27.799,87 tỷ đồng, thông qua 5 đợt phát hành, gồm: chia cổ tức, cổ phiếu thưởng, chào bán riêng lẻ…

Một số Cổ đông có đề cập đến nhu cầu tăng vốn của ngân hàng có cấp bách lắm hay không, vì sao phải phát hành riêng lẻ… Ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, vốn chủ sở hữu của ngân hàng hiện khoảng 29.000 tỷ. Theo kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn thì hệ số CAR cuối năm nay sẽ đạt khoảng 18%.

Chủ tịch VPBank cho biết thêm, dù hiện Ngân hàng Nhà nước chưa yêu cầu phải đáp ứng theo Basel 2, nhưng nội bộ VPBank đã tự áp dụng với yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn bình thường và đó là lý do của việc phát hành tăng vốn. Hơn nữa ngoài việc đáp ứng yêu cầu thì ngân hàng còn muốn mức dự trữ cao hơn bình thường.

"Ngân hàng muốn tăng vốn năm nay vì không phải lúc nào cũng có có thể tăng được. Lúc thị trường phát triển tốt cũng chưa chắc đã là thời điểm thích hợp để tăng vốn. Cơ hội có thể qua đi bất cứ lúc nào. Hiện kinh tế vĩ mô Việt Nam và thế giới phát triển tốt là thời điểm thuận lợi phát hành tăng vốn. Trước đây, vốn của ngân hàng chỉ đủ để “chạy ăn từng bữa”, không đủ nguồn lực để thực hiện M&A. Thời gian tới, chúng tôi có thể sẽ công bố phương án sáp nhập vào thời điểm phù hợp”, ông Dũng tiết lộ.
Kết thúc năm tài chính 2017, VPBank nằm trong Top 5 ngân hàng TMCP có giá trị cho vay và huy động tiền gửi lớn nhất trên thị trường, và là 1 trong 3 Ngân hàng TMCP bán lẻ dẫn đầu về cho vay, huy động tiền gửi và số lượng khách hàng. Cụ thể, đến 31/12/ 2017, tổng tài sản của VPBank đạt 277.750 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng đạt 196.670 tỷ đồng; huy động vốn đạt 199.650 tỷ đồng. 

Tổng thu nhập hoạt động năm 2017 của VPBank đạt 25.026 tỷ đồng, tăng 48% so với 2016, ghi nhận là mức thu nhập cao nhất từ trước đến nay của Ngân hàng, giúp đưa tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2012-2017 đạt 51%. Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của VPBank đạt 8.130 tỷ đồng - cao nhất từ trước đến nay, tăng 65% so với năm 2016 và đạt 120% kế hoạch điều chỉnh hồi giữa năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần