Vụ 2 sản phụ tử vong, 1 nguy kịch: Sở Y tế Đà Nẵng chưa chủ động nắm bắt thông tin thuốc gây tê

QUANG HẢI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ kết luận Sở Y tế TP chưa chủ động trong việc nắm bắt thông tin từ một số địa phương để kịp thời đưa ra cảnh báo đối với các cơ sở khám chữa bệnh trong việc sử dụng thuốc gây tê tủy sống Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy (Ba Lan sản xuất).

Sở Y tế Đà Nẵng phải tổ chức kiểm điểm, xử lý
Tối 22/11, ông Đoàn Ngọc Hùng Anh – Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND TP Đà Nẵng ký văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng liên quan đến các vụ tai biến sản khoa vừa xảy ra tại Bệnh viện (BV) Phụ nữ TP ngày 17/11.
Bệnh viện Phụ nữ thành phố Đà Nẵng, nơi xảy ra sự cố y khoa khiến 2 sản phụ tử vong, 1 nguy kịch.
Theo nội dung văn bản, sau buổi làm việc chiều 21/11 với lãnh đạo Sở Y tế, Giám đốc BV Đà Nẵng, Giám đốc BV Phụ sản – Nhi, Ban Giám đốc và một số bộ phận liên quan của BV Phụ nữ TP Đà Nẵng (nơi xảy ra vụ việc đau lòng), Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ kết luận: Sở Y tế TP chưa chủ động trong việc nắm bắt thông tin từ một số địa phương để kịp thời đưa ra cảnh báo đối với các cơ sở khám chữa bệnh trong việc sử dụng thuốc gây tê Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy (Ba Lan sản xuất).
Qua đó, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Giám đốc Sở y tế TP khẩn trương tổ chức kiểm điểm, xử lý, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, không để xảy ra các trường hợp tương tự; tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực dược, tăng cường giám sát đối với các ca tai biến sản khoa.
Sở Y tế chú trọng hơn công tác đấu thầu thuốc, ưu tiên chọn lựa những loại thuốc tốt nhất, đặc biệt là thuốc gây mê, gây tê. Cùng với đó, Sở Y tế khẩn trương làm việc với công ty cung ứng thuốc đối với lô thuốc gây tê nêu trên, báo cáo kết quả cho Chủ tịch UBND TP.
Yêu cầu Sở Y tế thành lập Hội đồng chuyên môn theo quy định để đánh giá và có kết luận chính thức đối với các vụ tai biến sản khoa vừa xảy ra, báo cáo với các cấp chính quyền.
Bác sỹ Nguyễn Út (áo vest đen) - Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng thông tin báo chí về vụ việc.  
Đối với BV Phụ nữ TP, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu rút kinh nghiệm trong việc chẩn đoán lâm sàng để kịp thời chuyển lên tuyến trên đối với các ca vượt khả năng xử lý, điều trị. Rà soát, xem xét lại quy trình, trang thiết bị và các điều kiện liên quan nhằm đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn, xử lý chuyên môn theo quy định đối với các ca mổ đẻ, tai biến sản khoa, cấp cứu…
BV Đà Nẵng và BV Phụ sản – Nhi tiếp tục quan tâm, làm tốt chính sách đối với các gia đình nạn nhân; tập trung chăm sóc, điều trị đối với sản phụ và các bé trong vụ tai biến sản khoa.
Cục Quản lý dược đã có công văn tạm dừng thuốc này từ tháng 7/2019
Trước đó, vào khoảng 8h ngày 17/11, sản phụ V.T.N.S (SN 1987, trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) nhập viện Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng để chờ sinh mổ khi đang mang thai 38 tuần 3 ngày. Các bác sĩ chỉ định sinh mổ bắt thai trong trạng thái chuyển dạ, thai to, đa ối. Đến khoảng 11h20 cùng ngày, các bác sĩ tiến hành gây tê tủy sống, mổ lấy thai nhi.
Nhưng đến cuối ca mổ, sản phụ S. có biểu hiện duỗi thẳng 2 chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh. Bệnh nhân S. được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và đến khoảng 20h cùng ngày, bệnh nhân S. tử vong.
Trong ngày 17/11, Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng cũng tiếp nhận sản phụ N.T.H (SN 1987, trú quận Liên Chiểu) đang mang thai 37 tuần 1 ngày trong tình trạng chuyển dạ vết mổ cũ. Đến 15h5 cùng ngày, sản phụ được đưa vào phòng mổ. Bệnh nhân H. được gây tê tủy sống nhưng sau đó có các biểu hiện tương tự sản phụ S. như đau vùng mông, khó chịu, bứt rứt nên các bác sĩ đã chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng.
Tại Bệnh viện Đà Nẵng, các bác sĩ đã tiến hành mổ lấy cháu bé ra ngoài, chuyển sản phụ H. vào Khoa Hồi sức tích cực - chống độc trong tình trạng nguy kịch. Hiện bệnh viện đang tích cực cứu chữa cho bệnh nhân H. 2 bé sơ sinh hoàn toàn khỏe mạnh.
Thuốc gây tê tủy sống Bupivacaine do Ba Lan sản xuất.
Vào khoảng cuối tháng 10/2019, sản phụ L.H.P.T (SN 1987, trú quận Hải Châu) cũng nhập Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng để sinh mổ và sau đó tử vong với các triệu chứng tương tự.
Điều đáng nói, đã có nhiều tỉnh/thành lên tiếng cảnh báo về thuốc gây tê Bupivacaine gây ra những sự cố y khoa, hàng loạt bệnh viện ngưng sử dụng loại thuốc này. Trong đó, vào tháng 4/2019, Sở Y tế Cần Thơ đã có công văn thay đổi thuốc trúng thầu, loại thuốc gây tê tủy sống từ thuốc của Ba Lan sang thuốc của Pháp sản xuất.
Trước đó, ngày 18/7/2019, Sở Y tế Hà Nội có báo cáo Cục quản lý dược lô thuốc Bupivacaine WPW không đạt tiêu chuẩn chất lượng đối với chỉ tiêu tính chất, độ trong (có dị vật lơ lửng). Ngày 19/7, Cục quản lý dược đã có công văn tạm dừng ngay loại thuốc này.