Vụ 39 người trên container: Hồi chuông cảnh tỉnh cho ai?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 39 thi thể trong chiếc container ở khu công nghiệp Essex nước Anh vừa qua được xác nhận là nạn nhân người Việt Nam. Trách nhiệm thuộc về ai?

Trách nhiệm của London

 “Ngoài sốc và phẫn nộ, thảm kịch này gây cảm giác quen thuộc nhiều hơn”, nhà báo Hsiao-Hung Pai – tác giả cuốn sách “Lời thì thầm từ Trung Hoa: Câu chuyện đằng sau lực lượng lao động bí ẩn ở Anh” nhận định.  Gần 20 năm trước, 58 người Trung Quốc cũng bị phát hiện chết ngạt tại Dover trong một tình huống tương tự. Những nạn nhân này không ngừng đập cửa và gào thét để thoát khỏi chiếc container nhưng chỉ 2 trong số đó sống sót.

 Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel ký tưởng niệm 39 nạn nhân thiệt mạng trên container tại hạt Essex. 

Ngay cả những khẩu hiệu mà giới chức và truyền thông Anh đưa ra lần này như “ngừng nạn buôn người”, “phá hủy hệ thống tội phạm xuyên quốc gia” nghe cũng rất quen thuộc. “Tôi đã bắt gặp những cụm từ này 2 thập kỷ trước từ Bộ trưởng Nội vụ Anh bấy giờ Jack Straw và người kế nhiệm ông ấy Priti Patel lặp lại”, nhà báo này nói. Việc triệt phá  cần được xem xét, trong khi việc bảo về quyền lợi cho các dòng người di cư lao động bất hợp pháp vẫn còn lỏng lẻo khi họ vừa là nạn nhân vừa bị coi là kẻ tội phạm

Trong khi việc xác nhận danh tính tiếp diễn,  những nạn nhân người Việt được miêu tả như những nạn nhân “thiếu ý thức” và không có đủ hiểu biết khi quyết định vượt biên sang Anh lao động. Thực tế, những người Việt trẻ chọn các tuyến đường nguy hiểm để sang Anh là do họ không có khả năng tiếp cận những con đường chính đáng, đành phải viện đến các đường dây “đầu rắn” – những băng đảng mafia buôn người.

Theo BBC, một báo cáo của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh nhận định chính sách đóng cửa biên giới nghiêm ngặt của nước này góp phần đẩy di dân vào tay của các tổ chức buôn người. Nghị sỹ Tom Tugendhat, chủ tịch của ủy ban cho rằng nước Anh cần hành động “làm gương”, đồng thời chính phủ cần xem công tác chống buôn người là ưu tiên hàng đầu. “Thảm kịch lần này cần được xem là lời cảnh tỉnh cho Bộ Ngoại giao và chính phủ Anh”, Nghị sỹ này nhấn mạnh.

Áp lực tại quê nhà

 Theo nhận định ban đầu, người Việt di cư trái phép sang Anh lao động chủ yếu đến từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Năm 1986, chính phủ Việt Nam triển khai chương trình Đổi mới theo đó cải cách kinh tế, nhằm tạo điều kiện cho việc chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ những năm 1990 trở đi, GDP Việt Nam liên tục gia tăng. Dòng vốn đầu tư nước ngoài đóng góp lớn vào thành tựu đó khi đã mang lại thu nhập cho các ngành chế biến, sản xuất, nông nghiệp, giáo dục và y tế công nghệ cao. Kể từ đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn 1,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo nhà báo Hsiao-Hung Pai, những biến chuyển này vẫn chưa phân bổ đồng đều cho mọi địa phương, trong đó có Hà Tĩnh và Nghệ An. Chi phí lao động ở đây duy trì ở mức thấp. Ví dụ, một công nhân tại đây kiếm chỉ khoảng 2/3 một công nhân tại Trung Quốc có vị trí lao động tương tự, trong khi một nửa dân số dưới 30 tuổi.  Thu nhập trung bình tại Việt Nam xấp xỉ 150 USD/tháng, trong khi ở những tỉnh này còn không đến mức đó.

Năm ngoái, GDP đầu người ở Nghệ An ở khoảng 1.600 USD và Hà Tĩnh khoảng 2.200 USD/năm, vẫn ở dưới mức trung bình toàn quốc ở 2.500 USD. Tình thế này khiến hàng chục ngàn người dân ở các địa phương này chọn một hướng đi khác: mạo hiểm xuất khẩu lao động để tìm tương lai sáng lạn hơn cho bản thân vào gia đình.

Những gia đình này thường dựa vào con cái chuyển tiền từ nước ngoài về. Tiền chuyển từ nước ngoài về vào các tỉnh như Nghệ An tương đương 225 triệu USD/năm, theo ước tính của giới chức địa phương.

Vậy nên bên cạnh sốc và cảm thương cho những nạn nhân của vụ việc Essex, điều tốt nhất để làm là phản đối và thay đổi chính sách từ phía Anh cũng như các chính quyền địa phương cần tạo điều kiện sống và làm việc cởi mở cho chính người dân, để họ không phải tìm đến những con đường mạo hiểm tìm tương lai mới.