Vụ án tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài: Trừng trị nghiêm khắc

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc 39 người Việt Nam tử vong trong container tại nước Anh đã được xác định là câu chuyện buồn về tình trạng nhập cư trái phép. Khi bị phát hiện, bắt giữ, các trường hợp tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép sẽ bị xử lý thế nào?

Đã khởi tố, bắt giữ nhiều đối tượng
Liên quan vụ việc 39 người tử vong trong container tại nước Anh, Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, bắt 9 người liên quan để phục vụ điều tra, làm rõ vụ việc, và những người này đều bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp. Các đối tượng này đã nhận tội ban đầu. Hiện cơ quan công an đang tạm giữ hình sự các đối tượng này để tiếp tục điều tra làm rõ.
“Công an tỉnh Nghệ An hiện chưa khởi tố bị can nhưng đã khởi tố vụ án, khi có đủ căn cứ khai nhận thực hiện hành vi phạm tội mới khởi tố bị can. Tuy nhiên, từ nay đến lúc khởi tố bị can không còn lâu. Về mặt pháp lý, đây là hành vi tổ chức trốn ra nước ngoài và ở lại nước ngoài trái phép” - Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thông tin.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, quá trình bắt giữ 9 đối tượng, công an gặp không ít khó khăn. Thứ nhất, về phía bị hại, mặc dù gia đình rất buồn, đau xót nhưng họ vẫn hy vọng con mình không phải trong số nạn nhân đấy, nếu cung cấp ra thì sợ bên kia trả về. Thứ hai, một số bị hại nghĩ có thể cứu vãn, mất người còn của, có thể bên kia trả lại một ít kinh phí... nên gây khó khăn bước đầu cho cơ quan điều tra.
 Xe container phát hiện 39 thi thể tại Anh.
Tuy nhiên, khi đến vận động, giải thích, các gia đình đều hợp tác. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, các đối tượng nghi vấn thông tin phải tuyệt mật bởi đây là mảng quan trọng nhất. Vì thế phải chờ có đầy đủ tài liệu, chứng cứ mới làm đồng loạt.
Tại tỉnh Nghệ An, trong số 24 gia đình trình báo mất liên lạc với người thân, có 3 gia đình đã thông báo liên lạc được với người thân và rút đơn trình báo. Hiện còn 21 gia đình đang bị mất liên lạc với người thân ở nước ngoài.
Trong vụ việc trên, Công an Hà Tĩnh cũng đã khởi tố bị can, bắt 2 đối tượng về tội “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Trước đó, sau khi nhận thông tin của 10 gia đình trên địa bàn Hà Tĩnh trình báo có người thân mất tích trên đường sang Anh với nghi vấn có thể là nạn nhân vụ phát hiện 39 thi thể trong thùng xe container ở Anh, Công an Hà Tĩnh đã tập trung điều tra làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức liên quan…
Phải điều tra toàn diện
Liên quan vụ việc 39 người tử vong trong container tại nước Anh, các chuyên gia pháp lý cho rằng, việc Công an tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh khởi tố vụ án tổ chức, môi giới đưa người ra nước ngoài trái phép hoặc ở lại nước ngoài trái phép theo quy định tại Điều 349 Bộ luật Hình sự 2015 là đúng.
Nếu bị xử lý theo quy định này, các đối tượng môi giới, tổ chức người khác đi nước ngoài trái phép có thể bị phạt đến 15 năm tù theo quy định tại khoản 3, Điều 349 Bộ luật Hình sự (nếu hậu quả là làm chết người, thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên hoặc đối với 11 người trở lên).
Ngoài ra, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội còn phải bồi thường thiệt hại, bị phạt tiền đến 50 triệu đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Thị Hải Yến - Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Viết (Hà Nội) cho rằng, cần phải tiến hành điều tra toàn diện, khách quan và đầy đủ theo đúng sự thật khách quan và đúng quy định pháp luật để làm rõ việc có hay không có, và sự khác nhau giữa hai hành vi “Tổ chức, môi giới đưa người ra nước ngoài trái phép” và “Tổ chức, môi giới cho người Việt Nam ở lại nước ngoài trái phép”, bởi có thể những người tiến hành liên hệ, giúp đỡ, giúp sức, môi giới, tổ chức cho những người Việt Nam (trong số 39 nạn nhân) ở lại nước ngoài khi họ đã hết thời hạn thị thực nhưng không quay về Việt Nam hoặc không làm thủ tục xin gia hạn thị thực hoặc vượt biên sang một nước khác.
Cùng đó, những người Việt Nam đã có đủ điều kiện, thực hiện đầy đủ, đúng quy định pháp luật và được cấp thị thực xuất cảnh (visa) ra khỏi biên giới Việt Nam đến một nước khác thì không thể nói là những người đó “ra nước ngoài trái phép” được. Thực tế, có thể cá nhân/pháp nhân thực hiện một trong hai hành vi, hoặc cùng một lúc thực hiện cả hai hành vi vi phạm pháp luật như đã nêu trong Điều 349 Bộ luật Hình sự 2015.

"Hành vi đưa người trái phép ra nước ngoài trước kia có nhiều và chủ yếu đi bằng đường tiểu ngạch, nhưng trong những năm gần đây đã bị Bộ đội Biên phòng, Cục Cảnh sát xuất nhập cảnh quản lý nghiêm ngặt ở các cửa khẩu đường bộ, đường hàng không nên khó thực hiện hơn. Tuy nhiên, hành vi tổ chức đưa người đi nước ngoài và tổ chức nhập cư trái phép thì ngày càng được tổ chức tinh vi hơn dưới nhiều hình thức như tour đi du lịch, đi du học, đi xuất khẩu lao động, đi thăm người thân (hôn nhân giả)..." - Luật sư Nguyễn Thị Hải Yến - Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Viết

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần