Vụ cây xăng Trần Khát Chân “móc túi” khách: 16 bị cáo lĩnh án

Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hai ngày đưa ra xét xử, ngày 21/2, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với 16 bị cáo về tội “Lừa dối khách hàng” trong vụ “móc túi” khách hàng xảy ra tại Cửa hàng xăng dầu số 436 đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (Cây xăng Trần Khát Chân).

Theo đó, sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh (SN 1966) - nguyên Cửa hàng trưởng Cây xăng Trần Khát Chân 30 tháng tù; Trần Thanh Trình (SN 1980) và Nguyễn Mạnh Hà (SN 1983) cùng 36 tháng tù; Hồ Trọng Tuấn (SN 1973) - nguyên Trưởng phòng Thị trường của Công ty CP Xăng dầu chất đốt Hà Nội 24 tháng tù cùng về tội “Lừa dối khách hàng”.
 Các bị cáo tại phiên tòa
Cùng tội danh trên, 9 bị cáo gồm: Đỗ Thị Lương Hà (SN 1970), Trần Thị Minh Thu (SN 1972), Trương Quốc Cường (SN 1981), Nguyễn Công Trung (SN 1970), Lương Thị Vân (SN 1969), Nguyễn Thị Minh Phương (SN 1963), Bùi Thị Mai Linh (SN 1982), Lê Đức Phong (SN 1976) - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị xăng dầu Thăng Long và Lê Tuấn Anh lĩnh án từ 18 - 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Riêng 3 bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Bá Tùng (SN 1979), Hoàng Nghĩa Quân (SN 1983) và Ngô Đức Toàn (SN 1979) - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị xăng dầu Anh Phát được áp dụng hình thức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

Theo cáo trạng truy tố, ngày 24/12/2015, Phòng An ninh kinh tế – Công an TP Hà Nộị phối hợp cùng đội Quản lý thị trường số 14 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra Cây xăng Trần Khát Chân và Cửa hàng xăng dầu Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã phát hiện tại các cột bơm xăng, dầu của cửa hàng này có sử dụng thiết bị ngoại lai (chíp điện tử) gắn vào cột bơm xăng.

Quá trình kiểm tra đã xác định được, Công ty CP xăng dầu chất đốt Hà Nội là DN cổ phần và sở hữu 27 cửa hàng xăng dầu. Từ tháng 4 - 5/2014, tại Cây xăng Trần Khát Chân có 12 cán bộ nhân viên. Trong đó, bị cáo Hồng Hạnh là cửa hàng trưởng, còn Hà trưởng ca kiêm thủ kho. Khi làm việc, bị cáo Trình và Hà phát hiện, nếu gắn chíp điện tử lên cột bơm xăng sẽ làm giảm lượng xăng thực tế bơm cho khách. Cả hai sau đó đã bàn bạc và được Hạnh chấp thuận. Sau đó, các nhân viên tại cây xăng này đã góp 7 triệu đồng/người để mua chíp điện tử.

Do là trưởng ca nên Hạnh được ưu ái miễn trừ khoản tiền này. Cầm số tiền 70 triệu đồng, Trình và Hà nhờ Hồ Trọng Tuấn mua 3 chíp điện tử. Sau đó, Tuấn liên lạc với Ngô Đức Toàn mua 2 bộ chíp điện tử với giá 3 triệu đồng. Tuy nhiên, khi giao cho Trình và Hà, giá trị con chíp bị đẩy lên thành 70 triệu đồng. Theo lời giới thiệu của Tuấn, chíp điện tử sẽ giảm từ 1 - 6% lượng xăng dầu bán cho khách hàng.

Sau khi mua được chíp điện tử, các bị cáo đã gắn vào các cột bơm xăng số 2, 4 và 5 tại Cây xăng Trần Khát Chân. Chíp điện tử sẽ khởi động khi cầu dao cây bơm xăng được bật. Còn trường hợp cơ quan chức năng vào kiểm tra thì nhân viên sẽ tắt công tắc chíp điện tử. Hoạt động được hơn một tháng, Trình và Hà cho lắp đặt thêm bộ điều khiển từ xa để dễ dàng khởi động con chíp.

Số tiền hưởng lợi từ việc gian lận được các bị cáo chia ngay sau ca làm. Cụ thể, từ cuối tháng 4/2014 - 24/12/2015, bị cáo Hạnh và đồng phạm đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt của khách hàng gần 1,6 tỷ đồng. Trong đó, Hạnh hưởng lợi 200 triệu đồng, Trình 120 triệu đồng và Hà 152 triệu đồng. Đến nay, các bị cáo đã nộp lại số tiền thu lợi bất chính trên.

Ngoài ra, cáo trạng truy tố cũng thể hiện, bị cáo Trình và một số nhân viên tại Cửa hàng xăng dầu Yên Viên cũng có hành vi lắp chíp điện tử gian lận xăng nhưng do chưa xác định số tiền các đối tượng chiếm đoạt nên cơ quan điều tra đã tách tài liệu xử lý sau.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần