Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ cháy công ty Rạng Đông ảnh hưởng chất lượng không khí trong tuần như thế nào?

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần này, chất lượng không khí tại Hà Nội có sự chênh lệch rõ rệt. Số ngày có chỉ số tốt tăng, tập trung vào cuối tuần.

 
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), chỉ số chất lượng không khí - AQI (CLKK) trong tuần (25/8 - 31/8) trên địa bàn TP nhìn chung duy trì ở mức khá ổn định, vẫn chủ yếu duy trì ở mức trung bình. Số ngày có chỉ số chất lượng không khí tốt tăng, tập trung vào các ngày cuối tuần. Đồng thời, số ngày kém có tăng nhẹ, tập trung vào hai ngày đầu tuần. Kim Liên, Tân Mai và Tây Mỗ là các khu vực có CLKK tốt nhất trong tuần. Chỉ số AQI1 tại các trạm quan trắc dao động từ 26-132.
Tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, số ngày CLKK đạt tốt dao động từ 14,3%-42,9%. Tân Mai là trạm duy nhất không có ngày nào AQI chạm mức kém. Các trạm còn lại đều có 1 ngày AQI ở mức kém vào ngày 26/8, chiếm 14,3%.
Tại 2 điểm quan trắc giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông. Trong tuần này, trạm Minh Khai xuất hiện 1 ngày AQI đạt mức tốt vào ngày 31/8, chiếm 14,3%. Số ngày AQI chạm mức kém tại cả hai trạm chiếm 28,6%, còn lại ở mức trung bình. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm Minh Khai và Phạm Văn Đồng lần lượt là 138 và 129.
Đối với các trạm quan trắc nội đô như Hàng Đậu, Hoàn Kiếm và Thành Công, CLKK của tuần này không có gì thay đổi so với tuần trước. Cụ thể, đối với trạm Hoàn Kiếm có 1 ngày AQI ở mức kém chiếm tỷ lệ 14,3%, 2 ngày AQI ở mức tốt chiếm 28,6%, còn lại ở mức trung bình. Trạm Hàng Đậu có 2 ngày CLKK ở mức kém chiếm 28,6%, còn lại ở mức trung bình. Đối với trạm Thành Công đều có 1 ngày AQI ở mức tốt và xấu chiếm 14,3%.
Có thể thấy, CLKK và điều kiện thời tiết trong tuần có sự chênh lệch rõ rệt. Vào đầu tuần, điều khí tượng khá bất lợi, nền nhiệt ngày và đêm có sự chênh lệch, sáng sớm xuất hiện sương mù, không có mưa khiến CLKK có xu hướng giảm xuống. Tuy nhiên, đến cuối tuần do ảnh hưởng của cơn bão số 4 trên toàn TP xuất hiện nhiều trận mưa rào và dông kéo dài trên diện rộng, giúp CLKK liên tục được cải thiện, điển hình vào ngày 31/8, 100% CLKK ở các trạm đều ở mức tốt.
Liên quan đến những nghi ngại về ô nhiễm môi trường sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông tối 28/8 (quận Thanh Xuân), cũng theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, Minh Khai là trạm duy nhất ghi nhận có nồng độ bụi (PM10 và PM2.5), khí CO và NOx tăng cao đột biến vào khoảng thời gian từ 20h ngày 28/8/2019 đến 1h ngày 29/8/2019.
Cùng thời điểm đó, 9 trạm còn lại và tham khảo thêm các trạm cảm biến khác của một số tổ chức phi chính phủ đặt rải rác trên toàn TP đều không ghi nhận được dữ liệu bất thường nào.
Hồi 9h30 ngày 31/8/2019, Sở TN&MT Hà Nội đã phối hợp với Đoàn công tác của Bộ TN&MT đã tiến hành kiểm tra hiện trường vụ hỏa hoạn. Kết quả, tại 5 vị trí (điểm giáp cổng công ty bóng động lực, giáp khu dân cư ngõ 342 Khương Đình); điểm trước cửa số nhà 81 ngõ 342 Khương Đình, giáp khu vực cháy; điểm giáp cổng chào tổ dân phố số 10, phường Hạ Đình; điểm giáp khu vực thiết bị chiếu sáng, sát khu vực xưởng xảy ra cháy; điểm giáp khu vực chăm sóc khách hàng, sát khu vực xưởng xảy ra cháy), so sánh với QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, QCVN 06:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh cho thấy: Các thông số: vi khí hậu, NO2, Pb, Cd (trung bình 24 giờ), Hg (trung bình 24 giờ), As, Zn, bụi tổng đều nằm trong giới hạn cho phép.
Thông số SO2: Tại vị trí điểm giáp cổng công ty bóng động lực, giáp khu dân cư ngõ 342 Khương Đình = 357 µg/m3 (vượt 1,02 lần so với QCVN 05:2013/BTNMT); điểm trước cửa số nhà 81 ngõ 342 Khương Đình, giáp khu vực cháy = 352 µg/m3 (1,0057 lần so với QCVN 05:2013/BTNMT); các vị trí còn lại có kết quả đều nằm trong giới hạn cho phép.