Vụ cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng: Có dấu hiệu làm nhục người khác

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhiều ý kiến cho rằng, việc giáo viên bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng là “làm nhục người khác”, vì bắt học sinh phải uống nước bẩn trước nhiều học sinh khác.

Trước hành vi giáo viên bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng đang gây phẫn nộ trong dư luận, Hội đồng kỷ luật của nhà trường đã đưa ra hình thức kỷ luật với giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương (SN 1993), với mức buộc thôi việc vào chiều 5/4. 
Khởi tố hay không phải xét đến hậu quả…

Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tín Nghĩa (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), nói: “Hành vi của giáo viên nêu trên vượt quá mức cho phép, không thể chấp nhận được.
 Trường Tiểu học An Đồng (nơi xảy ra sự việc)
Việc Hội đồng kỷ luật của Trường TH An Đồng (TP Hải Phòng) đưa ra mức kỷ luật với hình thức buộc thôi việc là thỏa đáng, vì giáo viên này vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề giáo. Tuy nhiên dư luận cho rằng cần khởi tố thì theo tôi chưa đến mức, vì giáo viên này đã nhận ra sai phạm, đã xin lỗi người nhà của em học sinh. Về dấu hiệu hình sự của hành vi nêu trên thuộc tội danh “Làm nhục người khác”.
Tương tự Luật sư Dương Vĩnh Tuyến, Trưởng Văn phòng Luật sư Dương Chí (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước), nêu quan điểm: “Việc giáo viên phạt học sinh của mình bằng cách ép cháu bé uống nước giẻ lau bảng là sai, đã vi phạm đạo đức nghề giáo”.

Cũng theo Luật sư Tuyến, về dư luận cho rằng giáo viên Hương có dấu hiệu của tội “hành hạ trẻ em” là không đúng, vì hành hạ là đánh đập, tra khảo, tra tấn, nằm trong mối quan hệ lệ thuộc, gồm: cha mẹ, thầy cô giáo… “Ở đây hành vi xác định rõ nhất là “làm nhục người khác”, vì bắt học sinh phải uống nước bẩn trước nhiều học sinh khác. Còn việc có khởi tố hay không cần phải xem xét đến hậu quả, tức là cháu bé này có bị ảnh hưởng bởi việc bị bắt uống nước bẩn hay không”, Luật sư Tuyến, nói.
Phải có đơn gia đình học sinh

Còn Luật sư Nguyễn Quốc Doanh, Công ty Luật TNHH Hình Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), khẳng định: “Hành vi của giáo viên nêu trên là làm nhục người khác. Còn việc có khởi tố hay không thì gia đình em học sinh đó phải có đơn gửi Cơ quan cảnh sát điều tra quận, huyện hoặc thị xã nơi xảy ra vụ việc. Lúc đó cơ quan điều tra mới ra quyết định khởi tố hay không khởi tố”.

Trước đó, do nói chuyện trong giờ học nên em Phạm Phương Anh (học sinh lớp 3A5 Trường TH An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng) bị giáo viên chủ nhiệm lớp Nguyễn Thị Minh Hương phạt bằng cách bắt Phương Anh uống nước vắt từ giẻ lau bảng. Tuy nhiên em Phương Anh không dám kể cho cha mẹ biết. Sau đó bạn học của Phương Anh kể lại, lúc này cha mẹ em gặng hỏi thì em kể thật. Vì vậy ông Phạm Khắc Thảo (bố của Phương Anh) đến trường phản ánh với bà Trần Thị Ngọc Bảo, Hiệu trưởng. Sau đó Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức xác minh thông tin giáo viên bắt học sinh uống nước bẩn là đúng nên yêu cầu giáo viên này đến xin lỗi em Phương Anh và gia đình em. Và giáo viên nêu trên đã tới xin lỗi.

Đến sáng 4/4, Hội đồng sư phạm nhà trường họp đưa ra hình thức kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường, không phân công chủ nhiệm lớp 3A5 đối với giáo viên Hương. Đồng thời Ban Giám hiệu trường cũng tổ chức buổi làm việc với gia đình em Phương Anh, đại diện Hội cha mẹ học sinh, Chi hội lớp 3A5. Tại buổi làm việc, giáo viên Hương đã thành khẩn nhận lỗi với gia đình em Phương Anh cũng như em này, chấp nhận mọi hình thức kỷ luật của nhà trường và chỉ mong gia đình em Phương Anh tha thứ, bỏ qua.

Buộc thôi việc, không được giảng dạy tại địa phương

Trước hành vi vi phạm đạo đức nghề giáo, Phòng GD-ĐT huyện An Dương không chấp nhận hình thức cảnh cáo nên vào sáng 5/4, Hội đồng kỷ luật Trường TH An Đồng đã họp cùng Ban Giám hiệu nhà trường và đưa ra quyết định kỷ luật với hình thức buộc thôi việc, đồng thời không được công tác trong ngành giáo dục địa phương. Được biết giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương tốt nghiệp Đại học Kinh tế, có văn bằng 2 hệ Đại học Sư phạm tiểu học của Trường Đại học Hải Phòng và là con của một lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện An Dương. Giáo viên này mới được ký hợp đồng lao động vào tháng 8/2017.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần