Vụ đại án Phạm Công Danh: Đề nghị truy tố 4 cán bộ giám sát của Ngân hàng Nhà nước

Bài, ảnh: Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan CSĐT - Bộ Công an vừa hoàn tất điều tra và chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để đề nghị truy tố 4 bị can nguyên là cán bộ thuộc Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

4 bị can bị đề nghị truy tố gồm: Hà Tuấn Phước - nguyên Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Long An, nguyên Tổ trưởng Tổ giám sát tại VNCB; Ngô Văn Thanh - Phó Trưởng phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Long An, thành viên Tổ giám sát tại VNCB; Phạm Thế Tuân - nguyên Tổ phó Tổ giám sát tại VNCB, thành viên Hội đồng thành viên VNCB; Lê Văn Thanh - Chánh Thanh tra NHNN Chi nhánh Long An, thành viên Tổ giám sát tại VNCB. Trước đó, tháng 7/2015, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với 4 bị can này.

Bị cáo Phạm Công Danh (hàng đầu tiên, đứng thứ 3 từ bên phải qua) cùng các đồng phạm tại một phiên tòa sơ thẩm.

Theo kết quả điều tra, thực hiện chương trình cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, vào tháng 2/2012, NHNN có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát và đánh giá để có giải pháp cơ cấu 6 ngân hàng TMCP có tình hình hoạt động yếu kém, trong đó có Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank). Đến tháng 3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”.

Trên cơ sở đề án được phê duyệt, NHNN đã giao Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN Chi nhánh Long An đặt Tổ giám sát của NHNN tại Trustbank. Theo đó, nhiệm vụ của Tổ giám sát là tiến hành thanh tra đột xuất và yêu cầu Trustbank thực hiện kiểm toán độc lập. Đồng thời, triển khai phương án tái cơ cấu bằng phương án chấp thuận để nhóm các nhà đầu tư mới mà đại diện là Phạm Công Danh - nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh, Giám đốc VNCB mua lại cổ phần của nhóm Phú Mỹ và tham gia tái cơ cấu ngân hàng.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Tổ giám sát của NHNN đặt tại Trustbank (sau đổi tên thành VNCB) đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao trong việc giám sát. Hậu quả, đã để Phạm Công Danh rút hơn 18.000 tỷ đồng (trong đó có gần 16.000 tỷ đồng không thể thu hồi được). Hành vi thiếu trách nhiệm này của Tổ giám sát được xác định là nguyên nhân trực tiếp gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng xảy ra tại VNCB. Đáng chú ý, trong số hơn 18.000 tỷ đồng mà Phạm Công Danh rút ra từ VNCB thì có hơn 9.000 tỷ đồng có xin ý kiến Tổ giám sát. Số tiền này sau đó được VNCB mang đi gửi tại các ngân hàng thương mại. Thế nhưng, Tổ giám sát đã không giám sát để Phạm Công Danh dùng số tiền đó bảo lãnh cho các “công ty con” nhằm vay tiền ngân hàng và sử dụng tiền đó vào mục đích riêng khiến không thể thu hồi.

Ngoài ra, Cơ quan CSĐT cũng xác định, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng là đơn vị được giao thẩm định về điều kiện bổ nhiệm nhân sự theo quy định nhưng đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định hồ sơ để Phạm Công Danh được tham gia tái cơ cấu và trở thành thành viên HĐQT của Trustbank. Trong khi trước đó Phạm Công Danh từng bị kết án 6 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng thì Phạm Công Danh không được chấp thuận để trở thành thành viên HĐQT của Trustbank.