Vụ em vợ tố BTV Minh Tiệp bạo hành: Cơ quan chức năng đã lên tiếng

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Đại diện cơ quan về bảo vệ trẻ em tại Ninh Bình cho biết đã tiếp xúc với T.D và gia đình để tìm hiểu, từ đó có hướng hỗ trợ, giải quyết vụ việc.

Liên quan vụ một tài khoản facebook có tên T.D tố bị anh rể là BTV Minh Tiệp (hiện đang công tác tại VTV) đánh đập trong nhiều năm liền.
Ngay sau khi được đăng tải, thông tin này đã nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho hay, việc em T.D phản ánh bị bạo hành trên mạng xã hội buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc khẩn cấp để xác minh và có các hỗ trợ kịp thời.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em thông tin về vụ việc.

"Hiện nay Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 cũng đã kết nối liên hệ với Trung tâm Công tác xã hội của tỉnh Ninh Bình để cùng hỗ trợ và tiếp cận với gia đình của cháu bé nhằm giúp T.D. vượt qua những khủng hoảng. Cùng với đó, chúng tôi cũng đang xác minh câu chuyện được đưa lên mạng xã hội có phải sự thật hay không”, ông Nam cho hay.
Ông Nam cũng cho rằng, hiện nay trên mạng xã hội có nhiều lời bình luận “đi quá xa trong việc công khai một số bí mật đời tư và điều này không có lợi cho T.D”.
Đại diện Cục Trẻ em cũng khẳng định thêm, nếu thực sự có chuyện anh rể bạo hành T.D, cơ quan này sẽ có sự can thiệp theo Luật Trẻ em-Nghị định 56, tuy nhiên, trong quá trình can thiệp, có tiết lộ thông tin hay không lại là vấn đề hoàn toàn khác. Bởi lẽ khi thông tin riêng tư của trẻ em bị tiết lộ quá nhiều, người đầu tiên chịu ảnh hưởng sẽ là bản thân các em.
Hiện tại, Cục đang tiếp tục theo dõi, làm rõ vụ việc, do đó, Cục trưởng Đặng Hoa Nam đề nghị dư luận không đưa quá nhiều bình luận về đời tư và gia đình, vì có thể gây bất lợi cho T.D. Nguyên tắc của Tổng đài 111 cũng sẽ không công khai những bí mật đời tư khi đang can thiệp vào vụ việc.
Từ sự việc này, ông Đặng Hoa Nam lưu ý: “Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn cho con em hiểu để thận trọng trong việc sử dụng mạng xã hội khi chia sẻ thông tin, những câu chuyện của bản thân vì có thể đẩy sự việc đi chiều hướng khác, ảnh hưởng xấu tới các em. Thay vào đó, các em nên gọi ngay đến Tổng đài 111, các Trung tâm Công tác xã hội của các tỉnh phản ánh về các vấn đề liên quan đến nguy cơ xâm hại, bạo hành để nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, đồng thời giúp bảo mật thông tin”.
Gia đình phủ nhận việc anh rể bạo hành
Được biết sau khi xảy ra sự việc, T.D đã về với gia đình tại Ninh Bình. Để tìm hiểu thêm về tình trạng của T.D, phóng viên đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH tỉnh Ninh Bình).
Bà Hằng cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin về việc cháu T.D trú tại Ninh Bình hiện đang học tập tại Hà Nội bị anh rể bạo hành, dưới sự chỉ đạo của Cục Trẻ em, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Ninh Bình, chúng tôi đã liên hệ, tiếp xúc với gia đình cháu T.D Hiện tại cháu T.D đang nghỉ hè nên về ở cùng với gia đình tại Ninh Bình.
Theo quan sát, tình trạng sức khỏe, tâm lý của cháu đều rất ổn định. Trên gương mặt, chân tay cháu không có vết thâm tím, xây sát. Tác phong của cháu nhanh nhẹn. Khi chúng tôi hỏi han, nói chuyện cháu trả lời tự tin. Khi hỏi về việc có hay không việc cháu T.D bị bạo hành, gia đình có xác nhận rằng anh rể có tát cháu 1 cái do mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày, dẫn đến cháu bị xây sát trong khoang miệng”.
Cũng theo bà Hằng, bố đẻ của T.D đã xác nhận anh rể có đẩy hoặc tát cháu 1 cái, tuy nhiên phủ nhận việc người này bạo hành T.D trong thời gian dài.
“Bố mẹ cháu nói anh rể là người hiền lành, không có chuyện bạo hành. Việc anh rể có hành vi tát cháu 1 cái có phần lỗi từ cháu. Do tính chất công việc, anh rể cháu T.D đi làm về muộn, cháu T.D dùng nhà tắm rất lâu, anh đã nhắc 1 số lần, nhưng T.D không ra bên ngoài. Khi T.D ra ngoài lại có những câu nói làm cho anh rể bực bội, không kìm chế được nên có tát cháu”, bà Hằng thuật lại.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng khẳng định, dù có bất cứ vấn đề gì, hành vi đánh trẻ em cũng là sai trái. Theo đó, Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH tỉnh Ninh Bình) yêu cầu gia đình cần trao đổi thẳng thắn với anh rể là BTV Minh Tiệp để rút kinh nghiệm, đồng thời cần tạo điều kiện cho T.D bộc lộ tâm tư, nguyện vọng, lựa chọn việc có tiếp tục sống cùng anh rể nữa hay không.
Về phía T.D, bà Hằng cho biết, trong quá trình trao đổi với gia đình, T.D cũng có mặt. Em bày tỏ nguyện vọng được đi học bình thường, không muốn đề cập thêm về chuyện này.
Trước thông tin mà bố của T.D phủ nhận việc anh rể bạo hành trong thời gian dài và chỉ đánh 1 cái trong lúc nóng giận, nữ sinh cũng không phản đối.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, cơ quan về bảo vệ trẻ em của tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục theo dõi, can thiệp và có những hỗ trợ kịp thời cho T.D trong những ngày tiếp theo.
Đại diện trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, em T.D hiện đang là học sinh của trường. Về quan điểm, trong mọi trường hợp, nhà trường đều giải quyết sự việc theo đúng thẩm quyền, đúng chức năng, đúng luật pháp trên cơ sở đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan.
Đối với trường hợp liên quan tới em T.D, theo phản ánh của các thầy cô giáo trực tiếp dạy, trong các năm học tại trường, em không có biểu hiện gì khác biệt. T.D sống vui vẻ, hòa đồng với các bạn, không gây gổ, không hỗn láo với thầy cô. Em là học sinh bình thường như những học sinh khác và từng đoạt giải TP trong kỳ thi học sinh giỏi.
Nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ với gia đình để bảo đảm an toàn cho em T.D về thể xác và tinh thần, tránh cho em những nguy cơ và áp lực không mong muốn.
Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng khẳng định, việc đúng sai của các thông tin đã nêu cần được xác minh, kết luận của các cơ quan có thẩm quyền theo đúng chức năng, đúng quy định của luật pháp. Công dân nào vi phạm đều phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện tại, học sinh đang nghỉ hè, em T.D cũng như mọi học sinh khác đang được các cha, mẹ quản lý tại gia đình. Tuy nhiên, dù đúng, dù sai thì em D đang là trẻ vị thành niên nên cần sự hỗ trợ, chỉ bảo hướng dẫn của gia đình, thầy cô giáo, bạn bè cùng lớp giúp em hiểu thấu đáo mọi vấn đề trong cuộc sống, biết đúng, biết sai, biết điều chỉnh, đủ nghị lực, đủ hiểu biết, vững vàng trải qua mọi khó khăn, áp lực trong cuộc sống.
Em T.D đã từng là học sinh giỏi nên cần phấn đấu để giữ vững và phát huy hơn thành tích học tập. Em cần được chỉ bảo, hướng dẫn của gia đình, của người thân, của nhà trường, bạn bè và của xã hội để em tiếp tục tập trung vào việc học, có cuộc sống an toàn và lành mạnh. Nhà trường tin rằng em sẽ hiểu mình, hiểu đúng sai của mọi vấn đề xuất hiện trong cuộc sống để tự điều chỉnh, có nhiều niềm vui trong cuộc sống hiện tại cũng như trong tương lai.
Quan điểm của nhà trường vẫn là chung tay cùng gia đình để bảo vệ em T.D khỏi những tổn thương về tâm lý và thể xác. Đồng thời, sẽ giúp em bình tâm để nhìn nhận thấu đáo mọi vấn đề trong cuộc sống, có cách điều chỉnh bản thân để vượt qua mọi áp lực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần