Vụ gian lận thi cử tại Sơn La, Hà Giang: Tại sao họ bất chấp tất cả để phạm tội?

Nguyên Bảo – Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày qua, diễn biến tại các phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ gian lận thi cử tại hai tỉnh Sơn La và Hà Giang cho thấy, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn chưa tìm và chứng minh được có vụ lợi về vật chất, tiền bạc trong việc nâng, sửa điểm thi.

Các bị cáo đều cho rằng, giúp vì quan hệ, tình cảm và chỉ nhận lại sự cảm ơn bằng những cân hoa quả hay để phúc về sau. Những lời khai như trên của các bị cáo khiến người dân, công luận nghi ngờ về tính trung thực trong lời khai của các bị cáo.
Dư luận cho rằng, những lý do đó không đủ sức thuyết phục để các bị cáo dám đánh đổi sinh mạng chính trị, vị trí công tác để vi phạm pháp luật và mong muốn các cơ quan tiến hành tố tụng phải tiếp tục làm rõ động cơ thực sự của các bị cáo trên để có câu trả lời thỏa đáng.
Tính trung thực của lời khai
Tại Sơn La, HĐXX tuyên trả hồ sơ để yêu cầu làm rõ động cơ, mục đích của các bị cáo khi thực hiện nâng điểm cho 44 thí sinh và từ đó xem xét khởi tố vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ. Theo đó, HĐXX yêu cầu làm rõ nguồn gốc số tiền, hành vi thỏa thuận của các bị cáo và những người liên quan để xác định đủ hay chưa đủ cấu thành tội nhận hối lộ, đưa hối lộ.
 Các bị cáo trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang tại phiên tòa. Ảnh: Nguyên Bảo
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga - Chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) khai đã nhận của Trần Văn Điện (cán bộ thư viện Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên) hơn 1 tỷ đồng để giúp sửa bài, nâng điểm cho 4 thí sinh; bị cáo Cầm Thị Bun Sọn khai nhận của Hoàng Thị Thành (Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai) 440 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho con trai.
HĐXX còn yêu cầu trưng cầu ý kiến cơ quan có thẩm quyền giải thích về quy trình xử lý bài thi trắc nghiệm; việc niêm phong bài thi như thế nào, ở thời điểm nào để từ đó làm rõ trách nhiệm các đối tượng.
Còn tại phiên xử ở Hà Giang, VKS cho rằng, trong danh sách 13 thí sinh đã có hai người là người thân của bị cáo Triệu Thị Chính – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang. Nếu nâng điểm trót lọt, Chính được lợi, anh em người thân Chính cũng được lợi và ảnh hưởng đến sự công bằng của những thí sinh khác.
Bên cạnh đó, sau khi dẫn ra một loạt tin nhắn, VKS khẳng định, đây không phải nhờ xem điểm mà là nhờ nâng điểm và cơ quan tố tụng vẫn đang tiếp tục điều tra, xử lý. Ngoài ra, trong diễn biến vụ án cho thấy, ngoài con em của các lãnh đạo cốt cán tỉnh Hà Giang được nâng điểm còn có con em của nhiều gia đình là dân thường, có cả những thí sinh từ tỉnh khác về thi tại Hà Giang. Vậy, ngoài quan hệ cấp trên cấp dưới, nể nang lãnh đạo, tình cảm bạn bè thì các bị cáo có đủ lòng bao dung, sự hào hiệp để đánh đổi cuộc đời khi họ cố tình vi phạm pháp luật?
Làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông (Hà Nội) thừa nhận, điều mà nhiều người có thể dự đoán trước phiên tòa có thể xảy ra thì thực tế đã xảy ra. Đó là rất nhiều nhân chứng và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án đã chối bỏ sự liên quan của mình đối với các bị cáo và khẳng định chỉ nhờ xem điểm chứ không hề có sự tác động hay hứa hẹn lợi ích vật chất cho các bị cáo để nâng điểm, sửa điểm cho con, cháu của mình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nhưng chúng ta thử suy luận xem, nếu họ (những quan chức có quyền lực, có sức ảnh hưởng đến người khác) có gặp gỡ, nhắn tin, gọi điện nhờ những cán bộ của ngành giáo dục xem điểm cho con, cháu họ nhưng kết quả là con, cháu họ được nâng điểm, sửa điểm làm sai lệch kết quả liệu có phù hợp với logic thông thường? Rõ ràng không thể có chuyện đó, bởi không ai tự nhiên sửa điểm, nâng điểm cho người khác khi không được nhờ cậy, hứa hẹn lợi ích vật chất, phi vật chất.
“Trong trường hợp này, theo quan điểm cá nhân của tôi, các cơ quan tố tụng của Sơn La và Hà Giang cần phải làm rõ, có hay không có hành vi đưa hối lộ, hành vi nhận hối lộ, quy định tại các điều 354, 364 Bộ luật Hình sự 2015.
Công luận sẽ không chấp nhận lời giải thích đơn giản như “sửa điểm để tạo phúc” hay “giúp vì cả nể”, “giúp vì tình cảm”. Những câu trả lời như trên thể hiện sự coi thường dư luận, thiếu trung thực.
Ngoài ra, cá nhân tôi cho rằng, các cơ quan tố tụng cần xem xét trách nhiệm của những cá nhân có chức vụ quyền hạn tại địa phương, điều tra làm rõ có hay không có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" - luật sư Toại nêu quan điểm.
Qua các vụ việc gian lận thi cử trong thời gian qua cũng cho chúng ta rất nhiều bài học đắt giá về công tác tổ chức thi. Chúng ta thấy được những lỗ hổng trong quy trình tổ chức thi tốt nghiệp THPT để sớm chấn chỉnh, có biện pháp bịt các lỗ hổng này, bảo đảm cho kỳ các thi được minh bạch, công bằng, đúng pháp luật.

"Các bị cáo như Lương, Hoài, Dung là những công chức cơ quan Nhà nước, có hiểu biết về pháp luật, nắm rõ quy định của pháp luật, biết rằng nếu bị phát hiện sẽ phải đối diện với sự trừng phạt của pháp luật. Những lời khai của các bị cáo khiến người dân, công luận nghi ngờ về tính trung thực là có căn cứ. Các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Hà Giang cần phải tiếp tục làm rõ động cơ thực sự của các bị cáo trên để có câu trả lời thỏa đáng cho người dân." - Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần