Vụ giáo viên tố trường Tiểu học Sài Sơn B trù dập: Người trong cuộc nói gì?

Kim Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục thông tin về việc bà Nguyễn Thị Tuất – giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B tố cáo bị Ban Giám hiệu (BGH) nhà trường trù dập và học sinh quậy phá, hành hung cô giáo, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã gặp gỡ trao đổi trực tiếp với những người trong cuộc để làm rõ sự việc này.

Học sinh, phụ huynh lên tiếng
Theo lời kiến nghị của bà Nguyễn Thị Tuất, thời gian vừa qua nhà trường liên tục gây khó dễ cho bà và chồng bà là thầy Phan Viết Nhân (cũng đang công tác tại trường Tiểu học Sài Sơn B).
Cụ thể, BGH nhà trường không cho bà đứng lớp, còn chồng bà là ông Nhân bị điều chuyển từ dạy khối lớp 5 xuống lớp 2,3. Đặc biệt, sự việc càng đẩy đi xa hơn khi bà Nguyễn Thị Tuất tố cáo học sinh khối 5 do bà giảng dạy liên tục quậy phá, hành hung cô giáo.
“Cứ đến tiết học của cô giáo, các học sinh đồng loạt làm việc riêng, không học bài, gây mất trật tự… Thậm chí, có những em còn mang theo chăn đến lớp, chơi bài trong giờ học.... Về việc này, cô đã nhiều lần báo cáo qua các buổi họp hội đồng, họp tổ, Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện, báo cáo cả bằng văn bản, nhưng Hiệu trưởng bảo không thấy báo cáo gì” – bà Tuất nói.
Bà Tuất cho rằng, tất cả những việc làm trên đều có ''bàn tay'' của BGH nhà trường đứng sau xúi giục, dàn dựng nhằm ''hạ bệ'' bà.
Học sinh lớp 5D trường Tiểu học Sài Sơn B.
Tuy nhiên, sau khi nghe chia sẻ, tâm sự của những người trong cuộc là các em học sinh, phụ huynh học sinh và đồng nghiệp của bà Tuất, thì sự việc không hoàn toàn như những gì bà Tuất phản ánh.
Chia sẻ về những tiết học do cô Tuất giảng dạy, em N.T.H - học sinh lớp 5D (trường Tiểu học Sài Sơn B) cho biết: “Trong giờ học, cô thường làm việc riêng là quay phim, chụp ảnh trong lớp. Việc giảng dạy, cô chỉ viết đầu bài rồi yêu cầu chúng con tự đọc sách. Vì thế mà hết Kỳ I con không có kiến thức gì về 2 môn học Lịch sử và Địa lý”. Khi được hỏi về việc có hay không việc gây rối trong lớp, em H khẳng định: “Chúng con không hành hung cô như cô nói. Nhưng vì trong tiết học, cô không nhắc nhở và quản lớp nên các bạn có thể thoải máy chạy nhảy, làm việc riêng trong lớp.
Một học sinh khác chia sẻ thêm: “Em không biết cô Tuất quay phim chúng em để làm gì, nhưng trong giờ học mà cô cứ chỉ quay phim làm các bạn ''nhờn'' với cô hơn. Nhiều lần trong giờ ra chơi, chúng em chạy nhảy trong lớp, thầy Nhân (chồng cô Tuất) cũng vào quay phim và mắng chúng em”.
Được biết, học sinh này đã nhiều lần viết thư kiến nghị với BGH nhà trường, thậm chí em còn viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc dạy học của cô Tuất.
Trưởng Ban phụ huynh lớp 5D Nguyễn Thị Kim Nhung bức xúc nói: “Tôi cảm thấy rất đau lòng mỗi lần con về kể lại giờ học của cô Tuất. Nếu để cô tiếp tục giảng dạy con chúng tôi theo cách này thì tôi sợ sẽ hỏng cả một thế hệ. Chúng tôi đang rất thất vọng và không dám giao con cho cô giảng dạy” - chị Nhung bức xúc.

Phỏng vấn phụ huynh học sinh trường Tiểu học Sài Sơn B
Là một phụ huynh có con theo học, đồng thời cũng là hàng xóm với cô Tuất, chị Vương Mai Phương cho biết: “Việc các con gây rối trong giờ học, trước tiên phải hỏi trách nhiệm của cô giáo ở đâu. Nếu cô chỉ tập trung làm việc riêng của mình thì làm sao dạy dỗ được học sinh. Hoàn toàn không có chuyện chúng tôi cấu kết với nhà trường xúi giục con chống lại cô. Bản thân chúng tôi cho con đi học, ngoài học kiến thức còn học đạo đức làm người. Nếu làm những việc như cô nói thì khác nào tự làm hư con mình”.
Chủ tịch Công đoàn trường Tiểu học Sài Sơn B Dương Thị Khánh Vân cho biết: “Tôi với cô Tuất công tác 30 năm cùng nhau, nhưng ở môi trường làm việc nào cô ấy cũng không hòa đồng và thường gây xích mích với đồng nghiệp. Đặc biệt, cô đã đi kiện 4 đời hiệu trưởng mà cô từng làm việc. Mặc dù được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Công đoàn trường nhưng cô ấy không đi họp và từ tháng 9/2020 đến nay, 2 vợ chồng cô không đóng quỹ công đoàn cũng như các quỹ ủng hộ do nhà trường phát động”.
Ban Giám hiệu khó sắp xếp công việc
Hiệu trưởng trường Tiểu học Sài Sơn B Nguyễn Thị Quyên chia sẻ: "BGH không phủ nhận những đóng góp và thành tích của cô Nguyễn Thị Tuất đã đạt được trước đó. Bản thân cô Tuất đã từng có 6 năm (không phải liên tục) đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Tuy nhiên, cô Tuất không thể lấy những thành tích trong quá khứ để bằng lòng với hiện tại. Là một giáo viên phải thường xuyên học tập, trau dồi thêm kiến thức và phương pháp giảng dạy mới. Bản thân cô Tuất không cố gắng bồi dưỡng thêm nghiệp vụ, không tiếp thu những góp ý của đồng nghiệp. Chất lượng giảng dạy của cô đã thể hiện rất rõ qua kết quả kiểm tra, đánh giá cuối kỳ I năm học 2020 - 2021. Tỷ lệ học sinh xếp loại Hoàn thành tốt thấp hơn nhiều so với bình quân chung của huyện (khối 4 là 0%, trong khi mức bình quân của huyện là 41,5%; khối 5 có 9%, còn huyện là 41,5%”.
Khi được hỏi về việc học sinh quấy rối trong lớp thì trách nhiệm của BGH nhà trường ở đâu? Hiệu trưởng trường Tiểu học Sài Sơn B cho biết, cô Tuất không báo cáo sự việc với BGH mà báo vượt cấp báo lên Công an xã Sài Sơn. “Trách nhiệm của một giáo viên khi đứng lớp phải có nhiệm vụ quản lý lớp. Tuy nhiên, cô Tuất không làm tròn nhiệm vụ do làm việc riêng. Mặc dù nhà trường đã có quy định không làm việc riêng, không sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng cô Tuất vẫn cố tình vi phạm” - bà Quyên cho hay.
Từ đầu năm học 2020 - 2021 đến nay, đã có hàng trăm phụ huynh cùng gửi đơn kiến nghị không đồng ý cho cô Tuất giảng dạy con em mình. “Việc cô Tuất làm mất niềm tin từ học sinh và phụ huynh khiến nhà trường rất khó bố trí, sắp xếp công việc cho cô Tuất. Mặc dù BGH nhà trường rất mong muốn tạo một môi trường làm việc thân thiện, cởi mở” - bà Quyên chia sẻ.
Trước đó, BGH trường Tiểu học Sài Sơn B đã chủ động bố trí cho cô Nguyễn Thị Tuất được chủ nhiệm lớp, đồng thời bầu cô vào Ban Chấp hành Công đoàn của trường. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, cô Tuất liên tục không hợp tác, thường xuyên có các đơn khiếu kiện vượt cấp, nhằm làm giảm uy tín của nhà trường. Vì vậy, tạm thời nhà trường phải sắp xếp cô Tuất tạm thời dừng đứng lớp để chuyển sang làm công tác phổ cập giáo dục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần