Vụ “Hãng Taxi Vinasun kiện GrabTaxi”: GrabTaxi lỗ trên 1.726 tỷ đồng vì… chiến lược!

BÀI, ẢNH: TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đó là câu trả lời của ông Jerry Lim (đại diện theo pháp luật của GrabTaxi) khi được đại diện Viện KSND hỏi.

Ngày 19/10, vụ kiện “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu taxi Vinasun (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi) bước sang ngày thứ 3 với phần hỏi bổ sung và tranh tụng.
Bộ Công thương không cho GrabTaxi kinh doanh vận tải
Đại diện Viện KSND đưa ra hàng loạt câu hỏi đối với bị đơn: Kinh doanh tại Việt Nam từ khi nào, với những ngành nghề gì, có kinh doanh vận tải đường bộ không? Vốn điều lệ là bao nhiêu, có tính việc lỗ khi đầu tư, vì sao trong 4 năm (2014 – 2017) doanh thu thấp hơn tổng mức lỗ trên 1.726 tỷ đồng? Mục đích kinh doanh của GrabTaxi, có đặt mục tiêu lợi nhuận? Ông Jerry Lim (đại diện theo pháp luật của GrabTaxi) cho rằng Grab tham gia thị trường Việt Nam từ tháng 2/2014, vốn điều lệ 20 tỷ đồng, lúc đó kinh doanh cung cấp dịch vụ công nghệ phần mềm kế toán và công nghệ cho các công ty taxi.
 Tài xế Vinasun đến TAND TP Hồ Chí Minh nghe xử
Thời điểm năm 2014 chưa có Đề án thí điểm 24, trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Grab, ngoài cung cấp công nghệ phần mềm, còn có các ngành: cung cấp ứng dụng, máy tính, phát chẩn phần mềm và có cả chức năng kinh doanh vận tải.
“Thông thường các công ty đăng ký nhiều ngành nghề vì không biết phải sử dụng ngành nghề kinh doanh nào trước. Đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ có đăng ký trong TP Hồ Chí Minh, nhưng không hoạt động. Khi Đề án thí điểm 24 ra đời vào ngày 2/3/2017, chúng tôi nhận được quyết định từ Bộ Công thương yêu cầu rút lại ngành nghề kinh doanh vận tải vì chúng tôi chưa hoạt động ngành nghề này và có lại sửa giấy phép kinh doanh. Trước khi qua Việt Nam, chúng tôi có khẳng định kinh doanh lâu dài tại đây”, ông Jerry Lim, trả lời.
Cũng theo ông Lim, mục đích của công ty của ông là cung cấp công nghệ, dịch vụ công nghệ để từ đó hỗ trợ xã hội, người dân có thể kết nối công nghệ để cuộc sống dễ dàng hơn, vì vậy công ty còn nhiều dịch vụ khác: giao tài liệu, thức ăn, thanh toán kỹ thuật số… “Bản chất của chúng tôi là công ty công nghệ, vì vậy mục tiêu của chúng tôi tạo ra môi trường hỗ trợ khách hàng, tạo môi trường hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối tốt hơn chính vì vậy chúng tôi tham gia Đề án thí điểm 24 để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải để họ quản lý tốt hơn. Đối với các công ty kinh doanh đều hướng đến lợi nhuận, chúng tôi cam kết các nhà đầu tư của chúng tôi về mục tiêu này. Vì vậy các nhà đầu tư của chúng tôi tin tưởng môi trường đầu tư lâu dài. Họ tin về lâu dài chúng tôi sẽ tạo lợi nhuận. Báo cáo Bộ Tài chính trong 4 năm (2014 – 2017), chúng tôi lỗ trên 1.726 tỷ đồng, dữ liệu này đúng. Thứ nhất, chúng tôi sẵn sàng đầu tư để thị trường hiểu công nghệ và chấp nhận sản phẩm công nghệ của chúng tôi. Thứ nhì, liên quan đến con số lỗ không phải từ tiếp thị hay quảng cáo. Ví dụ năm 2017 doanh thu 758 tỷ nhưng lỗ 788 tỷ, đó là chi phí bán hàng, khuyến mại, thưởng tài xế đối tác. Ngoài ra còn chi phí cho nghiên cứu phát triển để hỗ trợ cho công nghệ. Tôi nhấn mạnh năm 2017, Cục thuế TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định nêu chúng tôi chỉ lỗ 748 tỷ đồng trong năm 2017. Nếu nhìn vào tăng trưởng doanh thu năm 2014 chỉ hơn 1 tỷ nhưng năm 2017 trên 700 tỷ tức gấp 700 lần, như vậy chúng tôi có dấu hiệu lợi nhuận. Số tiền lỗ cao hơn doanh thu vì chúng tôi đầu tư lâu dài và nằm trong dự tính của chúng tôi”, ông Jerry Lim, trả lời.
GrabTaxi không thực hiện đúng Đề án 24
Đại diện Viện KSND cũng hỏi phía nguyên đơn là ông Trương Đình Quý và ông Trần Anh Minh (cả 2 cùng là Phó Tổng Giám đốc và đại diện theo pháp luật của Vinasun) về việc tham gia Đề án thí điểm 24 từ khi nào với bao nhiêu xe tham gia? Vì sao cùng tham gia đề án với Grab nhưng yêu cầu Grab bồi thường? Lý do kiện GrabTaxi? Trước những câu hỏi này, ông Quý và ông Minh thay nhau trả lời. Theo đó Vinasun tham gia Để án thí điểm 24 từ năm 2016 với 377 xe.
“Lý do vinasun kiện GrabTaxi và yêu cầu bồi thường vì GrabTaxi chỉ là đơn vị hỗ trợ, cung cấp phần mềm kết nối cho các HTX, doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Nhưng GrabTaxi trực tiếp tham gia mọi hoạt động của việc kinh doanh vận tải hành khách. Họ né được 13 quy định, chỉ trong 1 thời gian chiêu dụ hàng ngàn lái xe, đưa ra hàng chục chương trình khuyến mãi vi phạm Luật Thương mại. Chính những điều này gây thiệt hại cho chúng tôi. Đề án thí điểm 24 ghi rõ khi thực hiện đề án phải thực hiện nghiêm túc Nghị định 86 của Chính phủ và thông tư 63, tức phải chấp hành pháp luật Việt Nam. Chúng tôi chủ yếu kiện GrabTaxi vì những vi phạm của họ so với Đề án thí điểm 24”, ông Trương Đình Quý, trả lời.
Còn ông Trần Anh Minh, cho rằng khi phát hiện có những dấu hiệu vi phạm của đơn vị cùng ngành nghề, đem so sánh doanh thu của Vinasun năm 2016 với năm 2015 giảm đến 39% lợi nhuận, năm 2017 so năm 2016 giảm trên 42% lợi nhuận. Tất cả những những con số nêu trên đã được kiểm toán và ngành thuế công nhận.
“Về con số doanh thu năm 2016 trên 4.305 tỷ đồng, cao hơn năm 2015 trên 200 tỷ đồng do Vinasun có nhiều loại hình kinh doanh taxi, du lịch (xe hợp đồng) và hoạt động kinh doanh khác. Trong đó giảm lợi nhuận chủ yếu ở lĩnh vực kinh doanh taxi do từ khi GrabTaxi tác động vào thị trường kinh doanh vận tải taxi. Đối với báo cáo tài chính thể hiện tài sản cố định vẫn tăng, đó là do khấu hao tăng. Vì theo quy định xe taxi sau 8 năm phải đổi mới”, ông Minh, nói.
Khi được chủ tọa hỏi Đề án thí điểm 24 tại TP Hồ Chí Minh gồm những đơn vị nào tham gia? Ông Trần Anh Minh, đại diện theo pháp luật của Vinasun cho biết chỉ có GrabTaxi và Vinasun tham gia. Phía Vinasun tham gia từ ngày 2/11/2016, còn GrabTaxi tham gia giai đoạn đầu cho đến hôm nay vì đề án đã được gia hạn. Mục tiêu của Đề án 24 là dùng công nghệ phần mềm hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải, nhưng GrabTaxi trực tiếp tham gia kinh doanh vận tải. Do GrabTaxi không thực hiện đúng đề án nên đã gây thiệt hại cho Vinasun.
Trong phần tranh luận, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vinasun tiếp tục khẳng định thẩm quyền giải quyết vụ việc là của tòa án, không phải Bộ Công thương hay Bộ, ngành nào khác. Vinasun có quyền khởi kiện vụ án này, đơn kiện được thụ lý đúng quy định pháp luật. Vinasun kiện hành vi khuyến mại của GrabTaxi trái luật; hành vi kinh doanh taxi trái phép nên đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần