Vụ heo bị tiêm thuốc an thần: Lỗ hổng trong quản lý kinh doanh các thương lái

Đức Thọ (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo cơ quan chức năng, tới đây TP Hồ Chí Minh sẽ không chấp nhận những thương lái hành nghề một cách tự do như từ trước tới nay. Các lò mổ, chợ đầu mối sẽ buộc chỉ ký hợp đồng với các thương lái có đăng ký kinh doanh và tham gia chuỗi truy xuất nguồn gốc.

Liên quan đến việc tiêu hủy 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho hay, tính đến 3/10, cơ quan chức năng đã xử lý tiêu hủy 1.995 con heo bị tiêm thuốc an thần.

Sở cũng xử lý 2 - 3 trường hợp thương lái lôi kéo gần 40 người chăn nuôi heo không chấp hành việc tiêu hủy và đề nghị công an giữ an ninh trật tự.

Loại thuốc an thần được sử dụng tiêm vào heo.

Trước đó, TP Hồ Chí Minh đã công khai danh sách 13 thương lái vi phạm bị xử phạt. Trong 13 thương lái có 2 người bị phạt 35 triệu đồng/người do có tình tiết tăng nặng (cam kết không có tiêm thuốc an thần cho heo nhưng kết quả xét nghiệm dương tính). 11 thương lái còn lại bị phạt 32,5 triệu đồng/người. Giá trị lô heo 3.750 con bị tiêu hủy ước khoảng 11 tỷ đồng (3 triệu đồng/con).

Theo cơ quan chức năng, do các thương lái không đăng ký kinh doanh nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Khi bị cơ quan chức năng xử phạt, họ thường nhờ người khác đứng tên trên giấy chứng nhận kiểm dịch cho lô hàng để khỏi bị tính tái phạm. 

“Trước đây thương lái hành nghề tự do, họ mua heo, đưa vào lò giết mổ rồi đưa ra chợ bán. Nay TP Hồ Chí Minh định hướng các thương lái phải có đăng ký kinh doanh, phải có pháp nhân để chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra. Kế đến, các pháp nhân này phải tham gia vào chuỗi truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, trước đây chúng ta vận động họ trên tinh thần tự nguyện. TP Hồ Chí Minh sẽ không chấp nhận những thương lái hành nghề một cách tự do như từ trước tới nay. Các lò mổ, chợ đầu mối sẽ buộc chỉ ký hợp đồng với các thương lái có đăng ký kinh doanh và tham gia chuỗi truy xuất nguồn gốc”, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh thông tin.

Về trách nhiệm của cơ quan thú y, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Trách nhiệm của cơ quan thú y trong vụ này là rất nặng nề".

"Vụ việc bị phát hiện ở một cơ sở lớn, tập trung giết mổ 5.000 con heo mỗi đêm với 17 cán bộ thú y thường trực mà còn bị qua mặt, thì tôi rất lo ngại, bởi thực tế có những lò giết mổ nhỏ lẻ, ít cán bộ thú y giám sát hơn thì sao?", bà Phạm Khánh Phong Lan đặt câu hỏi.

Liên quan đến việc này, Trung tá Võ Văn Khứ - Phó phòng 7 (C49) cho biết, hiện chưa thể khẳng định cán bộ thú y có tiếp tay cho thương lái tiêm thuốc an thần vào heo tại lò mổ Xuyên Á hay không.

Nhưng qua kiểm tra thực tế, cán bộ thú y đã lơ là nhiệm vụ. Tại lò mổ, hầu hết heo được tiêm thuốc an thần công khai, vứt chai lọ, thuốc ngay tại cơ sở.

Như đã đưa tin, đêm 28 rạng sáng 29/9, Đoàn kiểm tra liên ngành đã đột kích vào cơ sở giết mổ heo Xuyên Á phát hiện và tạm giữ hơn 4.000 con heo do có dấu hiệu bị tiêm thuốc an thần. Số heo trên sau đó được nuôi nhốt chờ thải thuốc để cho vào giết mổ.

Tuy nhiên, ngày 1/10, trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm để tìm thuốc an thần trong heo, các cán bộ phát hiện gần 1.000 con heo (trong tổng số 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần) mang mầm bệnh lở mồm long móng nên lập biên bản cho tiêu hủy.

Ngày 2/10, đoàn kiểm tra tiếp tục phát hiện số heo còn lại cũng bị lây nhiễm lở mồm long móng nên tiến hành thủ tục tiêu hủy.

Heo tiêu hủy được xử lý bằng chích điện, sau đó cho vào nước sôi, cho vào bao rồi đem đến bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) để thiêu, chôn lấp. Các công đoạn tiêu hủy heo bệnh được đoàn kiểm tra giám sát chặt chẽ, để tránh lây nhiễm dịch bệnh ra ngoài.