Vụ Hoa hậu Phương Nga: Lộ cách thức thông cung từ trong trại giam

Trúc Mai – Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/6, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với 2 bị cáo Trương Hồ Phương Nga là Hoa hậu người Việt tại Nga (Sinh năm 1987, ở Hà Nội) và Nguyễn Đức Thùy Dung (Sinh năm 1987, ở tỉnh Tây Ninh).

Làm con dấu giả theo yêu cầu của nhân chứng “bí ẩn”

Mở đầu phần xét hỏi, chủ tọa phiên tòa mời luật sư của ông Cao Toàn Mỹ xét hỏi bị cáo Nga về mục đích nhờ bà Dương Thị Nga (người giúp việc cho bị cáo - PV) làm dấu giả? Lý do phải thuê “xã hội đen” dằn mặt ông Mỹ? Bị cáo có mâu thuẫn với Lữ Minh Nghĩa không?

Trả lời các câu hỏi này, bị cáo Nga khai, việc làm con dấu giả do bà Nguyễn Mai Phương (Sinh năm 1977) - là nhân chứng “bí ẩn” nói các “sếp” bảo phải làm dù không biết để làm gì. Về vấn đề thuê “xã hội đen”, bị cáo có nhờ 1 người tên Trịnh Đức Duy giới thiệu công ty vệ sỹ và bị cáo đã gặp trao đổi nhưng vẫn cảm thấy không tin tưởng vệ sỹ. Sau đó, ông Duy có giới thiệu “xã hội đen” thật nhưng bị cáo thuê để bảo vệ mình chứ không để dọa ông Mỹ. Bị cáo không mâu thuẫn gì với Lữ Minh Nghĩa.

Bị cáo Nga và Dung tại tòa sáng 29/6. (Ảnh: Trúc Mai).

Còn ông Mỹ khi được hỏi có gặp Nghĩa không, nội dung trao đổi là gì? Ông Mỹ cho rằng, sau khi làm việc với cơ quan điều tra thì ông Nghĩa có chủ động gặp để trao đổi thông tin. “Ông Nghĩa cung cấp cho tôi thông tin nhiều hơn tôi cung cấp. Thông tin trong quá trình điều tra, lúc đầu là nội dung nhắc nhở tôi không được khai báo xấu bị cáo Dung. Ngoài ra, cuối năm 2015-2016, ông Nghĩa có khoe với tôi có một số lá thư nilon do bị cáo Dung gửi ra. Mỗi lá thư ông Nghĩa tốn 5 triệu đồng để nhận và tôi có đoạn ghi âm. Tôi nghĩ trong giai đoạn này ông Nghĩa muốn khẳng định vai trò của mình nhằm dàn xếp giữa các bên. Tôi cũng không có khả năng gây áp lực gì đối với ông Nghĩa” - ông Mỹ nói. Khi thẩm phán yêu cầu công bố nội dung ghi âm thì ông Mỹ cho rằng do liên quan nhiều người nên nếu cần sẽ cung cấp cho HĐXX.

Lời khai của bị cáo và bị hại bất nhất

Để xác nhận mối quan hệ giữa bị cáo Nga và ông Mỹ, cũng như bản chất của số tiền 16,5 tỷ đồng là gì? HĐXX xét hỏi bị cáo Dung có thấy ông Mỹ gặp Nga? Bị cáo Dung trình bày, khi Nga bị bệnh vào ngày 6/3/3014, ông Mỹ đến bệnh viện thăm. Sau khi Nga bình phục về nhà, ông Mỹ có đến chăm sóc 2-3 tuần.

Về số tiền 16,5 tỷ đồng do ông Mỹ gửi cho bị cáo Nga qua tài khoản của bị cáo Dung. Điều này được cả 2 bị cáo khẳng định số tiền nêu trên do ông Mỹ cho bị cáo Nga vì “mối quan hệ tình cảm”. Trong tất cả các giấy tờ 16,5 tỷ đồng, bị cáo Dung chỉ tham gia tờ giấy “giao nhận tiền” cho ông Mỹ thông qua tài khoản của bị cáo cho Nga mượn từ năm 2012 và chỉ nhận 9,5 tỷ đồng. “Đối với tờ giấy biên nhận 8,5 tỷ đồng, do Nga nói chị Mai Phương hướng dẫn viết để từ đó mới có thể giúp Nga. Nội dung: Tôi có thay mặt Nga nhận của ông Mỹ 8,5 tỷ đồng, tại nhà của tôi có chứng kiến chị Nga, tôi có trả ông Mỹ 8,5 tỷ đồng. Tờ giấy này viết giữa tháng 8 hoặc đầu tháng 9/2014” - bị cáo Dung khai.

Tuy nhiên khi được hỏi, ông Mỹ khẳng định số tiền trên là để mua nhà. Các hợp đồng mua nhà khi ông Mỹ đến ký đã có sẵn nội dung trên giấy và do Nga đưa. Vì vậy, HĐXX đã xét hỏi bị cáo Nga trong tất cả tài liệu, giấy tờ liên quan việc mua bán nhà do ai tạo lập, thời điểm tạo lập? Bị cáo Nga khai, một phần do bị cáo tạo lập nhưng với sự hướng dẫn nhân chứng là bà Mai Phương và các phần còn lại do nhân chứng Mai Phương đánh máy sẵn nội dung rồi đem tới cho bị cáo ký, chỉ trừ tờ giấy hẹn. Sau khi ký các tài liệu này, bị cáo đưa lại cho nhân chứng Mai Phương và không nhận lại. Thời gian tạo lập các tài liệu nêu trên là thời gian bị cáo giao nộp cho cơ quan điều tra, kể cả thỏa thuận ngày 5/10/2013 cũng được tạo lập sau thời điểm bị cáo bị ông Mỹ tố cáo (giả di chúc, giấy hoàn cọc, giấy...).

Về tính xác thực của “hợp đồng tình cảm” giữa ông Mỹ và bị cáo Nga cũng được bị cáo khẳng định do ông Mỹ gửi. Trong quá trình điều tra, bị cáo không thể cung cấp cho ai vì không được sử dụng internet và hiện nay nhân chứng Mai Phương đã xóa hết.

Lộ cách thông cung từ trại giam

Tiếp đó, HĐXX yêu cầu bị cáo Dung và nhân chứng Lữ Minh Nghĩa xác định lại cách thức viết thư, chất liệu để viết, cách thức giao nhận thư từ trong trại giam như thế nào, ai là người đưa nhận thư? Bị cáo Dung đã khai khá tỉ mỉ.
Theo đó, sau mỗi lần mua thức ăn của căng tin trong trại giam, những túi nilon được cất giấu lại và dùng chỉ để cắt tấm nilon như tờ giấy A4. Sau đó, dùng bàn chải đánh răng mài nhọn đầu để viết. Về thời gian và cách thức chuyển thư, theo lời khai của bị cáo Dung thường vào buổi chiều (tầm 5-6 giờ chiều), quản giáo tên Nghĩa tới mở ô cửa dùng để phát thuốc và nhìn vào điểm danh can phạm rồi nói chuyện. Mỗi cuộc trò chuyện giữa quản giáo Nghĩa và bị cáo Dung thường kéo dài khoảng 30 phút. Trong quá trình này việc giao nhận thư diễn ra và mọi can phạm trong phòng giam đều biết.

“Sau khi nhận thư, bị cáo đọc rồi cất nơi chỗ nằm, không phải giấu giếm vì mọi can phạm đều biết. Thư từ ngoài gửi vào viết bằng giấy vở học sinh, ngoài bị cáo thì không ai chuyển thư qua giám thị Nghĩa. Bị cáo cam kết những lời khai của mình hoàn toàn đúng sự thật” - bị cáo Dung khẳng định trước tòa.

Về cách thức giao nhận thư, HĐXX cũng yêu cầu nhân chứng Nghĩa thuật lại. Nhân chứng này cho biết, do bà Mai Phương giới thiệu cán bộ trại giam tên Nghĩa. Cách thức giao nhận thư với cán bộ có khi ở quán cà phê trên đường Nguyễn Trãi, có khi gặp ngoài đường và thường ở khu vực quận 1. Khi giao thư, cán bộ Nghĩa cuộn tròn thành một cục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần