Vụ "hôi hoa" trên đường Kim Mã: Giành giật cái đẹp bằng hành vi xấu xí

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 6/3, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh về việc người dân chen lấn, dừng đỗ xe giữa lòng đường để “hôi hoa” tại đường Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội). Đánh giá về hành vi này, PGS. TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng: “Xuyên suốt đằng sau những hành vi đó là thói ích kỷ”.

Cái tôi nhỏ bé, tội nghiệp
Theo thông tin phản ánh trên mạng, sự việc xảy ra vào khoảng 8h30 sáng 6/3, khi lực lượng vệ sinh môi trường Hà Nội dọn dẹp phần hoa trang trí đặt trên dải phân cách phố Kim Mã. Đây là những chậu hoa nhỏ bằng nhựa, được xếp lên dải phân cách để tạo hình từ hơn một tuần trước nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.
Người dân ''hôi hoa'' trên đường Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Báo Thể thao văn hóa.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về sự việc trên, PGS. TS Trịnh Hòa Bình nhìn nhận: Ý thức người dân ở Hà Nội tham gia các hội hoa Xuân, hoa hồng đã hơn 1 lần cho thấy văn hóa của người Việt Nam hiện đại, người Thủ đô chúng ta hiện giờ có vấn đề. Vấn đề đó được báo chí miêu tả bằng những từ ngữ như phản cảm, xuống cấp mà xuyên suốt đằng sau những hành vi đó là thói ích kỷ.
PGS Trịnh Hòa Bình cho hay: Chúng ta có lẽ sẽ rất ngạc nhiên khi thấy hành vi giành giật nhau, thậm chí cướp bóc, giẫm đạp lên nhau để lấy hoa - hình ảnh vốn được coi là tượng trưng cho cái đẹp. Khi thực hiện hành vi tranh giành hoa, tâm lý chung họ đều muốn mang cái đẹp về nhà để trưng bày, để có cái đẹp ở nhà mình nhưng lại thực thi nó bằng hành vi không đẹp. Từ lâu, chúng ta đã nhận thấy sự nghịch lý ấy nhưng chưa giải quyết được. Tóm lại, tất cả cốt lõi vấn đề đều xuất phát từ thói ích kỷ của con người.

Thói quen thì người ta không thể điều khiển bằng mệnh lệnh được ngay mà phải bằng cả một quá trình. Như vậy, chúng ta chỉ có thể thay đổi các nội quy, các quy trình, quy phạm, các yếu tố có tính chất điều chỉnh bằng thiết chế pháp luật. Còn thiết chế về vận động tuyên truyền là muôn thuở.

PGS. TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học)

Cũng trong sự việc sáng nay, trên mạng xã hội, “cư dân mạng” cũng bàn tán xôn xao, đổ trách nhiệm cho những người làm vệ sinh môi trường. Họ cho rằng, nếu nhân viên vệ sinh môi trường không cho phép người dân lấy hoa thì không xảy ra tình trạng hỗn loạn như đã nêu trên.
Tuy nhiên, theo PGS Trình Hòa Bình, nhân viên vệ sinh môi trường không sai khi cho phép người dân lấy hoa. “Tôi cho rằng không có gì sai khi người ta cho phép quần chúng nhân dân tranh thủ lấy lại những chi tiết, sản phẩm trang trí đường phố còn tốt, còn dùng được. Có thể nhìn nhận rằng, đây là một quyết định xuất phát từ động cơ tốt, chống lãng phí. Có bàn chăng là về thái độ của cộng đồng, tôi tiếc rằng đã không có những người có cá tính đủ mạnh để nêu gương, kêu gọi cộng đồng không hành xử như vậy”.
Qua sự việc trên, nhìn nhận về những người dân có hành vi “hôi hoa”, PGS Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Khi những cá thể đó bị soi chiếu, khi họ có tên tuổi, khi được người ngoài nhìn nhận vào thì họ hành xử rất đẹp. Nhưng sự việc xảy ra sáng nay, không ai biết ai cả, tính ẩn danh lớn. Ở một chừng mừng nào đấy, chúng ta có thể thấy đây là tâm lý đám đông, a dua, bắt trước. Người ta có thể tối giản, quy giản cái đẹp đó thành tiền”.
PGS Trình Hòa Bình kết luận: “Đằng sau hành vi ích kỷ, thói quen, động tác phản cảm là cái tôi nhỏ bé và tội nghiệp”.
Làm thế nào cho đúng
Trước thực trạng ứng xử nơi công cộng của người dân còn đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, qua vụ việc xảy ra sáng nay, PGS Trịnh Hòa Bình cho rằng, khi ý thức cộng đồng còn chưa “đẹp” thì cơ quan quản lý cần có những giải pháp an toàn hơn. “Có thể là không cho nữa, công ty môi trường có thể thu hết về. Sau đó, họ mới cho phép quần chúng nhân dân đến nhận”.
Nhìn nhận rộng hơn về góc độ quản lý, PGS Trịnh Hòa Bình chia sẻ: “Hành vi đó không hội tụ đủ tiêu chí, điều kiện để xử lý về mặt pháp luật mà nó chỉ là hành vi không đẹp. Như vậy, nó vẫn nằm trong phạm trù phải nêu gương của các cấp chính quyền, của người đứng đầu hay những người cầm cân nảy mực.
Như vậy, nghĩa là phải có quy trình, quy phạm tổ chức những công việc đó chặt chẽ hơn, lường trước những tình huống có thể nảy sinh. Còn giải pháp lâu dài không còn gì ngoài tuyên truyền, vận động”.