Vụ nâng điểm thi ở Hòa Bình: Nhiều thí sinh trượt đại học danh giá?

Thủy Trúc - Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi trở về điểm thật trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, thí sinh nào vẫn đạt mức điểm chuẩn của trường đại học (ĐH) thì tiếp tục theo học. Nhưng, khả năng số thí sinh bị loại khỏi trường ĐH sẽ không ít cho dù nâng điểm lên ít hay nhiều.

 Ông Mai Văn Trinh kiểm tra công tác chấm thi môn Ngữ Văn tại Hòa Bình năm 2018 (Ảnh: Mỹ Hà)
Liên quan đến gian lận điểm thi ở Hội đồng thi quốc gia tỉnh Hòa Bình năm 2018, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã xác định 140/210 bài thi của 56 thí sinh bị tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án. Kết quả thẩm định của Bộ GD&ĐT xác định 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất là 9,25 điểm/một môn thi.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cập nhật kết quả thi lên hệ thống phần mềm quản lý để rà soát xét lại tốt nghiệp. Theo quy chế thi, kết quả chấm thẩm định sẽ là kết quả chính thức của kỳ thi THPT quốc gia nên sẽ thay thế cho kết quả đã công bố trước đây. Kết quả chấm thẩm định được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng 2018. Do đó, Bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả đã được cập nhật đến các trường đại học, học viện, cao đẳng mà thí sinh có trong danh sách thay đổi điểm thi đã nhập học.
Chiều 12/3, PGS.TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đã thông tin với báo chí về các giải pháp kỹ thuật cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Theo đó, để lường trước những gian lận có thể xảy ra, Bộ GD&ĐT sẽ có điều chỉnh toàn diện ở tất cả các khâu. Công tác lựa chọn cán bộ, nhân sự sẽ được đẩy lên một bước và phân vai rất rõ trách nhiệm của trưởng điểm thi, đặc biệt là phó điểm trưởng thi đến từ các trường ĐH, CĐ. Cách thức niêm phong tủ đựng bài thi, việc mở cửa phòng lấy đề và đưa bài thi vào cũng được quy định rất chặt chẽ và đặc biệt phải có công an bảo vệ 24/24 giờ. Trong khu vực lưu trữ bài thi sẽ có camera an ninh giám sát 24/24.

Ở khâu coi thi, vai trò của phó trưởng điểm đến từ trường ĐH, CĐ sẽ được nâng lên một bước. Mỗi hội đồng thi sẽ dùng tem nhãn niêm phong theo mẫu chung, dễ rách, dùng một lần, trên đó có chữ ký của hai cán bộ coi thi, họ tên và chữ ký của phó trưởng điểm đến từ trường ĐH. Sau khi các túi đựng bài thi được dán nhãn niêm phong lên mép sẽ được quấn băng dính trong một vòng phủ lên tem.

Bài thi trắc nghiệm sẽ được giao cho các trường ĐH chấm với quy trình chặt chẽ từng khâu, từng bước. Đặc biệt, năm nay thiết bị kỹ thuật, hệ thống máy tính dùng cho phòng chấm thi trắc nghiệm, phần mềm chấm thi đã có những cải tiến. Toàn bộ dữ liệu chấm thi trắc nghiệm, bao gồm file ảnh quét bài thi trắc nghiệm sẽ được mã hóa và phải có công cụ của phần mềm đi kèm mới có thể đọc được.

Chiều 12/3, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết không bất ngờ về gian lận này, bởi nó đã xảy ra từ nhiều năm nay. Chỉ có điều các đời lãnh đạo Bộ GD&ĐT trước đây không cho công khai hóa về quy trình chấm thi, điểm thi chi tiết để xã hội được biết. Năm 2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chấp nhận công khai chi tiết phổ điểm các môn thi của từng địa phương để các chuyên gia phân tích mới lòi ra việc gian lận, từ đó Bộ GD&ĐT thẩm tra và phát hiện tiêu cực.

Về phía các trường ĐH cũng đồng tình với chỉ đạo của Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GD&ĐT Hòa Bình cập nhật kết quả thi lên hệ thống phần mềm quản lý thi, rà soát xét lại tốt nghiệp. Đồng thời thông báo kết quả đã được cập nhật đến cho các học viện, trường ĐH, cao đẳng mà các thí sinh có liên quan đang học ở đó. “Vấn đề là phải xác định được số điểm nâng trái phép của thí sinh là bao nhiêu. Sau khi trừ số điểm bị nâng trái phép trở về điểm thật, nếu thí sinh đạt hoặc thừa điểm trúng tuyển theo ngành/trường ĐH quy định thì vẫn tiếp tục theo học bình thường. Trong trường hợp không đủ điểm chuẩn theo quy định của trường ĐH thì bị hủy kết quả trúng tuyển và không được theo học nữa. Đây là cách làm để đảm bảo công bằng cho các thí sinh khác” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay.

Khi được hỏi về những thí sinh vẫn trúng tuyển sau khi đã trở về điểm thật, liệu có bị xử lý kỷ luật về hành vi gian lận, PGS Nguyễn Phong Điền cho rằng, không nên để các em phải gánh chịu hậu quả. Bởi đây là “trò” của người lớn, các em là người liên đới hưởng lợi. "Cũng không nên công khai cho toàn bộ xã hội biết danh tính của từng thí sinh" - PGS Nguyễn Phong Điền chia sẻ.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Hữu Lập - nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng: “Đa số những trường hợp thí sinh nâng điểm đều đăng ký xét tuyển vào trường ĐH, học viện danh giá. Những trường này có đông thí sinh đăng ký, xét tuyển lấy điểm từ cao xuống thấp nên cho dù có nâng ít hay nhiều điểm thì điểm thật vẫn dưới mức điểm trúng tuyển của trường. Vì thế, chắc chắc các thí sinh này sẽ bị trượt chứ khó có giả thiết trúng tuyển”.