Vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai: Mặt trái của việc xã hội hóa y tế

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ nâng khống giá thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai khiến người bệnh phải trả phí cao hơn rất nhiều lần so với chi phí thực tế. Vụ việc này cần được làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.

“Tù mù” giá thiết bị y tế
Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an khởi tố vụ án và 3 bị can trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan.
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đang điều tra vụ việc liên quan đến một số hành vi có dấu hiệu tội phạm trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa. Kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định một số cá nhân tại Công ty BMS và Công ty Cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế, đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.
 Vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai đang gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: Phạm Hùng
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn (sinh năm 1979, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS) và Ngô Thị Thu Huyền (sinh năm 1983, Phó Giám đốc Công ty BMS); Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Lê Hoàng (sinh năm 1978, Thẩm định viên Công ty VFS).
Các bị can nêu trên đều bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đang điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng điều tra làm rõ các sai phạm tại Bệnh viện Bạch Mai để xử lý nghiêm trước pháp luật và thu hồi tài sản phạm tội mà có.
Thông tin liên quan đến vụ việc này, Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, kết quả điều tra bước đầu có một số cá nhân tại Công ty BMS có hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỷ đồng (gồm VAT).
Tuy nhiên, các đối tượng câu kết nâng khống lên 39 tỷ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý. Giá hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng, nhưng với giá được khai, người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 19 triệu đồng. Từ năm 2017 - 2019, có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỷ đồng.
Trả lời báo chí, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh - người ký duyệt hợp tác với Công ty BMS khẳng định: "Tuyệt đối không có bất kỳ lợi ích nhóm hay lợi ích của một cá nhân nào. Trong vụ việc này, bệnh viện cũng là một nạn nhân".
Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, nhiều tỉnh, TP đã mua thiết bị xét nghiệm Covid-19 giá cao và một trong những căn nguyên là tình trạng “tù mù” giá thiết bị y tế.
Làm rõ trách nhiệm các bên liên quan
Sau hàng loạt sự cố nâng giá thiết bị y tế, ngày 9/9 vừa qua, Bộ Y tế đã ra mắt Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: "Công khai, minh bạch là thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương. Đây là bước đi làm lành mạnh hóa thị trường, từng bước công khai, minh bạch về giá thiết bị y tế" .
Theo đó, cổng thông tin này sẽ công bố thông tin từ các hãng cung ứng thiết bị y tế, bao gồm cả chi phí vận chuyển, bảo hành, chi phí bảo trì, tính năng kỹ thuật, cấu hình, giá linh kiện thay thế chính hãng... Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa nói đến phương thức giải quyết tình huống hiện nay bệnh viện mua sắm trang thiết bị thông qua đấu thầu, hãng đã công bố giá công khai thì đấu thầu theo mức giá thế nào? Giá trúng thầu và giá công khai có liên quan gì đến nhau?...
Trao đổi với báo Kinh tế&Đô thị, luật sư Trần Hồng Phúc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá: Vụ nâng khống giá thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai thể hiện phần nào mặt trái của việc xã hội hóa y tế. Đối với việc khởi tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và một số đơn vị liên quan, theo tôi, tội danh này gắn vào đúng với từng chủ thể.
Cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố bị can đối với những người có trách nhiệm của Công ty BMS, đối với thẩm định viên giúp sức “tăng khống” giá trị tài sản so với giá trị thực là đúng. Còn đối với chủ thể nào đó của Bệnh viện Bạch Mai, phải chứng minh được sự thông đồng. Nếu không, nhóm chủ thể này sẽ ở một tội danh khác trong trường hợp cơ quan điều tra chứng minh được sai phạm về việc làm trái chủ trương xã hội hóa theo Thông tư số 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 ở thời điểm đó.
“Tôi từng nghiên cứu quy trình ra đời của những đề án xã hội hóa tại một số cơ sở y tế thì thấy rằng, có rất nhiều thành phần liên quan: Đảng uỷ, Ban Giám đốc, Công đoàn, Hội đồng khoa học của bệnh viện, các khoa lâm sàng sử dụng trang thiết bị, phòng tài chính, phòng kế hoạch tổng hợp, phòng vật tư... nên câu chuyện cùng nhau thống nhất trong cơ sở y tế để nâng khống giá trang thiết bị đặt tại bệnh viện là khó xảy ra. Trường hợp bệnh viện đã sử dụng dịch vụ thuê thẩm định giá thì đơn vị thẩm định và thẩm định viên chịu hoàn toàn trách nhiệm về kết quả thẩm định tại chứng thư của mình, theo hợp đồng dịch vụ thẩm định giá ký với bệnh viện” - luật sư Trần Hồng Phúc chia sẻ.
Theo luật sư Trần Hồng Phúc, một khía cạnh khác, các robot thay khớp gối hay robot rosa dùng trong phẫu thuật thần kinh sọ não đều là những thiết bị y tế tối tân, hiện đại trên thế giới và có lẽ lần đầu có mặt ở Việt Nam vào thời điểm những năm 2017 - 2018 nên việc xác định giá thị trường cho thiết bị cùng loại là không thể có.
Do đó, nếu Bệnh viện Bạch Mai thuê thẩm định giá là tuân theo quy định của Thông tư 15 nêu trên; chỉ có điều trách nhiệm cung cấp thông tin về sản phẩm cho đơn vị thẩm định, thu thập dữ liệu, khảo sát thiết bị... để áp dụng phương pháp thẩm định giá cần phải được làm rõ trách nhiệm từ Công ty BMS, Bệnh viện Bạch Mai và đơn vị thẩm định giá.

Nhìn chung, triển khai việc xã hội hóa thông qua liên doanh, liên kết đặt trang thiết bị khám, chữa bệnh được thực hiện rộng rãi ở rất nhiều bệnh viện trên cả nước. Đề án xã hội hóa đặt thiết bị của đối tác vào bệnh viện dưới góc độ pháp lý là quyết định của tập thể, chưa hẳn là của cá nhân hay nhóm lãnh đạo bệnh viện, bởi giá dịch vụ thường được xây dựng trong đề án để tập thể thông qua. Do đó, việc xây dựng, hoàn thiện, báo cáo cấp trên, thực thi đề án có liên quan đến rất nhiều người" - Luật sư Trần Hồng Phúc - Đoàn Luật sư TP Hà Nội


Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước những năm gần đây cho thấy, một số bệnh viện chia lợi nhuận cho đối tác ngay cả khi đã hết thời gian liên doanh, liên kết. Bệnh viện cũng chưa đánh giá đúng và đủ các chi phí về mặt bằng, thương hiệu của bệnh viện hoặc chưa làm rõ giá trị máy móc thiết bị, gây bất lợi cho bệnh viện. Ngoài ra, áp lực về doanh thu có thể dẫn đến tình trạng bệnh viện chỉ định dùng máy liên doanh, liên kết, "bỏ mặc" máy móc đầu tư từ nguồn ngân sách, gây lãng phí tài sản công.