Vũ Ngoại giữ “lửa” nghề rèn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thôn Vũ Ngoại thuộc xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa nổi tiếng với nghề rèn đã có lịch sử hàng trăm năm nay.

Với đôi tay tài hoa, những người thợ Vũ Ngoại đã gây dựng được uy tín và thương hiệu sản phẩm với khách hàng.

Đảm bảo cuộc sống

Từ bao đời nay, ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân Vũ Ngoại còn gắn bó với nghề rèn. Nhờ có nghề rèn, cuộc sống của người dân Vũ Ngoại luôn được ấm no, đủ đầy. Ông Nguyễn Đình Tuấn - Trưởng thôn Vũ Ngoại cho biết, thời kỳ hưng thịnh có tới 90% người dân trong thôn làm nghề. Khi ấy, quanh năm lò, bễ nhà nào cũng đỏ lửa, tiếng búa, tiếng đe chan chát. Cả làng nhộn nhịp như một công xưởng. Ngày nay, nhờ áp dụng khoa học công nghệ bằng việc đầu tư búa máy, quạt điện bễ thay cho làm thủ công như trước kia, nên người thợ đã bớt nhọc nhằn, thu nhập cũng cao hơn. Các lò rèn đều có sự chuyên môn hóa cao, mỗi lò chỉ sản xuất một hoặc vài sản phẩm nhất định. Do đó, sản phẩm của các lò đều đạt độ tinh xảo, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Anh Nguyễn Văn Thực đang sản xuất dao.
Anh Nguyễn Văn Thực đang sản xuất dao.
Anh Nguyễn Hữu Long năm nay mới 45 tuổi nhưng đã có 30 năm làm nghề. Theo anh Long, nghề rèn nhìn đơn giản thế, nhưng để thạo nghề, đòi hỏi người thợ phải kiên trì và có niềm say mê. Đặc biệt quan trọng là chất lượng của sản phẩm. Muốn vậy, người thợ phải biết phân biệt chất thép để định lửa tôi cho đúng tầm. Mặt khác, kiểu dáng của sản phẩm phải thanh thoát, thuận tiện cho người sử dụng. Người sành sỏi chỉ cần gõ sản phẩm vào nhau rồi nghe âm thanh là biết được chất lượng của sản phẩm tốt, xấu như thế nào. Chả thế, người trong nghề có câu: “nhất thanh, nhì dáng, thứ ba là nước tôi” để đúc kết sự chuẩn mực của nghề.

Người thợ Vũ Ngoại bằng sự khéo léo của đôi tay, sự mẫn cảm với lửa mà cảm nhận chính xác độ mềm của thanh thép để làm ra những sản phẩm đảm bảo đủ cả 3 chuẩn mực trong nghề rèn. Sản phẩm của làng từ xưa tới nay luôn đáp ứng mọi nhu cầu khi sử dụng. Chủng loại sản phẩm của làng cũng rất đa dạng như dao, kéo, cuốc, thuổng, mũi cày, bừa… Nhờ uy tín của làng nghề mà khách hàng từ các tỉnh, thành xa xôi vẫn lặn lội về đây đặt hàng. Ngày nay, khách hàng chủ yếu của người thợ Vũ Ngoại là các sản phẩm phục vụ bà con đồng bào miền núi phía Bắc trong việc phát nương, làm rẫy, đào măng, đốn củi, cày nương…

Hỗ trợ để phát triển

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Liên Bạt cho biết, làng nghề truyền thống có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế và ổn định xã hội của địa phương. Chính vì vậy, xã Liên Bạt luôn quan tâm tạo mọi điều kiện cho làng nghề phát triển. Hiện nay, Liên Bạt có 2 nghề là nghề rèn và nghề làm bún mang về doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Hai nghề này cũng góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Nhờ đó, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên ở Liên Bạt đạt 93%. Cũng nhờ có nghề, có việc làm và thu nhập ổn định nên tệ nạn xã hội ở địa phương hầu như không có. Người làm nghề luôn chấp hành nghiêm túc mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Tuy nhiên, cũng như nhiều làng nghề khác trên địa bàn Hà Nội, làng nghề Vũ Ngoại đang đứng trước nhiều khó khăn. Đó là thiếu đầu ra cho sản phẩm, mẫu mã một số sản phẩm không phù hợp nên khó cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, nguồn nhân lực cũng là một trong những lý do dẫn đến nghề rèn ngày càng khó khăn. Lớp trẻ ngày nay không mặn mà với nghề của cha ông, hầu hết họ đều muốn thoát ly tìm một công việc an nhàn, hợp thời hơn. Một khó khăn nữa là tình trạng ô nhiễm môi trường khí than từ các lò rèn, tiếng ồn của máy móc ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sinh hoạt của các hộ dân trong làng. Vì vậy, để phát triển làng nghề, Vũ Ngoại rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành hỗ trợ phát triển, tránh nguy cơ mai một một làng nghề có lịch sử hàng trăm năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần