Vụ nước sông Đà bị nhiễm dầu: Không sử dụng đúng công năng hồ Đầm Bài

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ án đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước suối Trầm – một trong những nguồn nước sản xuất nước sạch của Nhà máy nước sông Đà gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân Thủ đô vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý. Đến thời điểm này, những hệ lụy từ sự cố trên đã từng bước được khắc phục nhưng mối hiểm nguy về an ninh, an toàn nguồn nước tại Nhà máy nước sông Đà vẫn còn hiện hữu.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tác nghiệp tại suối Trầm ngày 28/10. Ảnh: Công Trình
Từng bước khắc phục sự cố
Sau 19 ngày xảy ra sự cố và sau 2 ngày Công ty CP Đầu tư nước sông Đà (Viwasupco) có lời xin lỗi người dân Thủ đô, ngày 28/10, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có mặt tại khu vực suối Trầm, hồ Đầm Bài và khu vực xung quanh Nhà máy nước sông Đà để ghi nhận công tác xử lý, khắc phục sự cố nước nhiễm dầu của các đơn vị có liên quan. Theo ghi nhận, tình trạng nguồn nước suối Trầm – một trong những nguồn nước phục vụ cho việc sản xuất nước sạch của Nhà máy nước sông Đà bị nhiễm dầu, bốc mùi khét… đã cơ bản được xử lý.
Công nghệ xử lý nước của Nhà máy nước sông Đà là tốt nhưng cần kiểm tra lại các thiết bị sản xuất nước, vì chất lượng của các thiết bị sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước sản xuất ra.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước môi trường Việt Nam, GS.TSKH Trần Hữu Uyển
Dọc theo suối Trầm hướng đến khu vực xảy ra sự cố đổ trộm dầu thải, lòng suối đã được nạo vét sâu thêm và mở rộng hai bên nhằm di chuyển toàn bộ lượng dầu thải ngấm vào đất, thảm thực vật. Viwasupco đã bố trí hàng chục tấm nỉ căng ngang dòng suối, đổ thêm cát xuống lòng suối… nhằm lọc váng dầu còn sót lại. Trong khi đó, tại khu vực sườn dốc, nơi xảy ra tình trạng đổ trộm dầu thải, Viwasupco đã tiến hành cào toàn bộ lượng đất bị nhiễm dầu, đồng thời phủ bạt ngăn chặn nước mưa chảy xuống mang theo lượng dầu thải còn tồn đọng xuống suối.
Tiếp đó, tại khu vực đoạn qua Nhà máy nước sông Đà dẫn vào hồ Đầm Bài, cũng như từ hồ Đầm Bài dẫn vào nhà máy, hàng chục tấm phao ngăn dầu, cát… cũng đã được dựng lên nhằm hạn chế tình trạng nước nhiễm dầu chảy vào. Tuy nhiên, tại một số khu vực, đặc biệt ở sườn dốc - nơi bị đổ trộm dầu thải, lượng dầu thải còn tồn đọng, chảy xuống dòng suối và di chuyển vào hồ Đầm Bài, rồi về nhà máy vẫn còn khá lớn.
Còn đó những nỗi lo
Có thể nói, với những biện pháp đã và đang thực hiện, đến thời điểm này, tình trạng ô nhiễm nguồn nước do việc đổ trộm dầu thải gây ra đã từng bước được khắc phục, đảm bảo việc sản xuất nước an toàn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, vẫn còn không ít nỗi lo về vấn đề an ninh, an toàn nguồn nước. Bởi nếu như trước đây, suối Trầm chỉ rộng khoảng 1m, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn thì nay, do quá trình nạo vét, lòng suối đã mở rộng đủ cho một chiếc máy xúc trung bình di chuyển. Thêm vào đó, từ việc nạo vét, di chuyển bùn đất nhiễm dầu hai bên đã vô tình “giúp” người dân, súc vật tiếp cận với dòng suối Trầm dễ dàng hơn. Điều này khiến công tác đảm bảo an toan, an ninh nguồn nước khó khăn gấp bội.
Hiện tại, dọc hai bên suối, người dân đang trồng rất nhiều loại cây như keo, mía… Về lý thuyết, trong quá trình trồng cây, việc sử dụng các loại hóa chất để ngăn chặn sâu bệnh, kích thích sự phát triển là không thể tránh khỏi. Do đó, nếu người dân sử dụng một lượng hóa chất lớn, trên diện rộng, khả năng những loại hóa chất này ngấm vào đất chảy xuống suối là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là chưa kể đến việc, hồ Đầm Bài – hồ tích nước phục vụ việc sản xuất của Nhà máy nước sông Đà, chức năng chính là phục vụ phát triển thủy lợi, không có chức năng sản xuất nước sạch.
Yêu cầu trả lại hồ Đầm Bài
Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cho biết, để đảm bảo an toàn nguồn nước, trước mắt cũng như về lâu dài, Viwasupco cần đầu tư xây dựng hệ thống ống dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy; không dùng kênh dẫn nước hở như hiện nay và không sử dụng nguồn nước sông Đà thông qua hồ Đầm Bài cho sản xuất nước sạch. Đặc biệt, xác định thời hạn cụ thể để trả hồ cho tỉnh quản lý, sử dụng đúng công năng, phục vụ sản xuất... Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình yêu cầu Viwasupco lắp đặt hệ thống quan trắc nguồn nước thô đầu vào, rà soát lại các nguồn cấp nước an toàn; xây dựng quy chế bảo vệ nguồn nước cũng như đề xuất quy hoạch các khu vực có nguồn nước an toàn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước phải được đặt lên hàng đầu...
Trong khi đó, theo GS.TSKH Trần Hữu Uyển - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường Việt Nam, việc sử dụng nguồn nước cấp từ hồ Đầm Bài và vị trí đặt trạm bơm dẫn nước từ sông Đà vào hồ là không hợp lý. Theo lý giải của GS.TSKH Trần Hữu Uyển, hồ Đầm Bài chỉ có chức năng tích nước phục vụ thủy lợi, sản xuất của người dân, không có chức năng sản xuất nước sạch nên công tác đảm bảo an toàn nguồn nước chưa được quan tâm.
Ông Uyển chia sẻ, trước đây, trong quá trình lấy ý kiến xây dựng Nhà máy nước sông Đà, ông đã đề xuất sử dụng nguồn nước từ hồ Hòa Bình để phục vụ việc sản xuất nước của Nhà máy nước sông Đà, tuy nhiên, tại thời điểm đó, đề xuất này đã bị bác do tốn tiền. Theo ông Uyển, vấn đề an ninh nguồn nước là rất lớn, do đó không thể vì giá thành cao mà bỏ qua các yếu tố gây mất an toàn nguồn nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần