Vụ nước sông Đà bị nhiễm dầu: Viwasupco vẫn coi thường sức khỏe người dân Thủ đô

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi cố tình ém thông tin vụ nước Sông Đà bị nhiễm dầu, Công ty CP Đầu tư nước Sông Đà (Viwasupco) tiếp tục cho thấy hành vi coi thường sức khỏe, tính mạng của người dân Thủ đô khi thải hàng nghìn mét khối nước nhiễm dầu ra suối Đồng Bãi, thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất.

 Lượng dầu mỡ tồn đọng còn khá nhiều. Ảnh: Vân Nhi

Liên quan đến sự cố nước Sông Đà nhiễm dầu, Sở TN&MT Hà Nội đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc Viwasupco xả thẳng nước súc, rửa bể trung gian ra môi trường mà không qua xử lý. Tại báo cáo này, Sở TN&MT Hà Nội nêu rõ, Viwasupco đã xả một lượng nước khổng lồ sau khi súc rửa chưa qua xử lý ra suối Đồng Bãi, thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất. Trong đó, chỉ tính riêng trong trong ngày 21/10, lượng nước ghi nhận khoảng 2.500 – 3.000m3. Điều đáng nói, trước và trong quá trình súc rửa bể chứa nước trung gian, Viwasupco không thông báo đến Nhân dân, chính quyền địa phương và không xuất trình được quy trình xúc rửa và xả thải nước ra môi trường.
Ngày 4/11, Công ty CP Đầu tư nước Sông Đà đã có Quyết định số 39/2019/QĐ-HĐQT, miễn nhiệm cán bộ, theo đó miễn nhiễm chức danh Tổng Giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Viwasupco đối với ông Nguyễn Văn Tốn kể từ ngày 4/11.
Cùng ngày, Viwasupco cũng ban hành Quyết định số 40//2019/QĐ-HĐQT, bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Quý (SN 1973); Nghề nghiệp: Kỹ sư xây dựng giữ chức danh Tổng Giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty kể từ ngày 4/11.
Trước vấn đề này, ngày 5/11, phóng viên đã có mặt tại suối Đồng Bãi, thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất để ghi nhận thực tế. Tại đây, theo ghi nhận, dù đã hơn nửa tháng trôi qua nhưng những dấu vết của việc xúc xả vẫn còn rất rõ ràng. Cụ thể, tại vị trí suối tiếp giáp cửa xả của Viwasupco, nhiều lớp bùn cặn đen ngòm vẫn còn đóng dày 3 - 4cm ven các bờ đất và vương đầy trên cỏ.
Cũng theo ghi nhận, mặc dù không có mùi khét nhưng lớp bùn thải này lại đặc quánh, trơn tuột và rất dính tay, khi hòa tan trong nước, chất thải loang rộng và khiến con suối biến màu. Dọc theo con suối, những dấu vết của chất thải nghi là dầu vẫn rất dễ nhận thấy, thậm chí, có những đoạn chất thải bám dày, đen đặc cả bờ đất.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Chiến (thôn Dục, xã Yên Bình, Thạch Thất), người thường xuyên chăn thả gia súc tại khu vực cửa xả của Viwasupco cho biết: "Vào khoảng cuối tháng 10, tôi đi qua đây đã phát hiện nước thải từ bể chứa chảy ra có màu đen tím rất lạ. Mấy hôm đầu, chất thải còn bồi đầy lên hai bờ thành từng lớp rất dầy, dính. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trải qua mấy trận mưa to, trâu bò đi lại nhiều nên lượng dầu mỡ đã không còn rõ ràng như những ngày đầu".
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng, đây là hành vi không thể chấp nhận được của Viwasupco. Theo lý giải của các chuyên gia, nước nhiễm dầu chưa qua xử lý nếu bị đổ thẳng ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe của người dân nếu vô tình nhiễm phải qua đường ăn uống. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu Viwasupco có hành động vô trách như vậy với chính quyền, với Nhân dân Thủ đô – những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố nước Sông Đà nhiễm dầu.
Trước đó, khi phát hiện sự cố nguồn nước cấp cho Nhà máy nước Sông Đà bị nhiễm dầu, thay vì báo cho các cơ quan chức năng, Viwasupco đã tự xử lý một cách thủ công, không thông báo sự cố đến hàng triệu khách hàng đang sử dụng nguồn nước từ nhà máy, điều này đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người dân phía Tây Thủ đô.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần