GrabTaxi dùng các HTX vận tải làm… bình phong!

BÀI, ẢNH: TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khẳng định của thẩm phán Lê Công Toại, chủ tọa phiên tòa xử vụ hãng Taxi Vinasun kiện GrabTaxi.

Ngày 22/10, vụ kiện “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu taxi Vinasun (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi) bước sang ngày thứ 4. Sau khi không bên nào bổ sung tranh tụng, HĐXX quay trở lại phần xét hỏi.
Nguồn đầu tư lên tới… 3 tỷ USD!
Chủ tọa Lê Công Toại đưa ra hàng loạt câu hỏi đại diện bị đơn: GrabTaxi đầu tư bao nhiêu nước, trong những nước đang hoạt động (trừ Việt Nam) việc kinh doanh ra sao? Từ khi vào Việt Nam chưa có năm nào lợi nhuận, đã thay đổi vốn điều lệ 20 tỷ đồng? Hoạt động từ 2014 - 2017 đều lỗ thì nguồn tiền từ đâu đưa vào hoạt động? Mô hình hoạt động ở các nước khác có giống như ở Việt Nam, trong những nước đang hoạt động kinh doanh có phát sinh tranh chấp như vụ kiện này? Mã ngành nghề ĐKKD đến nay thay đổi chưa, chức năng hoạt động của Grab là kinh doanh công nghệ kết nối? Đại diện theo pháp luật GrabTaxi, ông Lim Yen Hock trả lời: “Grab đầu tư vào 8 nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, với hơn 100 thành phố. Tình hình kinh doanh tại 1 số nước bắt đầu có lợi nhuận, tại một số nước vẫn đang đầu tư. Về mô hình hoạt động do chúng tôi phụ trách ở Việt Nam nên không nắm được 7 nước kia. Từ năm 2014 - 2017 chưa có lợi nhuận nên không thay đổi vốn điều lệ, năm 2018 chưa kết thúc nên chưa tính toán được. Mức chênh lệch giữa lợi nhuận và các khoản lỗ đang giảm dần”.
Ông Trần Anh Minh - Phó Tổng Giám đốc Vinasun trình bày tại tòa.
Cũng theo đại diện của GrabTaxi, việc lỗ nhiều năm nhưng đến nay vẫn hoạt động vì nguồn tiền có từ những nhà đầu tư với số tiền lên tới 3 tỷ USD. Tại 7 nước mà Grab đang hoạt động kinh doanh chỉ cung cấp phần mềm, các công ty taxi cung cấp vận tải, và Grab chưa từng có tranh chấp nào như ở Việt Nam,
Đối với câu hỏi của vị chủ tọa: Vì sao trong lần thay đổi giấy đăng ký kinh doanh lần 6 vào ngày 3/5/2018, từ Công ty TNHH GrabTaxi thành Grab? Vì sao các tài xế biết được mức chiết khấu? Đại diện theo pháp luật của Grab, nói: “Tại thời điểm hoạt động, chúng tôi làm việc với các công ty taxi nên có tên GrabTaxi. Hôm nay chúng tôi còn nhiều công việc khác, như: cung cấp thức ăn, thương mại điện tử…, nên chuyển từ GrabTaxi sang Grab không là ngoại lệ. Việc tài xế biết mức chiết khấu là do các HTX vận tải nói cho tài xế biết, chúng tôi chỉ làm việc với HTX và doanh nghiệp (DN) vận tải. Việc các lái xe muốn chạy cho Garb phải hội đủ 1 số điều kiện: Trước đó tài xế làm việc với HTX, DN, tiếp đó tài xế cung cấp các giấy tờ (hợp đồng ký với HTX, DN; trình phù hiệu xe hợp đồng và được hoạt động tại tỉnh, thành nào). Sau đó tài xế cung cấp bằng lái xe, CMND, giấy khám sức khỏe, lý lịch tư pháp, bằng chứng sở hữu xe… thì chúng tôi đào tạo kết nối dùng phần mềm”.
Chủ tọa cũng hỏi lái xe do các HTX vận tải hay Grab quản lý? Đại diện của GrabTaxi cho rằng do các HTX và DN quản lý. Tuy nhiên, chủ tọa khẳng định khi tòa làm việc, các HTX khai rằng không quản lý lái xe, chỉ cấp phù hiệu để lái xe sang chạy cho GrabTaxi.
Vinasun kiện vì GrabTaxi vi phạm Đề án 24
Chủ tọa cũng đặt hàng loạt câu hỏi với phía nguyên đơn: Vì sao kiện GrabTaxi, căn cứ vào đâu để đòi GrabTaxi bồi thường ngoài hợp đồng trên 41,2 tỷ đồng? Đại diện nguyên đơn là ông Trương Đình Quý và Trần Anh Minh (cả 2 là Phó Tổng giám đốc Vinasun), khẳng định: “Chúng tôi kiện GrabTaxi do công ty này vi phạm Đề án thí điểm 24. Về số tiền trên 41,2 tỷ đồng chúng tôi đòi bồi thường là dựa trên số thiệt hại của công ty mẹ, căn cứ vào báo cáo kiểm toán”.
Theo ông Quý và ông Minh, từ khi GrabTaxi vào Việt Nam kinh doanh năm 2014 - 2015, Vinasun vẫn tăng trưởng. Khi GrabTaxi bắt đầu tham gia Đề án 24 thì Vinasun bị ảnh hưởng, lợi nhuận giảm liên tục. Trong khi Vinasun đóng thuế 10% cho tất cả các hoạt động vận tải, 20% trên tổng lợi nhuận và đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (tổng các loại chi phí thuế là 32% - PV) thì GrabTaxi chỉ nộp 5%, không nộp BHXH, BHYT, BHTN cho tài xế. Trong lúc Vinasun nộp thuế trên 1.200 tỷ đồng cho tổng số xe hoạt động ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… thì GrabTaxi chỉ nộp 9,5 tỷ đồng thuế.
Ông Trương Đình Quý cũng đưa ra các lập luận để khẳng định GrabTaxi vi phạm khi thực hiện Đề án 24. Theo ông Quý mục tiêu của đề án 24 nhằm nâng cao hiệu quả của các đơn vị kinh doanh vận tải, nhưng Grabtaxi lợi dụng Đề án 24 để tạo dựng mạng lưới kinh doanh vận tải mới, mà các đối tượng do Grab tạo dựng lên, sai lệch hoàn toàn với các đối tượng tham gia thí điểm trong Đề án 24. Cụ thể: Đề án 24 yêu cầu Grabtaxi hợp tác với các DN vận tải sẵn có, nhưng thực tế GrabTaxi tuyển mộ các cá nhân đầu tư xe. Trước khi GrabTaxi thực hiện Đề án, số lượng xe hợp đồng tại TP Hồ Chí Minh chỉ vài trăm xe, khi GrabTaxi được chấp nhận thực hiện Đề án 24, số lượng xe hợp đồng tăng 17.360 xe vào cuối năm 2016 và 34.562 xe vào cuối năm 2017.
“Đây là kết quả của chiến lược tổng thể của Grab bao gồm cùng hàng loạt các quảng cáo của Grab trên biển hiệu, trên internet, báo chí truyền hình về mức thu nhập khủng từ 35 - 40 triệu đồng/lái xe Grab. Trong số lái xe đầu tư chạy Grab, có rất nhiều người là tài xế taxi, từng có việc ổn định tại các công ty taxi. Họ bỏ công ty, bỏ xe đang chạy để đầu tư xe chạy Grab. Hiện giờ, nhiều người trong số họ đang nợ nần chồng chất, mất vị trí việc làm, mất BHXH. Trong năm 2018, đã có ít nhất 4 vụ biểu tình của tài xế Grab lên án hành vi lợi dụng độc quyền chèn ép tài xế của Grab, khiến những tài xế đầu tư xe này thua lỗ, phá sản. Cụ thể, ngày 26/1/2018, có 52 tài xế ký đơn kêu cứu Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị các cơ quan hữu quan tháo gỡ khó khăn cho các tài xế lỡ mua xe chạy Grab”, ông Quý khẳng định.
Grab toàn quyền quyết định thay các HTX, DN vận tải!
Cũng theo ông Trương Đình Quý (đại diện Vinasun), Đề án 24 yêu cầu GrabTaxi kết nối hành khách với các DN vận tải, sau đó DN điều phối xe hợp đồng của mình. Trên thực tế, Grab bỏ qua DN vận tải mà hợp tác trực tiếp với các tài xế xe hợp đồng. Trong quá trình TAND TP Hồ Chí Minh giải quyết vụ án, đã thu thập các chứng cứ từ đại diện các HTX, DN vận tải được Grab xác định là “đối tác” khi thực hiện Đề án 24 đều khẳng định: HTX, DN vận tải chỉ “cấp” phù hiệu xe hợp đồng cho tài xế để họ đủ điều kiện “xe hợp đồng” theo quy định, còn việc định giá cước, điều động xe, thưởng phạt tài xế là do Grab tự quyết định, các HTX, DN vận tải không tham gia. Việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa lái xe và khách hàng do Grab thực hiện, các HTX, DN vận tải không có trách nhiệm và không liên quan, không chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của lái xe với Grab. Việc nộp thuế cho tài xế do Grab thu và nộp cho cơ quan thuế có thẩm quyền. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho lái xe do Grab và lái xe thỏa thuận, HTX không biết, không liên quan. Những việc trên có nghĩa GrabTaxi chỉ dùng các HTX, DN vận tải làm bình phong nhằm hợp thức hóa việc điều kiện kinh doanh vận tải cho các tài xế có xe. Hết năm 2017, toàn quốc có 866 DN vận tải tham gia thí điểm với 36.809 xe, nhưng đến tháng 4/2018 toàn quốc có 491 DN vận tải, 42.106 xe tham gia thí điểm. Sự biến mất, xuất hiện, thay đổi của hàng trăm DN vận tải, hàng ngàn phương tiện chỉ trong vòng 4 tháng là dấu hỏi chưa ai lý giải được.