Vụ “Tham ô hàng ngàn lượng vàng ở Agribank Bến Thành”: Trách nhiệm quản trị của lãnh đạo Agribank ở đâu?

BÀI, ẢNH: TRÚC MAI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 7/12, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo, người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan vụ án “Tham ô tài sản; Đưa và nhận hối lộ; Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - chi nhánh Bến Thành (Agribank Bến Thành).

Có kiểm tra vẫn mất hơn 300 tỷ đồng!
Mở đầu buổi xử, HĐXX yêu cầu đại diện Agribank Bến Thành trả lời một số câu hỏi: quy trình cho vay, các bị cáo có làm đúng quy trình, Agribank có quy định việc thẩm định tài sản bảo đảm, đặc biệt là trách nhiệm quản trị của lãnh đạo Agribank Việt Nam trong vụ án này? Trước những câu hỏi của HĐXX, đại diện Agribank Bến Thành khẳng định các bị cáo đã làm sai quy trình cho vay. Đến ngày 01/4/2014, Agribank Việt Nam đã thay đổi quy trình tổ chức giao dịch, muốn giải ngân phải thông qua kế toán trưởng và kế toán quỹ. Còn việc thẩm định tài sản bảo đảm đã có quy định từ 2007, giá trị tài sản bảo đảm do cán bộ tín dụng khảo sát, trao đổi và tự xác định trên giá thị trường vào thời điểm cho vay.
 Các bị cáo trong vụ án Agribank Bến Thành.
Đại diện Viện KSND cũng đặt vấn đề trách nhiệm quản lý của lãnh đạo Agribank Việt Nam đối với vụ án, việc kiểm tra giám sát quá trình cho vay, tại sao trong 4 năm không phát hiện việc đảo những món nợ “khồng lồ” tại Agribank Bến Thành? Đại diện ngân hàng cho rằng Agribank giao mức cho vay tùy theo mức độ, năng lực từng chi nhánh. Vay dưới 50 tỷ đồng, do giám đốc chi nhánh tự quyết định nên không phải báo cáo Hội sở. Hàng năm đều có kế hoạch kiểm tra từng chi nhánh. Từ 2008-2012, đã kiểm tra chi nhánh Bến Thành nói riêng và các chi nhánh khác nói chung. Do mạng lưới của Agribank rất lớn, riêng chi nhánh cấp 1 đã có 184 chi nhánh, cấp 2 còn nhiều nữa... nên Hội đồng thành viên và Ban lãnh đạo không thể với dài tay quản lý từng khoản vay, vì đã có quy định phân cấp.
“Ở Hội sở, chúng tôi thực hiện đầy đủ quy trình của Agribank Việt Nam, có đủ các phòng – ban chức năng và được tổ chức chặt chẽ. Trong nhiều đứa con, dĩ nhiên có đứa này đứa kia! Đối với Agribank Bến Thành, vào tháng 8/2012, Hội sở đang tiến hành kiểm tra thì Bộ Công an vào cuộc”, đại diện ngân hàng nói.
Trước câu trả lời của phía ngân hàng, chủ tọa đã phải nhắc nhở: “Các anh quản lý chặt chẽ ở chỗ nào mà một chi nhánh đã mất hơn 300 tỷ đồng? Trách nhiệm quản lý của Hội đồng thành viên ở đâu. Với kiểu trả lời ai sai người đó chịu trách nhiệm thì với cách quản trị như thế, hậu quả sẽ như thế nào. Trong khi Nhà nước giao tài sản cho các anh quản lý để phát triển đất nước. Các anh cho rằng đã kiểm tra, vậy diễn ra thời điểm nào, hình thức kiểm tra ra sao, ai là trưởng đoàn? Gần như chi nhánh Bến Thành được bị cáo Oanh xem như kho quỹ của… gia đình Oanh! Bị cáo muốn lấy tiền lúc nào cũng được. Đề nghị trả lời cho HĐXX bằng văn bản ngay trong chiều nay 7/12”.
Kế toán không được phép biết về tín dụng
HĐXX cũng gọi hỏi nhiều người người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ án. Khi được hỏi, bà Nguyễn Vĩnh Thùy Trang (nguyên Phó giám đốc Agribank Bến Thành), trả lời: “Các hợp đồng tín dụng thuộc trách nhiệm giám đốc chi nhánh (bị cáo Oanh – PV). Trong vụ án này tôi có ký 2 hợp đồng tín dụng, căn cứ theo các quy định của Agribank. Lúc đó tôi phụ trách phòng giao dịch Đại Nam, nhìn hồ sơ thấy giám đốc, cán bộ tín dụng cũng như trưởng phòng đã ký duyệt nên tôi căn cứ quy định về cấp tín dụng thì ký. Còn việc thẩm định lại, tôi không có quyền”.
Chủ tọa hỏi tiếp những hồ sơ do bà Trang ký có đủ thủ tục? Sau khi cấp tín dụng có kiểm soát nguồn tiền? Trách nhiệm ra sao? Có che đậy hành vi phạm tội của các bị cáo hay không? Bà Trang cho rằng được ủy quyền thay mặt giám đốc ký các hợp đồng tín dụng và hợp đồng có liên quan. Việc kiểm soát thuộc phòng kế hoạch – kinh doanh. Trong quá trình vay, cán bộ tín dụng gửi báo cáo, thấy đã tất toán là xong. Thời điểm đó (2008-2012), không có Hội đồng tín dụng, tự mình giám đốc quyết định. Lúc đó không ai biết gì về việc đảo nợ, chỉ đến khi công an vào điều tra thì mới biết.

Bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh đang bị áp giải dời phiên tòa. 

“Mỗi tháng chi nhánh đều họp giao ban, nhưng cán bộ kiểm tra hầu như không phản ánh các vụ việc. Việc tôi ký 2 hợp đồng tín dụng là đúng quy trình của Agribank. Khi ký tôi có theo dõi vay đúng mục đích, và khi tất toán xong (trên giấy tờ) thì tôi nghĩ mình đã hết nghĩa vụ”, bà Trang nói.
Đối với bà Nguyễn Thị Xuân Minh (phó phòng kế toán), khi được HĐXX hỏi, đã trả lời: “Thời điểm 2008 chi nhánh không có trưởng phòng, mãi tới tháng 4/2011 mới có trưởng phòng. Nhiệm vụ của phòng kế toán là thực hiện giao dịch khách hàng, giao dịch vốn, chi tiêu nội bộ, kế toán, báo cáo cân đối. Còn mảng tín dụng không liên quan đến phòng kế toán vì không được phân công, các báo cáo về tín dụng đều do phòng kế hoạch – kinh doanh, đây là quy trình của Hội sở. Từ tháng 4/2014, phòng kế toán mới liên quan đến mảng tín dụng”.
BOX: Bảo vệ “gánh” thay món nợ… 6 tỷ đồng!
Liên quan đến bị can Trương Thế Thanh (đã chết) vay 13 tỷ đồng thông qua 2 hợp đồng tín dụng. Tại tòa, HĐXX gọi hỏi ông Nguyễn Minh Mẫn (tài xế Agribank Bến Thành) về trách nhiệm dân sự đối với khoản vay 7 tỷ đồng ai chịu? Ông Mẫn khai do ông Thanh là anh rể, nên khi nhờ đứng tên ký hợp đồng vay, ông Mẫn ký nhưng không biết vay bao nhiêu tiền và không biết anh rể vay để làm gì. Khi đứng tên vay tiền, cũng không biết biết tài sản đã đem thế chấp. Còn ông Phạm Viết Thúy (nguyên bảo vệ Agribank Bến Thành), cũng ký 1 hợp đồng tín dụng vay 6 tỷ đồng cho ông Thanh, nói: “Tôi chỉ đứng tên giùm cho ông Trương Thế Thanh. Khi ông Thanh nhờ đứng tên, tôi có hỏi thì ỗng nói là cán bộ không thể đứng tên vay nên nhờ tôi đứng tên giùm. Sau đó tôi không biết việc thế chấp ra sao. Nay ông Thanh chết rồi, tài sản của ỗng cũng đã bị kê biên chờ phát mãi, khoản nợ đó tôi không biết trách nhiệm mình thế nào nữa”.