Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Tạo điều kiện tối đa cho các gia đình

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến sự việc trao nhầm con tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì 6 năm trước giữa 2 gia đình anh Phùng Giang Sơn và chị Vũ Thị Hương, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị chiều 17/7, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thanh Cao cho biết, Sở đã chỉ đạo Phòng Tư pháp huyện Ba Vì tạo điều kiện tối đa cho các gia đình.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thanh Cao trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị chiều 17/7.
Theo đó, sau khi có kết luận cuối cùng từ các cơ quan chức năng, nếu đúng có tình huống nhầm con và trả lại con, Phòng Tư pháp huyện Ba Vì sẽ hỗ trợ hai gia đình thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
“Khi thân phận những đứa trẻ đã được cơ quan chức năng kết luận rõ ràng, có sự thỏa thuận của hai bên gia đình dựa trên căn cứ xét nghiệm ADN, thủ tục nhận lại con và đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu lại cho các cháu cũng rất đơn giản” – ông Cao cho biết.

Ở góc độ pháp luật, trả lời báo chí, Chánh án TAND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Thưởng cho biết, TAND huyện Ba Vì đã nhận được đơn của anh Phùng Giang Sơn đề nghị giải quyết sự việc trao nhầm con. Quá trình thụ lý, tòa mong muốn các bên có thể hòa giải, nếu HĐXX phân xử sẽ tuân thủ đúng theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, vụ án hiện gặp vướng do vợ chồng chị Vũ Thị Hương đã ly hôn và tòa tuyên cháu Đoàn Nhật M. là con chung của vợ chồng chị; chị Hương là người nuôi con. Do đó, để giải quyết vụ án, TAND huyện Ba Vì đã có công văn xin ý kiến của TAND cấp trên để xem xét lại bản án ly hôn này. Sau khi giải quyết được về phần con chung của chị Hương mới có thể xem xét, giải quyết đơn anh Phùng Giang Sơn.

Ngoài ra, kết quả xét nghiệm ADN mà Viện Khoa học hình sự (Tổng cục Cảnh sát) trả lời anh Sơn chỉ là công văn thông báo. Để kết quả này có tính pháp lý, phải ra bằng quyết định, kết luận. TAND huyện Ba Vì đã có công văn gửi Viện để hỏi lại về vấn đề này.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hồng Quang (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 về việc bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao…”. Theo đó, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì phải có trách nhiệm trong việc bồi thường cho hai gia đình anh Phùng Giang Sơn và chị Vũ Thị Hương về những tổn thất tinh thần, tổn thất về tài sản do vụ việc trao nhầm con gây ra.