Vụ việc tại BOT quốc lộ 6: Báo động về năng lực nhà đầu tư

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự việc vừa xảy ra tại dự án BOT QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình là lời cảnh báo về tình trạng yếu kém trong năng lực của nhà đầu tư dự án BOT giao thông.

Sáng 31/1, tại cuộc họp kiểm điểm về tình hình thực hiện dự án BOT Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ra “tối hậu thư” cho các nhà đầu tư dự án này, trong vòng 10 ngày (tính từ ngày 31/1) nếu không đóng đủ 100% vốn chủ sở hữu sẽ bị hủy hợp đồng BOT tại dự án này. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, tính đến thời điểm này, các nhà đầu tư dự án BOT QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình đã vi phạm nghiêm trọng hợp đồng ban đầu ký với Bộ GTVT. Đây được cho là động thái cứng rắn nhưng quá muộn màng của Bộ GTVT bởi đến thời điểm hiện tại, dự án đã bị vỡ tiến độ hơn một năm.
Chưa xong đã thu phí
Dự án BOT QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình có tổng mức đầu tư 2.989,12 tỷ đồng, do liên danh Tổng Công ty 36 – Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội – Công ty CP Xây lắp và Thương mại Thành Lộc được chỉ định thầu. Dự án gồm hai hợp phần: Xây mới tuyến Hòa Lạc – Hòa Bình dài 25,7km và cải tạo, nâng cấp tuyến QL6 Xuân Mai – Hòa Bình dài 30,6km. Trong đó, hợp phần QL6 Xuân Mai – Hòa Bình đã hoàn thành từ tháng 4/2015, tiến hành thu phí từ 20/10/2015. Trong khi tuyến mới Hòa Lạc – Hòa Bình đã chậm tiến độ so với kế hoạch hơn một năm nay.
 Trạm BOT trên QL6 được thu phí khi dự án vẫn chưa hoàn thành xong.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ngay từ  ban đầu, Bộ GTVT đã “tạo điều kiện” cho nhà đầu tư dự án này khi cho phép thu phí trước khi dự án hoàn thành cả hai hợp phần. Cụ thể, theo hợp đồng BOT đã ký kết giữa Bộ GTVT và Công ty TNHH BOT QL6 – Hòa Lạc – Hòa Bình thì sau khi hợp phần nâng cấp, cải tạo QL6 tuyến Xuân Mai – Hòa Bình hoàn thành, nhà đầu tư sẽ được thu phí ngay. Trạm thu phí này đặt tại Km42+730 trên QL6, thuộc địa phận huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Thời gian thu từ 1/8/2015 đến hết 31/7/2016 (đến 20/10/2015 mới chính thức thu phí), tương đương số tiền khoảng hơn 100 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được sử dụng để đầu tư tuyến đường mới Hòa Lạc – Hòa Bình và thời gian thu phí sẽ trùng với thời gian hoàn thành tuyến Hòa Lạc – Hòa Bình.
Theo Bộ GTVT, lý do cho phép nhà đầu tư thu phí trước khi toàn dự án hoàn thành là để rút ngắn thời gian hoàn vốn cho dự án. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, số tiền thu phí tại Trạm BOT Lương Sơn đã vượt mức như điều khoản trong hợp đồng khoảng 70 tỷ đồng nhưng trạm này vẫn đang tiếp tục được phép hoạt động trong khi tuyến mới Hòa Lạc – Hòa Bình chậm tiến độ hơn một năm. Thậm chí, hiện nay thời hạn được phép thu phí tại trạm này như trong hợp đồng BOT cũng đã trôi qua hơn một năm, song công tác thu phí vẫn chưa dừng lại.
Chưa đủ vốn vẫn được cấp Giấy chứng nhận đầu tư?
GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp Đại học GTVT: Việc chỉ định thầu đã triệt tiêu tính cạnh tranh khi lựa chọn nhà đầu tư BOT, dẫn đến tiêu chuẩn chọn nhà đầu tư thấp, không qua tuyển chọn, không có kiểm tra năng lực tài chính, năng lực chuyện môn... Lỗ hổng của mình là giám sát năng lực nhà đầu tư qua loa quá, chỉ định thầu, rồi nâng một số tiêu chí lên, hạ tiêu chí này xuống sao cho nhà đầu tư có lợi nhất.
Một điểm bất thường nữa trong dự án BOT QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình là trong hợp đồng liên danh được ký kết giữa 3 nhà đầu tư dự án, Tổng Công ty 36 là đơn vị đứng đầu liên danh phải góp 149,6 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội phải góp 130,9 tỷ đồng còn Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc góp 93,5 tỷ đồng. Hiện nay, mới có Tổng Công ty 36 góp đủ vốn chủ sở hữu. Hai DN còn lại thiếu 89 tỷ đồng. Việc các nhà đầu tư không nộp đủ vốn chủ sở hữu là nguyên nhân khiến Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) dừng giải ngân dù trước đó đơn vị này đã cam kết cho vay. Theo điều khoản trong hợp đồng tín dụng giữa SHB và chủ đầu tư dự án, ngân hàng sẽ cho dự án vay khoảng 1.999 tỷ đồng, tương đương 77,69% nhu cầu vay vốn trên phương án tài chính của hợp đồng BOT. Khoản tiền cho vay này mới giải ngân được khoảng 50% thì phía ngân hàng quyết định dừng lại.
Ông Lưu Việt Khoa – Phó Giám đốc PMU2 (Ban Quản lý dự án công trình giao thông 2 – Bộ GTVT) cho hay, một trong những điều kiện để ngân hàng tiếp tục giải ngân là các nhà đầu tư phải huy động đủ 100% vốn chủ sở hữu. Vấn đề nằm ở chỗ, để được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì liên danh các nhà đầu tư phải góp đầy đủ vốn chủ sở hữu theo quy định. Tuy nhiên, như trên đã đề cập, không hiểu tại sao đến thời điểm hiện tại, sau rất nhiều năm dự án được triển khai, các nhà đầu tư vẫn chưa huy động đủ vốn sở hữu.
Trong cuộc họp ngày 31/1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đã 3 lần gia hạn tiến độ với dự án BOT QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình để cho các nhà đầu tư thu xếp triển khai, hoàn chỉnh công trình, nhưng chưa có giải pháp hiệu quả để thực hiện hết trách nhiệm theo hợp đồng đã ký. Ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, nếu các nhà đầu tư tiếp tục không có giải pháp khắc phục, Bộ sẽ hủy hợp đồng với nhà đầu tư và mọi hậu quả do vi phạm hợp đồng bị hủy sẽ căn cứ vào hợp đồng để xem xét trách nhiệm của các bên liên quan. Trong trường hợp bị chấm dứt hợp đồng, ngoài việc không được tiếp tục thu phí trên tại Trạm BOT Lương Sơn, nhà đầu tư sẽ chỉ được hoàn trả 80% số tiền đã bỏ ra, còn 20% sẽ bị tịch thu.
Làm theo kiểu “lấy đầu cá vá đầu tôm”
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, GS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp Đại học GTVT cho biết, vấn đề xảy ra tại dự án BOT QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình cũng giống như nhiều dự án BOT giao thông khác đều do năng lực tài chính của các nhà đầu tư phần lớn đều là do... vay mượn. “Ở nước ngoài, khi làm BOT, trước tiên người ta phải kiểm tra năng lực của nhà đầu tư xem có đủ điều kiện không mới cho triển khai. Năng lực ở đây là cả về năng lực tài chính, năng lực chuyên môn... Còn ở Việt Nam, hầu hết nguồn vốn các nhà đầu tư BOT đều là đi vay ngân hàng. Mà vay vốn ngân hàng là nguồn vay ngắn hạn trong khi đầu tư BOT lại là đầu tư dài hạn, tới mấy chục năm mới thu hồi vốn như vậy thì tính khả thi về mặt tài chính không cao” - ông Từ Sỹ Sùa phân tích.
Ông Từ Sỹ Sùa cho rằng, với cách làm trên, chẳng khác nào “lấy đầu cá vá đầu tôm”, dùng cái nọ để hỗ trợ cái kia chứ thực chất không đến từ năng lực thật sự của các nhà đầu tư BOT. Nguồn gốc của câu chuyện vẫn nằm ở cơ chế chỉ định thầu khi lựa chọn nhà đầu tư mà Bộ GTVT áp dụng trong suốt thời gian qua. Chính vì chạy theo tiến độ, chạy theo cái lợi trước mắt khi thực hiện các dự án BOT mà Bộ GTVT đã xem thường vấn đề năng lực. Điều đó khiến nhiều dự án BOT bộc lộ nhiều bất cập, gây bức xúc xã hội trong thời gian qua.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, trong sự việc xảy ra tại dự án BOT QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình, trách nhiệm giải quyết đương nhiên thuộc về Bộ GTVT nhưng đơn vị này cần gấp rút đưa ra phương án giải quyết, xử lý càng sớm càng tốt. Thứ nhất, trong thời gian qua, các vấn đề liên quan đến BOT đã gây nhiều bức xúc, do đó cần giải quyết sớm, triệt để vấn đề ở BOT QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể liên quan. Thứ hai, giải quyết sớm vấn đề ngày nào thì sẽ tốt cho dự án ngày đó bởi vì tiến độ dự án bị kéo dài sẽ càng làm tăng thêm chi phí đầu tư do nguồn lãi ngân hàng vẫn không ngừng cộng dồn vào. Điều đó sẽ làm giảm hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần