Vụ “Vinasun kiện GrabTaxi bồi thường thường trên 41,2 tỷ đồng”: Tranh cãi về thẩm quyền của tòa!

BÀI, ẢNH: TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trước ý kiến của luật sư bị đơn cho rằng vụ việc không thuộc thẩm quyền của tòa án. Vì vậy chủ tọa phiên tòa đã đề nghị đại diện theo pháp luật và luật sư của các bên trình bày theo điều luật cụ thể về thẩm quyền của tòa để từ đó HĐXX ra phán quyết chính xác.

GrabTaxi kinh doanh taxi trái phép
Ngày 17/10, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa ra xét xử sơ thẩm vụ kiện “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu taxi Vinasun (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi). Đây là phiên xử lần thứ 4 sau 3 lần bị tạm ngừng, tạm đình chỉ và hoãn vào các ngày 7/2, 7/3 và 24/9.
Theo đơn khởi kiện của Vinasun, lợi dụng việc Bộ GTVT ban hành quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý kết nối hoạt động vận tải theo hợp đồng” (Đề án 24 - PV), GrabTaxi thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi, gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận cho Vinasun nên Vinasun yêu cầu buộc GrabTaxi bồi thường số tiền trên 41,2 tỷ đồng.
 Hàng trăm tài xế Taxi Vinasun tập trung tại sân TAND TP Hồ Chí Minh vào sáng 17/10.
Các chứng cứ được Vinasun đưa ra để khẳng định GrabTaxi thực hiện trái nội dung các hành vi thương mại mà Đề án 24 cho phép Grabtaxi được làm. Đó là theo Đề án 24 chỉ cho phép GrabTaxi cung cấp phần mềm kết nối hành khách và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ, nhưng GrabTaxi trực tiếp kinh doanh taxi trái phép; GrabTaxi không tuân thủ quy định pháp luật về “kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng” tại điều 7 Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và điều 44, 45 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT.
Ngoài ra, GrabTaxi còn vi phạm các quy định khác trong Đề án 24: triển khai dịch vụ GrabShare, triển khai tại các địa phương ngoài 5 tỉnh, thành phố quy định trong Đề án 24, vi phạm pháp luật về khuyến mại, thuế như tăng giảm giá cước nhiều lần trong ngày, phá vỡ quy hoạch về giao thông đô thị gây thiệt hại không chỉ cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi mà còn xâm hại đến lợi ích Nhà nước, lợi ích xã hội.
“Những vi phạm của GrabTaxi đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Vinasun. Từ khi GrabTaxi kinh doanh vận tải taxi trái phép, lợi nhuận sau thuế của Vinasun giảm nghiêm trọng. Năm 2015, lợi nhuận sau thuế trên 300 tỷ đồng, năm 2016 là 295 tỷ đồng, Đến 2018 trên 8.000 tài xế phải nghỉ việc, tỷ lệ thiệt hại do GrabTaxi gây ra tương ứng trên 39,871 tỷ đồng. Theo kết quả giám định của Công ty CP giám định Cửu Long, thiệt hại từ tháng 1/2016 đến hết năm 2017 là 54,2% trên tổng số thiệt hại các đầu xe, gây thiệt hại cho Vinasun trên 800 tỷ. Vì vậy Vinasun kiện đòi GrabTaxi bồi thường trên 41 tỷ của năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017”, luật sư Trương Đình Quý, đại diện theo ủy quyền của Vinasun, nói.
Luật sư bị đơn đề nghị đình chỉ vụ kiện!
Tại tòa, đại diện pháp luật của bị đơn là ông Jerry Lim (quốc tịch Singaproe, CEO của Grab tại Việt Nam) do không biết tiếng Việt nên trả lời các câu hỏi của chủ tọa thông qua phiên dịch là ông Đỗ Trung Nguyên, Tiến sĩ Luật.
Ông Jerry Lim cho rằng GrabTaxi có thực hiện đúng Đề án 24 hay không phải có quyết định xử phạt của cơ quan chức năng, cho đến nay các cơ quan chức năng có thẩm quyền chưa có kết luận GrabTaxi sai; GrabTaxi cung cấp phần mềm công nghệ kết nối các HTX vận tải với hành khách; Đề án 24 là đề án mở, cho phép các công ty cung cấp công nghệ kết nối để thực hiện cho một ngành nào đó; và Vinasun cũng là công ty thực hiện công nghệ kết nối theo Đề án 24.
“Liên quan số tiền thiệt hại mà Vinasun cho rằng chúng tôi gây ra, chúng tôi nhấn mạnh Công ty CP giám định Cửu Long được tòa chỉ định giám định thiệt hại. Bản chứng thư giám định của công ty này có nhiều bất cập liên quan phương pháp, cách tính thiệt hại. Trước đây Vinasun đưa ra báo cáo thiệt hại dựa trên giảm lợi nhuận, còn theo Công ty giám định có 2 loại thiệt hại là do không sử dụng được các xe taxi và do thị trường. Chúng tôi nhấn mạnh cần cho phép chúng tôi đặt câu hỏi đối với Công ty CP giám định Cửu Long về kết quả thiệt hại do đơn vị này đưa ra. Chúng tôi khẳng định mình hoàn toàn tuân thủ Đề án 24. Trước khi kết thúc, tôi xin trình bày 4 điềm. Đó là: Thông số dữ liệu, từ khi vào thị trường Việt Nam đã tạo công ăn việc làm cho 170.000 lao động, thu nhập của lái xe Grab cao gấp đôi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam; Chúng tôi sử dụng công nghệ hỗ trợ đến 20% dân số Việt Nam trong ngành nghề kinh doanh của chúng tôi; Với việc cung ứng công nghệ, trong vòng trung bình 2,5 phút đã tìm được xe để di chuyển; Từ khi có công nghệ của chúng tôi thì những tài xế đồng hành chúng tôi đã có 70% có khách (chạy 10 tiếng thì có 7 tiếng có khách)”, ông Jerry Lim, nói trước tòa.
Còn luật sư Ngô Hữu Đức (bảo vệ bị đơn), cho rằng trong phần đối đáp chắc chắn sẽ có những câu hỏi liên quan giám định nhưng người của Công ty CP giám định Cửu Long vắng mặt thì ai sẽ kiểm tra các thuật ngữ trong biên bản giám đinh.
Luật sư Đức cũng cho rằng về tố tụng tòa án không thể phán xét việc Grab kinh doanh vận tải mà chỉ có Chính phủ hoặc Bộ GTVT. Nếu tòa án đưa ra phán quyết sẽ gây ra quan ngại cho những nhà đầu tư, tòa chỉ đưa ra kiến nghị để Quốc hội hoặc các cơ quan quản lý Nhà nước sửa Luật, Nghị định. Lý do phía nguyên đơn đưa ra trong đơn khởi kiện cũng không thuộc thẩm quyền của tòa án. Từ những lý do nêu trên, luật sư Đức đề nghị HĐXX đình chỉ vụ kiện vì tòa án… không có thẩm quyền sửa quyết định hay Nghị định của cơ quan quản lý Nhà nước.
Thẩm quyền thuộc tòa án giải quyết
Trước đề nghị của luật sư bị đơn, sau khi hội ý HĐXX cho rằng việc hoãn tòa là không cần thiết. “Từ thầm quyền giải quyết đến nội dung vụ án liên quan nhiều lĩnh vực. Để điều hành phiên tòa liên quan các đương sự, đối chiếu các quy định pháp luật để từ đó HĐXX ra bản án chính xác thì các luật sư của nguyên đơn lẫn bị đơn khi đưa ra vấn đề gì phải chính xác, rõ ràng. Vì vậy tôi đề nghị các luật sư tranh luận về “thẩm quyền” vụ việc này có phải do tòa án giải quyết hay không? Nếu không phải thẩm quyền của tòa thì cơ quan nào giải quyết? Nếu của Tòa thì tòa cấp nào giải quyết”, chủ tọa Trần Công Toại, yêu cầu.
Trước yêu cầu của vị chủ tọa, đại diện theo pháp luật cũng như các luật sư bảo vệ quyền lợi của Vinasun khẳng định thẩm quyền xử lý thuộc tòa án. “Trong vụ án này, Vinasun kiện đòi bồi thường hợp đồng, không yêu cầu giải quyết liên quan luật cạnh tranh. Luận cứ của luật sư bị đơn khi đề cập thẩm quyền của tòa là nhận thức sai lầm về hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng như bộ máy tổ chức ở Việt Nam. Cơ sở để Vinasun khởi kiện hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Chúng tôi không khiếu nại gì về luật cạnh tranh, chúng tôi chỉ kiện Grab kinh doanh taxi trái phép”, luật sư Trương Đình Quý, đại diện Vinasun, khẳng định.
Dự kiến phiên tòa kéo dài 2 ngày.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần