Vụ “Xét xử nguyên lãnh đạo MHB”: Trả hồ sơ điều tra bổ sung

Bài, ảnh: TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Là phán quyết của HĐXX TAND TP Hồ Chí Minh tại phiên tòa sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) gây thiệt hại trên 457 tỷ đồng.

Ngày 4/7, phiên tòa xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại MHB tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn các bị cáo.
Chủ tịch nói không, Tổng giám đốc nói có chủ trương
Tại tòa khi được Viện KSND hỏi có hay không chủ trương chuyển tiền sang Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHBS)? Ai chủ trương? Trong quá trình mua, bán trái phiếu lời hay lỗ? Bị cáo Huỳnh Nam Dũng (SN 1956, nguyên Chủ tịch HĐQT MHB) cho rằng mình hoàn toàn không có chủ trương. “Toàn bộ nội dung truy tố trong cáo trạng chưa đúng. Về số tiền 400 tỷ đồng mà MHBS phát hành trái phiếu để bán cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) hoàn toàn không liên quan đến tôi. Khi MHBS có chủ trương bán trái phiếu thì HĐQT có nghị quyết. Lúc đó tôi cũng là Chủ tịch HĐQT của MHBS, việc mua bán do bà Lữ Thị Thanh Bình (nguyên Tổng Giám đốc MHBS) và ông Nguyễn Phước Hòa quyết định. HĐQT của MHB không có bất cứ văn bản nào cũng như tôi hoàn toàn không có chủ trương phát hành trái phiếu giá 400 tỷ đồng bán cho ACB”.
Cũng theo bị cáo Huỳnh Nam Dũng, theo báo cáo của MHBS vào năm 2007 hoạt động có lãi, năm 2008 lỗ, năm 2009 có lãi. Từ năm 2010 trở đi luôn bị lỗ. Trong tổng vốn điều lệ của MHBS thì MHB chủ sở hữu 60% (102 tỷ đồng). Công ty MHBS là công ty con, theo điều lệ hoạt động được ghi rõ trong quy chế thì người trực tiếp điều hành và ra quyết định cao nhất là Tổng Giám đốc. Bị cáo với vai trò Chủ tịch HĐQT chỉ họp.
Các bị cáo tại phiên tòa sáng 4/7.
Tuy nhiên bị cáo Nguyễn Phước Hòa (SN 1956, nguyên Tổng Giám đốc MHB) khẳng định chủ trương cho phép MHBS phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu xuất phát từ ngày 4/2/2010, được bị cáo Huỳnh Nam Dũng (Chủ tịch HĐQT) yêu cầu các thành viên của MHBS họp. Lúc đó vốn của MHBS chỉ có 170 tỷ đồng thì làm sao dám phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu để bán?
“Chiều ngày 2/4/2010, Chủ tịch HĐQT của MHB họp chỉ đạo MHB phải gửi tiền vào ACB 400 tỷ đồng để MHBS phát hành trái phiếu. Sau khi có chủ trương chuyển 400 tỷ cho ACB để mua trái phiếu MHBS thì ngày 20/4/2010 phát hành. Đến khi vụ án Huỳnh Thị Huyền Như xảy ra, Chủ tịch HĐQT MHB chỉ đạo phải mua lại trái phiếu mà chính MHBS đã bán cho ACB vì sợ liên quan. Tuy nhiên lúc đó lại không có tiền để mua lại. Việc mua lại không họp Hội đồng ALCO, lúc đó anh Nguyễn Hữu Dũng biết việc này. Còn bên MHBS ai chỉ đạo tôi không biết vì MHB và MHBS là 2 pháp nhân hoàn toàn độc lập”, bị cáo Phước Hòa, khẳng định.
Lỗ nhưng phải báo lãi “ảo” để tiếp tục… lỗ!
Về việc có lãi thật hay không trong hoạt động mua, bán chứng khoán, khi được đại diện Viện KSND hỏi, bị cáo Lữ Thị Thanh Bình (SN 1971, nguyên Tổng Giám đốc MHBS), trả lời: “Theo báo cáo tài chính năm 2007 là lãi thật do tự doanh. Năm 2008 thị trường sôi động nên bị lỗ, đến năm 2009 lỗ thực nên ông huỳnh Nam Dũng chỉ đạo năm 2010 phải phát hành trái phiếu Chính phủ và chỉ đạo MHBS bằng mọi cách tạo nguồn lãi ảo cho năm 2009 để cơ quan quản lý đánh giá đủ năng lực. Vì thế MHBS mượn Công ty Đại Phong Nguyên mua trái phiếu để làm động tác lãi ảo. Trong suốt thời gian thành lập MHBS đến khi sát nhập vào BIDV, ông Huỳnh Nam Dũng chưa bao giờ họp HĐQT của MHBS”.
Cũng theo bị cáo Bình, năm 2010 phát hành và bán trái phiếu cho ACB 400 tỷ đồng, bị cáo Huỳnh Nam Dũng chỉ đạo liên hệ ông Nguyễn Hữu Dũng. Từ chỉ đạo này bị cáo chỉ đạo cho bị cáo Trương Thanh Liêm liên hệ. Việc ai đàm phán, ai soạn thảo hợp đồng với ACB bị cáo không biết, bị cáo chỉ ký hợp đồng. Còn chủ trương mua lại trái phiếu đã bán cho ACB do bị cáo Nam Dũng chỉ đạo phải mua lại bằng mọi giá.
Còn bị cáo Trần Mỹ Linh (nguyên Kế toán trưởng MHBS), khai: “Tháng 1/2011, bị cáo được biệt phái sang MHBS với chức danh kế toán trưởng, có nhiệm vụ theo dõi hạch toán, tài chính. Lúc đó bị cáo chưa hình dung được kế toán trưởng là gì vì chưa bao giờ làm kế toán, nên phải làm theo sự chỉ đạo. Lúc đó anh Đặng Văn Hòa (Phó Tổng Giám đốc MHBS) chỉ đạo phải báo cáo ngày qua email. Bị cáo có gửi thêm cho anh Nguyễn Phước Hòa biết. Sau anh Huỳnh Nam Dũng yêu cầu không gửi cho ai khác nên bị cáo phải gửi riêng cho từng người để biết. Lúc đó bị cáo đã phát hiện lỗ lũy kế 55 tỷ đồng”.
 
Ngoài việc không biết làm kế toán trưởng là như thế nào, bị cáo Linh còn khai trước tòa là… không có nghiệp vụ về chứng khoán cũng như tài chính nên mỗi năm báo cáo tài chính phải nhờ người khác. Cuối năm 2011 MHBS còn nợ Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) khoảng 200 tỷ đồng, nhưng không biết ai chỉ đạo sau đó có hợp đồng mua bán trái phiếu với Ngân hàng TMCP Đại Á 200 tỷ đồng. Khi tiền về MHBS, Sở Giao dịch của MHB chỉ đạo rút tiền. Đến năm 2012 vẫn còn nợ 410 tỷ đồng.
Biết sai nên phải… thủ báo cáo
Bị cáo Nguyễn Phước Hòa còn khai trước tòa biết việc của bị cáo là thiếu trách nhiệm vì Chủ tịch HĐQT chỉ đạo mà không làm là không được. “Ông Huỳnh Nam Dũng đã quyết cái gì thì phải làm cái đó. Tôi biết là sai nên phải “thủ” và không dám cãi. Lúc đó anh Bùi Sĩ Hiếu làm giám đốc Sở giao dịch MHB, trong danh sách có tên anh Hiếu nhưng chưa bao giờ anh này được mời Chủ tịch HĐQT mời họp”, bị cáo Phước Hòa khẳng định.
Còn bị cáo Bùi Sĩ Hiếu trả lời thẩm vấn của HĐXX về số tiền 350 tỷ đồng là nhận yêu cầu chuyển tiền từ bị cáo Bùi Hồng Minh sang MHBS để chờ mua trái phiếu Chính phủ. Sau đó làm tờ trình và được bị cáo Nguyễn Phước Hòa đồng ý bằng văn bản. “Qua sự việc này bị cáo thấy mình làm tròn trách nhiệm, ngay sau khi nhận cáo trạng, bị cáo đã có đơn khiếu nại vì việc mua trái phiếu tại ACB và trái phiếu Chính phủ diễn ra trước khi bị cáo về làm Giám đốc Sở giao dịch MHB”, bị cáo Hiếu trình bày.
Đối với việc kiểm tra tài chính vào năm 2010 và 2011 tại MHBS các bị cáo có biết nội dung và có nhận được kết luận thanh tra không? Bị cáo Phước Hòa và Thanh Bình đều khẳng định chỉ được nghe đọc, không nhận được. Chỉ đến khi khởi tố vụ án, Cơ quan CSĐT vào cuộc thì mới tìm thấy các kết luận thanh tra tài chính do 2 đoàn của MHB lập ra. Về kết luận thanh tra tài chính tại MHBS, bị cáo Nguyễn Phước Hòa, khai: “Năm 2010 dư luận MHB có nhiều ý kiến MHBS thua lỗ và có nhiều đơn tố cáo gửi Ngân hàng Nhà nước. Trước tình hình đó Chủ tịch HĐQT MHB hai lần triệu tập toàn bộ cán bộ MHB sang kiểm tra MHBS. Lần 1 vào năm 2010, sau khi có báo cáo đoàn gửi cho ông Huỳnh Nam Dũng và chỉ có ông Dũng biết,. Báo cáo mang tính chất cảnh báo hoạt động của MHBS, xác định lỗ khoảng 300 tỷ đồng. Tôi chỉ được mời để tham gia, được nghe báo cáo và được đọc. Sau đó ông Dũng yêu cầu trả lại báo cáo đó nhưng tôi sợ nên… cất lại một bản. Lần kiểm tra thứ 2 chỉ mang tính chất cảnh báo chứ không giải quyết hậu quả của MHBS vì 2 đơn vị hoàn toàn độc lập. Kết quả kiểm tra lần 2 giống như lần 1 và tôi chỉ được nghe chứ không có tài liệu. Thực chất của việc phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu bán cho ACB là gửi tiền sang ACB với lãi suất 11%/năm, thời hạn 3 năm”.
Trước quá nhiều thông tin do các bị cáo khai trước tòa, HĐXX cho rằng vụ án còn quá nhiều vấn đề chưa được làm rõ, nhiều lời khai của các bị cáo còn mâu thuẫn. Vì vậy HĐXX tuyên trả hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra bổ sung.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần