Vừa hết lo về bão số 4, các địa phương lại khốn đốn vì nước lũ

Trương Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bão số 4 suy yếu nhanh chóng đã không gây thiệt hại đáng kể khi đổ bộ vào đất liền. Tuy nhiên, mưa lớn liên tục do ảnh hưởng hoàn lưu bão đang khiến các địa phương khốn đốn.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 nên trong 3 ngày vừa qua (từ ngày 16/8 đến 1h ngày 18/8) ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, một số nơi lớn hơn như Km46 (Sơn La) 333 mm, Bản Chiềng (Hòa Bình) 335mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 225mm, Lạng Sơn 219mm, Mường Lát (Thanh Hóa) 232mm, Quỳnh Lưu (Nghệ An) 307mm, Quỳ Hợp (Nghệ An) 280mm, Nghĩa Khánh (Nghệ An) 273mm...
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 4 nên trong ngày hôm nay (18/8) ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc và vùng núi Thanh Hóa - Nghệ An tiếp tục có mưa vừa, mưa to, riêng Sơn La, Hòa Bình, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong đêm nay 18/8, mưa vừa đến mưa to còn tập trung ở các tỉnh Tây Bắc Bắc Bộ (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La). Từ ngày 19/8 mưa lớn ở vùng núi Bắc Bộ có xu hướng giảm dần.
Thanh Hóa: Nhiều xã bị cô lập do nước lũ
Vào rạng sáng 17/8, bão số 4 đã đổ bộ vào Thanh Hóa, với tâm bão ở khu vực Sầm Sơn - Tĩnh Gia. Do bị suy yếu nhanh chóng, nên bão không gây ảnh hưởng đáng kể đến các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, mưa lớn đang khiến nhiều xã bị chia cắt, nhiều tuyến đường giao thông hư hỏng...

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, từ ngày 17 - 19/8, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa đặc biệt to, trung bình cả đợt ở nhiều nơi lên tới 400 - 500 mm. Cộng với lượng nước lớn từ thượng nguồn đổ về nên từ sáng 17/8, mực nước các sông bắt đầu lên nhanh.

Tại huyện Lang Chánh, trong ngày 17/8 xuất hiện nhiều điểm bị chia cắt bởi nước lũ, như: Quốc lộ 15A tại xã Đồng Lương, gây chia cắt giao thông từ thị trấn Lang Chánh đi huyện Bá Thước và ngược lại; tràn suối Mòng trên tuyến đường tỉnh 530B, xã Tân Phúc cũng bị ngập sâu khiến giao thông bị chia cắt. Tuyến đường tỉnh 530B từ thị trấn Lang Chánh đi xã Yên Khương cũng bị sạt lở nhiều điểm.
 Đập tràn qua suối Mòng, huyện Lang Chánh bị ngập lụt gây chia cắt giao thông. Ảnh: Báo Thanh Hóa.

Tại huyện Thường Xuân, xã Luận Khê đang bị cô lập hoàn toàn do nước dâng cao tại tràn Cửa Dụ và tràn Ná Nhà. Ngoài ra tuyến quốc lộ 47 đoạn qua thôn Dưn, xã Bát Mọt bị sạt lở kéo dài khoảng 20 m gây tắc giao thông.

Trong khi đó, mưa lũ đã gây ra 17 điểm sạt lở tại địa bàn 3 xã Pù Nhi, Trung Lý, Nhi Sơn thuộc huyện Mường Lát. Hầu hết các điểm sạt lở chủ yếu nằm dọc tuyến Quốc lộ 15C từ Trung Lý đi thị trấn Mường Lát. Các điểm sạt lở gây chia cắt giao thông là tại bản Kéo Hượn (Nhi Sơn) và bản Táo (Trung Lý). Ngoài ra, còn nhiều điểm sạt lở khác chỉ các phương tiện xe mô tô, xe đạp lưu thông qua được, nhiều xe ô tô vẫn phải nằm chờ.

Còn theo báo cáo của huyện Quan Sơn, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 trên địa bàn huyện có mưa to và rất to đã làm cô lập hoàn toàn các bản Sủa, Na Phường, Xa Mang (xã Sơn Điện); bản Thủy Thành, Thủy Sơn (xã Sơn Thủy); bản Lầm (xã Trung Tiến); bản Sa Ná đi bản Son; bản Ché Lầu, Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Na Mèo); huyện cũng đã sơ tán, di dời 44 hộ, với 188 nhân khẩu, đến nơi an toàn. Mưa bão cũng làm sạt lở 1.900 m3 đất quốc lộ 16 tại bản Chanh, xã Sơn Thủy; một phần cầu tràn ở bản Hạ, xã Sơn Hà bị lũ cuốn trôi, chia cắt các bản Nà Ơi, Nà Sắng. Ngoài ra, tại Km58 Quốc lộ 217 xã Sơn Điện xuất hiện một vết nứt rộng 2m, với chiều dài 20m, có nguy cơ sạt trượt.

Còn tại các huyện Thọ Xuân, Bá Thước, tình trạng ngập úng đang đe dọa nghiêm trọng đời sống người dân. Huyện Thọ Xuân đã phải sơ tán 217 hộ dân ở vùng bãi sông Chu đến nơi an toàn. Trước tình hình mưa phía thượng nguồn đang diễn ra, lưu lượng nước của Thủy điện Hủa Na (Nghệ An) tiếp tục xả khả năng mực nước trên sông Chu sẽ vượt trên báo động 2, khi đó, trên địa bàn huyện Thọ Xuân có khoảng 3.000 hộ dân bị ngập lụt.
 Mưa lớn gây sạt lở, chia cắt giao thông tại quốc lộ 15C, qua xã Trung Lý, huyện Mường Lát. Ảnh: Báo Thanh Hóa.

Nghệ An: Huyện Kỳ Sơn ngập sâu trong lũ

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, từ đêm 16/8, nhiều địa phương ở miền Tây Nghệ An đã bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lớn. Mực nước các khe, suối dâng cao, gây ngập lụt nhiều nơi, đặc biệt nhiều tuyến đường bị chia cắt, khu dân cư bị cô lập.

Theo báo cáo nhanh của 13/21 huyện: Kỳ Sơn; Tương Dương; Con Cuông; Anh Sơn; Quế Phong; Quỳ Châu; Quỳ Hợp; Nghĩa Đàn; TX Thái Hòa; Tân Kỳ; TX Hoàng Mai; Quỳnh Lưu; Diễn Châu, tính đến 17h ngày 17/8 mưa lớn, nước lũ dâng cao gây sập 17 ngôi nhà; trong đó 15 nhà ở huyện Kỳ Sơn, 1 nhà ở huyện Tương Dương và 1 nhà ở huyện Quỳ Châu; 1.184 nhà ở Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Tương Dương, Quỳ Châu và TX Thái Hòa bị ngập.

198 hộ dân ở các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp và Quỳ Châu phải di dời do bị sạt lở và ngập sâu. 17.277 m đường giao thông địa phương bị sạt lở, 7 cái cầu tạm bị cuốn trôi, 13 cầu bị ngập. 1.400 m đê ngăn mặn bị xói lở, trên 14 nghìn m kênh bị hư hỏng, sạt lở; 10 cống bị hư hỏng, sạt lở. 17 cột điện bị đổ gãy, 600m dây điện bị đứt và 1 trạm điện bị hư hỏng. Bên cạnh đó là hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng.

Tại huyện Kỳ Sơn, mưa lớn khiến thị trấn Mường Xén và nhiều xã khác bị ngập sâu vì nước sông Nậm Mộ lên cao. Nước lũ đã cuốn trôi và làm tử vong 5 người trên địa bàn huyện. Hiện các ngành chức năng đang khẩn trương di dời, hỗ trợ người dân chuyển đồ đạc tới những nơi an toàn.
 Ngập lụt nghiêm trọng tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Báo Nghệ An.
Sơn La: 2 người chết và mất tích

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4, từ ngày 16/8 đến 16h30 ngày 17/8, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to gây ra sạt lở, ngập úng và lũ ở nhiều nơi.

Mưa lũ đã cuốn trôi và làm chết 1 phụ nữ ở huyện Vân Hồ, và 1 người mất tích ở huyện Mường La. Mưa lũ làm sập đổ hoàn toàn 1 nhà và 2 nhà bị ảnh hưởng ở huyện Thuận Châu; gây ngập úng, vùi lấp, cuốn trôi gần 10.000 m2 ruộng lúa mùa và 400 m2 ao cá ở bản Tây Tà Lào, xã Tân Xuân (Vân Hồ) và gần 130 ha lúa mùa ở huyện Thuận Châu bị gập úng, cuốn trôi; làm nghiêng trụ cầu treo ở bản Liềng, xã Púng Bánh (Sốp Cộp).

Mưa lớn còn gây sạt lở, ngập lụt và ách tắc giao thông 28 điểm trên các tuyến Quốc lộ 37, 43, 4G và các tuyến đường tỉnh gồm: 114, 112, 108, 109, 110, 112.

Tại huyện Bắc Yên, mưa to kéo dài gây sạt lở hàng nghìn m3 đất, đá tại Km 406+680 (quốc lộ 37) thuộc địa bàn xã Phiêng Ban, đã làm tắc đường nhiều lần. Tại huyện Mộc Châu, mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất tại nhiều điểm trên quốc lộ 6 đoạn qua xã Chiềng Hắc và quốc lộ 43 đoạn qua các xã Nà Mường, Quy Hướng. Hiện các địa phương đang nhanh chóng di dời người dân trong diện có nguy cơ sạt lở và chỉ đạo các cấp, các ngành thống kê thiệt hại, huy động các phương tiện và lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
 Huy động máy móc khắc phục sạt lở đất trên quốc lộ 37, huyện Bắc Yên. Ảnh: Đình Thành/báo Sơn La.

Hòa Bình: Nhiều tuyến đường sạt lở nghiêm trọng

Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, trên địa bàn huyện Đà Bắc đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Nước lũ đổ về tràn qua các ngầm khiến người dân không thể lưu thông. Ngoài ra trên tuyến đường 433 từ huyện đi các xã vùng cao nhiều đoạn bị sạt lở.

Cụ thể: Đường tỉnh lộ 433 từ thành phố Hòa Bình đi xã Đồng Nghê hiện chỉ thông tuyến đến xã Tân Minh. Tại các ngầm giao thông như: ngầm Mít, ngầm Yên, xã Tân Minh; ngầm Chàm, ngầm Phổn, ngầm Náy, xã Tân Pheo; ngầm xã Mường Chiềng hiện nước lũ lớn ô tô không thể qua được.

Tại Km70, ngầm Dượn, xã Suối Nánh bị sạt lở đất, hiện chỉ xe máy qua được. Ở các tuyến đường liên xã từ Yên Hòa đi xã Đồng Ruộng, tại vị trí cửa Suối Chông mới được khắc phục tạm thời hiện đã bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, tắc cục bộ người dân không thể lưu thông được. Đường liên xã Mường Tuổng tại km 6+300 mới được san gạt lại tiếp tục bị sạt lở, tắc cục bộ. Tại các tuyến đường liên xóm: Đường xóm Mọc đi xóm Nghê; đường xóm Đăm đi xóm Lài, xã Đồng Nghê sạt lở, xói mòn, nhiều điểm nước chảy tạo thành rãnh sâu trên bề mặt đường, tắc cục bộ; đường Ủy ban xã Tiền Phong đi xóm Phiếu sạt lở, đi lại khó khăn.

Do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều công trình hồ, đập, hệ thống kênh mương, bai bị hư hỏng nặng do thiên tai từ tháng 7 hiện mới được người dân khắc phục tạm thời tiếp tục bị hư hỏng; như Hồ Nà Rồng, thị trấn Đà Bắc; Hồ Cháu xã Tu Lý, nước hiện đang ở mức cao, nguy cơ tràn nếu tiếp tục có mưa lớn. Hiện, các hồ chứa đang được Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra và sẵn sàng các phương án ứng phó khi có sự cố xảy ra.