Vựa quất cảnh lao đao vì dịch

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mới bùng phát trở lại, việc tiêu thụ quất cảnh tại xã Tàm Xá (huyện Đông Anh) trở nên khó khăn hơn. Thu nhập của nhiều nông hộ dự kiến sẽ giảm trong vụ Tết năm nay.

Chị Nguyễn Thị Toan bên vườn quất vắng người ghé thăm của gia đình.
Giao thương trầm lắng
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, tuy nhiên, hoạt động mua bán tại vựa quất lớn nhất của Hà Nội ở xã Tàm Xá lại khá trầm lắng. Nhiều nhà vườn cả ngày không có khách đến hỏi mua.

Chị Nguyễn Thị Toan, một chủ nhà vườn quất ở thôn Đoài cho biết, gia đình đầu tư trồng 400 gốc quất để chuẩn bị cho vụ Tết Tân Sửu 2021. Những ngày qua, lượng khách tới xem quất cảnh giảm đáng kể. “Nhiều mối hàng truyền thống của những năm trước cũng rất dè dặt trong việc thu mua do lo ngại ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tiêu thụ” - chị Toan cho hay.

Không chỉ vậy, nhiều chủ nhà vườn ở xã Tàm Xá đã nhận được những cuộc điện thoại báo hủy đơn hàng từ trước. Chị Lê Thị Thảo, chủ nhà vườn với hơn 100 gốc quất cảnh ở thôn Đông cho hay, một số đơn hàng đặt trước đã bị khách hàng hủy bỏ. Tuy nhiên, do đôi bên chỉ thỏa thuận bằng miệng nên chủ nhà vườn cũng đành… cam chịu!

Ghi nhận cho thấy, so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát diện rộng như hiện nay, khách mua lẻ ghé thăm vựa quất ven sông Hồng thưa thớt hơn khá nhiều, nhất là tiểu thương từ các tỉnh, TP lân cận. Nguyên nhân là do người dân hạn chế việc đi lại để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.

Doanh thu dự kiến sẽ giảm

Cùng với nỗi lo tiêu thụ, nhiều chủ vườn quất cho biết, giá quất cảnh cũng đang có xu hướng giảm. Thực tế, từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, giá quất cảnh đã giảm so với vụ Tết những năm gần đây. Tuy nhiên, thời điểm cận Tết Tân Sửu 2021, khi dịch bệnh lây lan diện rộng và trở nên phức tạp, giá quất cảnh còn giảm nhiều hơn, từ 10 - 20%.

Trước diễn biến của dịch Covid-19, bà con nông dân xã Tàm Xá đã điều chỉnh giá quất cảnh về mức phù hợp hơn nhằm kích cầu tiêu dùng. “Nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, dự kiến giá quất còn có thể giảm sâu hơn. Vụ Tết năm nay nhiều hộ sẽ bị thất thu…” - ông Hoàng Viết Thính, một chủ vườn quất ở xã Tàm Xá buồn thiu nói.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tàm Xá Lê Thị Thanh cho biết, toàn xã hiện có 218ha đất canh tác nông nghiệp. Đến nay, diện tích được chuyển đổi sang trồng quất cảnh chiếm khoảng 85ha. Gần 80% hộ dân ở xã Tàm Xá tham gia vào chuỗi giá trị và được hưởng lợi về kinh tế từ cây quất. Theo bà Thanh, hơn 20 năm kể từ khi cây quất được đưa về trồng trên mảnh đất ven sông Hồng, chưa bao giờ người dân xã Tàm Xá trải qua tình cảnh như vụ Tết năm nay. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng kép đến việc tiêu thụ cũng như giá cả của quất cảnh. Thu nhập từ vụ Tết năm nay của người dân chắc chắn sẽ bị sụt giảm.

Là vựa quất lớn nhất của Hà Nội, quất Tàm Xá đã được cấp nhãn hiệu tập thể. Vừa qua, nghề trồng quất nơi đây cũng được UBND TP công nhận là làng nghề. Nhưng chưa kịp vui mừng với điều đó, người dân lại thấp thỏm với nỗi lo từ dịch Covid-19. Có lẽ bởi vậy mà nhiều bà con nông dân xã Tàm Xá đều có chung mong muốn là dịch bệnh sớm được khống chế, để việc buôn bán trở lại bình thường, để quất cảnh có mặt trong mỗi gia đình vào dịp Tết Tân Sửu này.