''Vua thép'' Tân Sửu tiếp tục lập kỷ lục mới

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi năm 2020 là "năm đại hạn" của nhiều doanh nhân vì dịch bệnh Covid-19, thiên tai, bão lũ thì với thì với "vua thép" Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, đây lại là thời điểm vị tỷ phú tuổi Sửu thăng hoa trong sự nghiệp và liên tục lập phá các kỷ lục của chính mình.

Định vị thương hiệu tại các thị trường lớn trên thế giới
Mới đây, Hòa Phát tiếp tục được Forbes Việt Nam vinh danh, đứng ở vị trí thứ 14 trong danh sách, tăng 4 bậc so với năm 2019. Giá trị thương hiệu của Hòa Phát đã tăng từ 128,9 triệu USD năm 2019 lên 134,4 triệu USD năm 2020. Đáng chú ý so với danh sách lần đầu tiên Forbes công bố năm 2016, sau 5 năm, giá trị thương hiệu của Hòa Phát đã tăng hơn gấp 2 lần.

Nếu xét theo lĩnh vực, Hòa Phát dẫn đầu ngành vật liệu xây dựng, bỏ xa DN đứng thứ hai của bảng xếp hạng trong lĩnh vực này với giá trị gấp 6,7 lần. Thương hiệu Hòa Phát giữ vững vị trí dẫn đầu lĩnh vực vật liệu xây dựng qua suốt các kỳ xếp hạng, đặc biệt thăng hạng trong danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu với giá trị không ngừng tăng trưởng qua các năm. Bên cạnh tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường nội địa nhờ chính sách đẩy mạnh đầu tư công, Hòa Phát cũng ghi nhận sản lượng xuất khẩu tăng mạnh. Sản lượng xuất khẩu thép xây dựng của công ty tăng 95% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2020, lên 370.000 tấn. Điều này chủ yếu nhờ cảng nước sâu tại tổ hợp Dung Quất đi vào hoạt động từ nửa sau năm 2017, nhờ đó giảm chi phí vận chuyển của Hòa Phát.
 Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát
Đáng chú ý, theo Hòa Phát, khoảng 70% sản lượng tiêu thụ phôi thép của công ty được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Điều này cho thấy Hòa Phát hiện có thể cạnh tranh trực tiếp với các công ty Trung Quốc nhờ lợi ích kinh tế theo quy mô và quản lý chi phí tốt. Ngoài ra, hiện nay thị trường xuất khẩu thép xây dựng của Hoà Phát bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada, Úc, Campuchia, Lào, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Ghana. Ngoài ra, Tập đoàn Hòa Phát còn xuất khẩu gần 1,6 triệu tấn phôi vuông để sản xuất thép xây dựng.

Bên cạnh mặt hàng thép, sản lượng xuất khẩu của Tôn Hòa Phát cũng tăng rất ấn tượng. Sản lượng xuất khẩu Tôn Hòa Phát từ đầu năm đến nay cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái với các thị trường lớn như Mỹ, Úc, EU, Thái Lan… Hòa Phát không chỉ giữ thị phần số 1 Việt Nam ở các lĩnh vực thép xây dựng, ống thép mà còn chiếm thị phần số 1 về cung cấp bò Úc tại Việt Nam và dẫn đầu thị trường trong sản lượng cung cấp trứng gà khu vực phía Bắc.

Vững vàng trong bảng xếp hạng đại gia

Tính đến ngày 30/12/2020, thị giá cổ phiếu Hoà Phát đang ở mốc 41.150 đồng/cổ phiếu. Nếu so với thời điểm đầu năm, cổ phiếu HPG đã tăng tới 113,8% giá trị. Điều đáng nói, HPG liên tục có mặt trong danh sách những cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh nhiều nhất phiên. Trung bình cả năm 2020, mỗi ngày có tới 12,9 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Cao điểm có ngày có tới hơn 55,6 triệu cổ phiếu HPG được nhà đầu tư trao tay (phiên giao dịch ngày 25/11/2020).
 Sản xuất tôn Hòa Phát tại nhà máy của công ty.
Chính nhờ việc cổ phiếu HPG tăng cao, với việc sở hữu 864 triệu cổ phiếu, đến thời điểm hiện tại ông Trần Đình Long đã vững vàng ở vị trí người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán với tổng giá trị tài sản đạt mốc gần 36 nghìn tỷ đồng (chỉ xếp sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng). So với đầu năm 2020, tài sản của ông Long đã tăng thêm 19,4 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, thời điểm tháng 3/2018, ông Long được tạp chí Forbes công nhận là tỷ phú thế giới với khối tài sản 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, những năm tiếp theo không thấy tên ông trong danh sách tỷ phú. Chỉ đến tháng 5/2020, ông Long đã quay trở lại câu lạc bộ tỷ phú thế giới khi giá trị tài sản chạm mốc 1 tỷ USD cùng với đà phục hồi của cổ phiếu Hòa Phát. Hiện, theo tính toán của Forbes, ông Long đang sở hữu khối tài sản trị giá 2 tỷ USD và xếp thứ 1756 trong danh sách tỷ phú USD trên thế giới.

Ông Trần Đình Long sinh năm Tân Sửu - 1961, tại Hải Dương. Năm 1992, ông bắt đầu con đường kinh doanh khi thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng. Năm 2007, Tập đoàn Hòa Phát chính thức ra đời. Khu liên hợp Gang thép tại Hải Dương của Hòa Phát được xây dựng, mục tiêu trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam.Hiện, hệ sinh thái của Hòa Phát đã mở rộng ra nhiều ngành nghề như nông nghiệp, bất động sản, nội thất, điện lạnh, thương mại…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần