Vực dậy ngành mía đường

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đi vào thực thi đã và đang tác động mạnh mẽ đến ngành mía đường Việt Nam. Hơn bao giờ hết, nông dân và các DN ngành mía đường cần được trợ lực kịp thời từ phía Nhà nước để vượt khó khăn, phát triển bền vững.

Chồng chất khó khăn
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp cho ngành mía đường trong tình hình mới” tổ chức ngày 16/9, nhiều nông dân, DN cho biết, mức thuế suất nhập khẩu đường vào Việt Nam 0% theo cam kết tại Hiệp định ATIGA từ ngày 1/1/2020, cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến cho việc sản xuất kinh doanh và tiêu thụ mía, đường đã chật vật lại càng thêm khó khăn.
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), do tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay đã có 1/3 nhà máy đường đã phải đóng cửa và nhiều DN khác đứng trước nguy cơ phá sản. Nguyên nhân là do không tiêu thụ được sản phẩm nên không có nguồn tiền để trang trải chi phí sản xuất, thanh toán tiền mía cho nông dân cũng như chi trả tiền lương cho người lao động.
 Sản xuất đường tinh luyện tại tỉnh Phú Yên. Ảnh: Việt An
Thêm vào đó, sự cạnh tranh không cân sức giữa đường sản xuất nội địa với đường nhập khẩu từ Thái Lan theo cam kết ATIGA càng khiến ngành đường trong nước lao đao. “Hiện, ngành đường Thái Lan đang được Chính phủ quốc gia này hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau để đẩy mạnh xuất khẩu. Vì vậy, giá đường trong nước không thể cạnh tranh được với đường nhập khẩu từ Thái Lan” - Tổng Thư ký VSSA Nguyễn Văn Lộc phân tích.
Đáng nói, giá đường thấp đã làm cho giá mía tụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu cũng như thu nhập của nông dân. Nhiều DN đã tăng giá thu mua mía lên 800.000 - 850.0000 đồng/tấn nhằm khuyến khích nông dân giữ diện tích mía cho vụ tới. Tuy nhiên, việc tăng giá nguyên liệu kéo theo hệ lụy là chi phí sản xuất tăng cao. Ước tính, giá thành trung bình sản xuất một kg đường trắng của Việt Nam trong niên vụ 2019 - 2020 sẽ tăng thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg so với ước tính từ đầu vụ.
Hộ ông Đào Văn Đường, ở xã Thọ Lâm (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đang canh tác 12ha trồng mía cho hay, sản lượng mía 1ha đạt 60 - 70 tấn chỉ đủ chi phí đầu vào và thậm chí là lỗ. Trong khi đó, ở địa phương đang thiếu hụt lao động làm tại đồng mía dẫn đến chi phí nhân công cao. Điều mà người trồng mía mong mỏi nhất hiện nay là được Nhà nước tạo cơ chế hỗ trợ vốn để vực dậy sản xuất.
Cần giải cứu kịp thời
Theo nhiều chuyên gia, DN, việc Chính phủ, các bộ, ngành triển khai sớm các giải pháp hỗ trợ ngành mía đường là rất cần thiết. “Trước mắt, Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ giá thu mua mía nguyên liệu cho 350.000 hộ dân trồng mía. Cùng với đó là siết chặt điều tra, kiểm soát với mặt hàng đường nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng đường Thái Lan” - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn Lê Văn Tam đề nghị.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho biết, thực hiện các giải pháp để “cứu” ngành mía đường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xem xét, thẩm định theo quy định pháp luật và đã ban hành quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm đường lỏng làm từ ngô nhập khẩu vào Việt Nam. Bộ cũng đang xem xét nội dung hồ sơ để ra quyết định về việc khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan.
Theo Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển NNNT Trần Công Thắng, Bộ NN&PTNT và các địa phương cần xây dựng vùng sản xuất mía đường tập trung, thúc đẩy áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía và quy trình canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành mía ở những vùng có lợi thế. Đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với nhà máy đường để ổn định vùng nguyên liệu.
Cùng với đó, Nhà nước hỗ trợ tín dụng cho đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, giảm công lao động và tăng tỷ lệ thu hoạch, khuyến khích áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý vùng nguyên liệu. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi thuế cho việc nhập khẩu máy móc nông nghiệp để khuyến khích cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng suất.

"Cần chủ động theo dõi, kịp thời tình hình nhập khẩu, giám sát về đường nhập khẩu (chất lượng, xuất xứ), đồng thời nghiên cứu và đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế. Đặc biệt là phải đẩy mạnh các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại đồng bộ, quyết liệt đối với mặt hàng đường." - Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển NNNT Trần Công Thắng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần