Vui Xuân, đón Tết an toàn

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuân đã về trên khắp mọi miền, Tết Nguyên đán Tân Sửu cận kề trước ngõ. Khác hẳn với mọi năm, năm nay, cả nước nói chung cũng như mỗi người dân đón Tết cổ truyền với một tâm trạng rất đặc biệt, bởi dịch bệnh Covid-19 một lần nữa xuất hiện trong cộng đồng đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội. Hơn lúc nào hết, thông điệp về “Tết an toàn” liên tục được đưa ra, như một lời nhắc nhưng cũng là điều mong ước trước mùa Xuân mới.

 Ảnh: Duy Khánh
Thời gian cận Tết dường như trôi nhanh hơn, gấp gáp hơn và tiếp tục chạy đua với thời gian, các cấp, ngành, lực lượng chức năng và mỗi người dân vẫn đang từng giờ, từng phút, quyết tâm để khoanh vùng, khống chế dịch Covid-19 nhanh nhất, hiệu quả nhất. Các thông điệp về việc không hoang mang nhưng cũng không được phép lơ là, chủ quan, tránh để dịch bùng phát và lây lan rộng liên tục được đưa ra. Đại đa số người dân, với trách nhiệm của mình cùng vào cuộc, đặt yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 lên trên hết.

Những kế hoạch đón Tết của mỗi người, mỗi nhà dù trong hay ngoài vùng dịch ít nhiều bị thay đổi, tinh thần “ai đang ở đâu đón Tết tại đó” được hưởng ứng. Không ít người, trong đó có những công nhân, người lao động sau một năm vất vả vẫn sẵn sàng gác lại niềm vui trở về quê sum vầy ngày Tết bên gia đình để tự nguyện ở lại nơi mình đang làm việc, nhằm bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội. Đó là tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng rất đáng hoan nghênh.

Nhịp sống những ngày cận Tết cũng chậm hơn so với mọi năm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ vui Xuân, đón Tết ít đi để tránh tụ tập đông người. Nhưng trong một không khí Tết có phần khác lạ ấy, những tình cảm ấm áp, nghĩa tình trong dịp Tết đến, Xuân về vẫn luôn đủ đầy. Những phần quà Tết đã và đang tiếp tục được các cấp, ngành chuyển đến tay các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn mọi người, mọi nhà đều có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tại Hà Nội, những tình cảm ấm áp đó thể hiện qua nhiều hoạt động tình nghĩa, ấm áp, trách nhiệm yêu thương của các đoàn thể, tổ chức, cá nhân. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay, TP chi hơn 371 tỷ đồng tặng quà các gia đình có công với cách mạng và đối tượng chính sách. Cùng với sự quan tâm của TP, các cơ quan, DN, các tổ chức từ thiện và các tầng lớp Nhân dân đều có những hoạt động thiết thực chăm lo, tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn để Xuân đầm ấm hơn.

Trước diễn biến của dịch, các hoạt động chăm lo cho người lao động cũng thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Trong đó, chiếc vé xe miễn phí vốn để người lao động trở về quê đã được chuyển đổi thành những phần quà chuyển đến người lao động. Như tại Hà Nội, các cấp Công đoàn, đơn vị cũng phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội địa phương tổ chức các hoạt động hỗ trợ, động viên kịp thời những người lao động thuê trọ không về quê đón Tết cùng gia đình, để mọi gia đình công nhân lao động đều có cái Tết đầm ấm, vui vẻ, an toàn.

Đúng như thông điệp đã được Bộ Y tế và Văn phòng WHO tại Việt Nam đưa ra: “Sức khỏe là món quà quý nhất chúng ta có thể dành cho nhau trong dịp Tết này!”, có thể nói rằng, đón không khí đoàn viên ngày Tết, việc tuân thủ các quy định phòng dịch, chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi Covid -19 chính là hành động thiết thực nhất lúc này. Bởi với mỗi hành động đúng, dù nhỏ thôi nhưng chính là cách tốt nhất để giúp chính mình, mọi người và mọi nhà được có cái Tết an vui, an toàn, để đón một mùa Xuân ấm áp và nhiều hy vọng vào năm mới bình an hơn, sung túc hơn.