Vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Đổi thay nhờ những chính sách cho phát triển

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 5 năm thực hiện Kế hoạch số 138/KH-UBND của UBND TP, việc phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thay đổi tích cực diện mạo và chất lượng cuộc sống cho người dân.

Một cụm dân cư phát triển tại xã dân tộc miền núi An Phú huyện Mỹ Đức. Ảnh: Trọng Tùng
Đạt và vượt 11/14 chỉ tiêu
Kế hoạch 138/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020” đặt ra 14 chỉ tiêu. Đến nay sau 5 năm thực hiện, đã có 11/14 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu. 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 12%; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm (đến nay còn 0,96%); đến năm 2018, không còn xã, thôn trong diện đặc biệt khó khăn; Đảng bộ xã hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 71,4% và Chi bộ thôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 79,7%.

Cùng với các chỉ tiêu vượt, có 7 chỉ tiêu TP đạt theo kế hoạch đề ra gồm: 100% đường giao thông đến trụ sở các xã được cứng hóa; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương đạt 85%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế đạt 100%; giảm tỷ lệ sinh còn 0,02%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100% và 8/14 xã vùng dân tộc miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh kết quả đáng khích lệ trên, vẫn còn 3/14 chỉ tiêu chưa đạt theo kế hoạch. Cụ thể là: Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia về giáo dục đạt 74% (chỉ tiêu đề ra đạt từ 80% trở lên); 55% hệ thống thủy lợi, kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp được cứng hóa, đáp ứng nhu cầu tưới 100% diện tích đất nông nghiệp (chỉ tiêu đề ra là trên 60%); các thôn, xã có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng đạt 87%, trong khi chỉ tiêu đề ra là 100%.

Chăm lo sinh kế cho người dân

Theo Kế hoạch số 138/KH-UBND, tổng nguồn lực dự kiến đầu tư cho 225 dự án thành phần là 2.324 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, do suy thoái kinh tế, ngân sách hạn chế, song Hà Nội vẫn ưu tiên bố trí 1.255 tỷ đồng để thực hiện 89 dự án, tập trung cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi.

Trưởng ban Dân tộc TP Nguyễn Tất Vinh cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 138/KH-UBND, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS của Thủ đô tiếp tục được nâng cấp đồng bộ. Khoảng cách về trình độ phát triển giữa khu vực miền núi và đồng bằng ngày một được rút ngắn.

Mặc dù vậy, ông Vinh cũng thẳng thắn nhìn nhận, do nguồn lực của TP hạn chế, chưa đầu tư đủ kinh phí cho các dự án thuộc Kế hoạch số 138/KH-UBND nên một số chỉ tiêu chưa đạt theo kế hoạch đề ra. Trình độ phát triển, nhất là về mức sống của đồng bào vùng dân tộc vẫn còn khoảng cách khá xa so với khu vực đồng bằng, đô thị.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, công tác dân tộc tiếp tục được Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Để đạt được các mục tiêu phát triển vùng dân tộc miền núi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đề nghị Ban Dân tộc TP và các sở ngành, địa phương tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc. Ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Chú trọng mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm tạo sinh kế đa dạng, bền vững cho người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cũng lưu ý các sở, ngành, địa phương cần quan tâm phát triển cụm, điểm du lịch cộng đồng, gắn kết du lịch với phát huy bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường sinh thái. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, phấn đấu tạo ra các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống đồng bào vùng dân tộc miền núi của Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần