Vườn quốc gia Cát Bà, Hải Phòng: Những điều mắt thấy tai nghe!

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Báo Kinh tế & Đô thị phản ánh về việc có hay không việc phá vỡ quy hoạch tại một số điểm du lịch như bãi Cát Dứa, đảo Nam Cát, hòn ba Cát Bằng, Tháp Nghiêng… ngay sau đó PV đã có buổi ghi nhận cùng với lãnh đạo Vườn quốc gia tại các điểm này.

Thực tế cho thấy đa phần các điểm liên kết liên doanh du lịch với Vườn đều được xây dựng từ rất lâu, qua từng năm các đơn vị này có tu sửa nhưng tất cả các điểm du lịch đều được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá.
Khu nhà nghỉ dưỡng kiểu giường tầng tại đảo Tháp Nghiêng
Ông Vũ Đăng Cường – quản lý khu du lịch đảo Tháp Nghiêng cho biết; Tại khu du lịch này lối lên xuống hoặc sát mép biển thì được gia công bằng xi măng để tránh sóng to và bão, còn lại được dựng bằng tre tầm vông và mái lá vọt.
 Nhà gỗ tại đảo Cát dứa
Nếu tính chi phí còn đắt hơn cả xây dựng bằng bê tông. Hơn nữa khu du lịch này nằm ngay sát bờ biển, cũng không có nhiều phòng ngoài một khu nhà hàng và quán ba (diện tích 100m2) và 5 nhà mái lá cho khách lưu trú qua đêm (bên trong là giường tầng) khoảng 300m2. Vì thế hiện trạng vẫn được giữ nguyên và không làm ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh cũng như khu rừng do Vườn quản lý.
 
Ông Trịnh Phúc Mãn – chủ cơ sở bãi Cát Dứa 2 cho biết: Do trước đây từng là người dẫn khách đi tour du lịch nên mới bén duyên đến Cát Bà và nung nấu ý tưởng làm khu du lịch tại nơi này. Là đảo có tên gọi Cát Dứa nên nơi đây hoang sơ lắm, chỉ có dứa dại um tùm, không ước ngọt, không cây lâu năm, nhà được dựng lên từ bãi cát.
Nhà nghỉ tại đảo Cát Dứa 2
Điểm du lịch này được xây dựng từ những năm 2002, qua gần 20 năm chủ cơ sở này cũng không dám làm gì nhiều vì ông Mãn cho rằng do thủ tục pháp lý chưa ổn định. Hết năm này qua năm khác DN cứ trông chờ vào cơ chế để mong có thể đầu tư bài bản hơn nhưng vì thay đổi liên tục nên tạo tâm lý bất an cho DN…
 Khu quán Bar phục vụ khách làm bằng tre tầm vông tại Tháp Nghiêng.
Ông Mãn chỉ mong muốn rằng để thu hút được nhiều khách du lịch hơn nữa thì cần có cơ chế, chính sách ổn định tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, có như vậy Cát Bà mới trở thành điểm nhấn về du lịch và thu hút nhiều khách quốc tế hơn. Đến hiện tại thì bãi Cát Dứa 2 là một trong những điểm du lịch tạo ấn tượng thu hút nhiều khách tham quan nghỉ dưỡng.
 Lối lên được gia cố bằng xi măng
Ông Phạm Văn Thương – Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà cho biết: Trước đây đường đi lối lại còn vô cùng khó khăn, không ai dám làm du lịch tại những bãi hoang sơ vắng vẻ như thế này nên với những người tâm huyết như ông Cường, ông Mãn, chúng tôi phải vận động.
Lối lên tại đảo Nam Cát
Phải thừa nhận rằng do vướng phải cơ chế nên nhiều DN làm du lịch rất e dè, nếu làm sợ phạm luật mà không làm thì không thể thu hút được khách du lịch. Hơn nữa do đề án Vườn trình UBND thành phố Hải Phòng mất rất nhiều năm, đến khi xong lại thấy không phù hợp với thực tế nên phải chỉnh sửa nhiều lần.
 
Trước đây Vườn thuộc quyền quản lý của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhưng sau này đến năm 2017 thì Vườn lại chịu sự quản lý trưc tiếp của UBND TP Hải Phòng. Nói ra như vậy để thấy rằng Vườn không tự ý làm bất cứ việc gì, riêng việc thu chi từ các đơn vị liên doanh liên kết thì đều được hạch toán và báo cáo chi tiết về cho thành phố. Đến cả đơn giá thu phí của khách cũng là do thành phố phê duyệt. Hơn nữa Trung tâm du lịch của Vườn là tự hạch toán nên cần được tạo điều kiện hỗ trợ để du lịch sinh thái phát triển, vừa kiếm thêm thu nhập cho người lao động vừa kết hợp được công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng. Vì du lịch sinh thái cũng là một trong những việc làm quan trọng của Vườn.
 Toàn cảnh tại đảo Cát Dứa 2
Qua thực tế tại các điểm du lịch cho thấy hiện tại chỉ có 3/9 điểm đã liên doanh liên kết với Vườn là đang hoạt động có khách đến lưu trú, còn lại các điểm khác khách ít đến nên hoạt động bị kém hiệu quả. Tất cả các điểm trên đều hoạt động theo quy định của Vườn, không làm phá vỡ kết cấu cảnh quan cũng như làm ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh.

Thiết nghĩ những việc như thế này các cơ quan cần khuyến khích tạo điều kiện cho DN hoạt động, bản thân các DN cũng tự ý thức được điều này. Khi không được sự đồng ý của Vườn thì họ cũng không tự động làm bất cứ điều gì trái với văn bản đã quy định. “ Chỉ mong Cát Bà ngày càng tạo được ấn tượng trong lòng du khách và nhớ về một Cát Bà đẹp, hấp dẫn với các dịch vụ chất lượng – có vậy mới mong khách lưu trú dài ngày…” - ông Mãn chia sẻ./.