Vướng giải phóng mặt bằng dở dang như… “da báo”

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là cách ví von đặc trưng của Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) về các khó khăn cố hữu của công tác giải phóng mặt bằng tồn đọng.

Theo lập luận từ HoREA mới được phát đi, DN khó có sự đồng thuận với tất cả người sử dụng đất trong diện phải di dời. Từ đó kéo theo tình trạng dở dang "da báo" không triển khai dự án được, bị chôn vốn kéo dài, không có quỹ đất để được công nhận chủ đầu tư dự án, và cũng là một nguyên nhân làm sụt giảm các dự án bất động sản, nhất là các dự án nhà ở trung cấp và bình dân hiện nay cũng như trong năm 2019.
 Điểm nghẽn giải phóng mặt bằng chủ yếu vướng ở mức đền bù
Từ thực tế trên, tại Hội nghị Chủ tịch UBND TP gặp gỡ DN bất động sản ngày 7/11, Sở TN & MT thông báo sẽ thực hiện theo quy định tại Khoản 60 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về bổ sung Khoản 3, Khoản 4 vào Điều 99 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ.
 Điều 62 Luật Đất đai quy định Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong đó, có dự án khu đô thị mới, dự án chỉnh trang đô thị, dự án khu dân cư nông thôn, dự án nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội...
Cụ thể, các dự án đã lựa chọn chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư "được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cho phép thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trước ngày 01/07/2014 mà chủ đầu tư chưa thỏa thuận hết được toàn bộ diện tích đất của người sử dụng đất trong phạm vi dự án, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp vào danh mục dự án cần thu hồi đất trình Hội đồng nhân cùng cấp thông qua trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất đối với diện tích đất chưa thỏa thuận được để giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư".
Ở góc độ chuyên môn, HoREA và các DN bất động sản đều thể hiện sự tán đồng với quy định này để tháo gỡ điểm nghẽn giải phóng mặt bằng của các dự án bồi thường "da báo" hiện nay. Trước hết, đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng được từ 80% diện tích trở lên.
HoREA phân tích, để đảm bảo hài hòa lợi ích của người sử dụng đất, chủ đầu tư dự án và lợi ích xã hội, cần có cơ chế hiệp thương, thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người sử dụng đất đảm bảo 02 yêu cầu: Bồi thường thỏa đáng cho người sử dụng đất phù hợp giá thị trường trên cơ sở thỏa thuận bình đẳng; Thực hiện quyền được tái định cư của người sử dụng đất trong khu vực dự án khi hội đủ điều kiện theo quy định pháp luật;
“Cần phát huy vai trò của Tổ chức phát triển quỹ đất (Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở TN&MT thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo lập quỹ đất phục vụ đầu tư phát triển. Sau đó, tổ chức đấu giá đất để lựa chọn nhà đầu tư. Chênh lệch địa tô nộp vào ngân sách Nhà nước phục vụ lợi ích công cộng. Trong khi thực tế, vẫn chưa có cơ chế để thực hiện chủ trương này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất đầu tư phát triển dự án.” – HoREA đề nghị.