Vượt lên số phận, truyền đam mê cho trò

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong buổi tuyên dương giáo viên tiêu biểu Thủ đô mới đây, câu chuyên về cô giáo Vương Thị Thùy, giáo viên trường Tiểu học Viên Sơn (Sơn Tây) nỗ lực vượt khó đã gây xúc động cho nhiều người.

Vậy nhưng trong câu chuyện chân tình, cô Thùy luôn khiêm tốn cho rằng, là giáo viên ai cũng vì học sinh (HS) thân yêu.
Tâm huyết với nghề

Từ nhỏ đã thích học vẽ, nhưng nhà nghèo nên ngoài giờ học trên lớp, Thùy thường tập vẽ bằng que dưới nền đất. Ấp ủ niềm đam mê, Thùy thi đỗ vào trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội. Rồi năm 2005, được điều động về trường Tiểu học Viên Sơn dạy môn Mỹ thuật.

Cô Thùy tâm sự, những ngày đầu dạy học, cô cảm thấy hơi chạnh lòng, vì Mỹ thuật chỉ là môn phụ. Bởi thế, giờ lên lớp, nhiều HS không có vở, cũng chẳng có bút màu, giấy vẽ,... Thời gian đầu, cô trò thực hành tiết kiệm bằng cách vẽ ra bảng con bằng phấn, khi thuần thục cô mới các con giấy và màu để vẽ. "Bản thân tôi cũng còn khó khăn nên chưa giúp được học trò của mình. Thấy các con ít được bố mẹ chăm sóc, phải tự làm mọi việc và tự đến trường; đến giờ học các con không đủ đồ dùng, tôi thương các con vô cùng, nên đã đề xuất nhà trường hỗ trợ mua đồ dùng cho HS và được chấp thuận” – cô Thùy chia sẻ.

Ngoài bài giảng, cô Thùy luôn uốn nắn kỹ năng sống cho học trò. Ảnh: Trung Đức

Nhờ sự hỗ trợ từ nhà trường, đồng nghiệp, trò đã có đồ dùng trong giờ Mỹ thuật, cô Thùy càng thấy mình phải trách nhiệm hơn. Bằng tình yêu nghề, yêu trẻ, cô đã tạo niềm hứng thú học cho trò đối với môn học này. Quá trình dạy học không đơn thuần chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn vun đắp nhân cách, lòng nhân ái cho cả một thế hệ. Tâm niệm vậy, cô Thùy luôn quan tâm, giúp đỡ và uốn nắn kỹ năng sống cho từng HS của mình. “Niềm vui lớn nhất của tôi là tình yêu của học trò dành cho môn học và sự tiến bộ của các em hàng ngày” – cô tâm sự.

Cảm phục sự nỗ lực

Hai vợ chồng cùng là giáo viên Mỹ thuật, cuộc sống không dư dả nhưng cô luôn cảm thấy hạnh phúc với mái ấm gia đình. Cuộc sống tưởng bình yên vậy, thì đột nhiên chồng cô mắc bệnh ung thư, phải nghỉ dạy để điều trị. Cuộc sống của anh gắn với những đợt xạ trị triền miên, lương giáo viên mỗi tháng không đủ một lần xạ trị, 2 vợ chồng phải rao bán căn nhà nhỏ là chốn nương thân của cả gia đình. Nhưng tiền bán nhà cạn dần theo những đợt điều trị dài ngày của chồng khiến cuộc sống rơi vào bế tắc.

Được sự động viên của người thân, đồng nghiệp, đặc biệt là tình yêu nghề giáo, cô Thùy đã nỗ lực vượt qua hoàn cảnh. Vô vừa miệt mài dạy học, vừa làm đủ mọi việc để kiếm sống và để có tiền cho chồng chữa bệnh.

Chia sẻ với chúng tôi, Hiệu trưởng trường Tiểu học Viên Sơn Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, cô Thùy là một giáo viên trẻ nhưng rất chăm chỉ và có nghị lực. “Những điều Thùy làm được cho trường, cho lớp, đặc biệt là nghị lực vươn lên trong cuộc sống luôn khiến chúng tôi cảm phục” - cô Phương chia sẻ.

12 năm trên bục giảng, bằng tình yêu thương, tâm huyết, cô giáo Vương Thị Thùy đã luôn nỗ lực phấn đấu, không ngừng học hỏi để trau dồi bản thân, đổi mới phương pháp dạy học. Điều đó khiến mỗi bài giảng luôn sinh động, sáng tạo và hấp dẫn. Không những thế, cô còn bồi dưỡng, dạy ngoại khóa không thu tiền của HS. Với những nghị lực vượt khó, sáng tạo trong giảng dạy, năm 2017 cô đã được biểu dương và nhận giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo”. Hi vọng, "món quà" này sẽ tiếp thêm hi vọng, nghị lực để cô tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp giáo dục.