Washington muốn dùng vụ Navalny để can thiệp dự án Dòng chảy Phương Bắc 2

Nguyễn Phương (Theo RT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan Tình báo Nga cho rằng Mỹ dùng vụ lãnh đạo đối lập Nga Alexey Navalny “nghi bị đầu độc” để ngăn chặn dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga sang Đức.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga (SVR) Sergey Naryshkin hôm 22/9 cho biết, Mỹ đang nỗ lực dồn mọi sự chú ý của quốc tế về vụ nhân vật đối lập Nga Alexey Navalny “nghi bị đầu độc” nhằm góp phần ngăn chặn việc thực hiện tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 hiện đã hoàn thành được hơn 90% khối lượng.
Ông Naryshkin cho rằng Washington muốn chặn dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 nhằm mục đích ngăn Moscow cung cấp khí đốt cho châu Âu, gia tăng nhu cầu đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ tại khu vực này.
Hiện Nga đang cung cấp phần lớn nguồn khí đốt cho châu Âu.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic, hiện đã hoàn thành hơn 90%, và nếu được hoàn thành Nga sẽ là nguồn cung cấp một số lượng lớn khí đốt cho châu Âu. 
Ông Naryshkin lưu ý thêm rằng việc nhân vật đối lập Navalny nghi bị đầu độc đã trở thành cái cớ để Mỹ can thiệp, ngừng việc xây dựng Dòng chảy Phương Bắc 2 - dự án hợp tác giữa Nga và Đức. “Chấm dứt dự án này là điều cực kỳ quan trọng đối với Washington” - ông Naryshkin nói.
Vào cuối tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức cuộc họp thảo luận về các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan đến vụ ông Navalny cùng với việc ngừng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Hôm 17/9 vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) kêu gọi tất cả các nước thành viên EU từ bỏ việc hoàn thành đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sau vụ thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny “nghi bị đầu độc”.
Tuy nhiên, ông Naryshkin bày tỏ hy vọng rằng bất chấp sức ép từ phía Mỹ, EU sẽ xử lý dự án này một cách hợp lý và không làm tổn hại đến lợi ích chung của các nước thành viên.
Trước đó, ngày 20/8, ông Navalny đã phải nhập viện ở vùng Siberia do nghi bị đầu độc trên chuyến bay từ TP Tomsk đến thủ đô Moscow (Nga). Sau đó 2 ngày, ông Navalny được đưa đến thủ đô Berlin (Đức) để tiếp tục được điều trị.
Sau khi kiểm tra, phía Đức đầu tháng này thông báo rằng ông Navalny đã bị đầu độc bằng một chất thuộc nhóm chất độc thần kinh Novichok có từ thời Liên Xô. Phát biểu về vụ ông Navalny, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng ông hy vọng “Nga không buộc Đức phải thay đổi lập trường của họ đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2”./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần