Wellness Tourism trong cuộc sống hiện đại

TS. BS Tăng Hà Nam Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Wellness Tourism, thuật ngữ nói về trào lưu du lịch mới đang lên, nhằm tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần cho con người thông qua nhiều trải nghiệm kết hợp như tham quan, khám phá cho tới... dưỡng sức, chữa bệnh, gọi chung là Du lịch Wellness.

Hiểu thế nào về Wellness và Wellness Tourism?
Wellness hiểu theo nghĩa từ vựng đơn thuần là tình trạng sức khỏe tinh thần minh mẫn và thể chất tráng kiện (nhất là do ăn uống điều độ và luyện tập đều đặn). Còn theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), wellness là một trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh, thoải mái về thể chất, tinh thần chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh.
Theo nhiều nghiên cứu, căn bệnh phổ biến nhất trên thế giới là trầm cảm, thủ phạm khiến con người lo lắng, mất ăn, mất ngủ, ngại vận động thể chất dẫn đến béo phì và mắc nhiều bệnh nan y khác. Wellness là sự phát triển có ý thức của toàn bộ bản thân, trong đó có sự tham gia vào một tour du lịch wellness. Một quá trình hay công cụ thích hợp để giúp con người luôn trong trạng thái khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
 Ảnh mang tính chất minh họa.
Tùy thuộc hoàn cảnh, có vô số cách để thực hành wellness, nhưng về cơ bản, wellness có tới 6 mặt (thể chất, tinh thần, xã hội, tình cảm, nghề nghiệp và trí tuệ), gồm ít nhất các khái niệm như: Một, Holism (tức con người là một thể thống nhất): Sức khỏe và hạnh phúc là kết quả của sự tương tác liên tục giữa một số mặt tự nhiên nói trên. Hai là cân bằng, cuộc sống liên tục thay đổi nên mọi người tìm cách tự cân bằng;
Ngoài ra, ba là, tự chịu trách nhiệm về sức khỏe và hạnh phúc của bản thân, không cho phép người khác kiểm soát, ý thức rõ hơn về nguyên nhân và hậu quả của hành vi do chính bản thân tạo nên. Bốn, tích cực và chủ động để sống. Nó đòi hỏi mục đích và hành động có chủ ý, bền vững tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân của từng người.
Do chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện nên wellness đang được thể hiện rõ nét trong lĩnh vực ẩm thực, du lịch, đặc biệt là phân khúc du lịch xa xỉ, với sự trỗi dậy của ngành du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe toàn diện (Wellness tourism hay WT), xuất hiện thế hệ Wellness hay thế hệ Millennial (Thiên niên kỷ). Đặc biệt là lớp người trẻ thuộc thế hệ này, những người giàu có trẻ tuổi họ coi Health (sức khỏe) quan trọng hơn Wealth (tiền bạc).
Đây là mô hình du lịch khá mới mẻ vì vậy khó có thể định nghĩa một cách cụ thể. Nó được kết hợp giữa healthy (sức khỏe thể chất) và spiritual (tinh thần), WT mang đến cho du khách những trải nghiệm chăm sóc cả thể chất lẫn cân bằng cảm xúc trong tâm hồn.
Du lịch Wellness vô cùng phong phú và đa dạng, gồm thể dục thể thao; chăm sóc sắc đẹp; chế độ ăn uống lành mạnh và quản lý cân nặng; thư giãn và giảm căng thẳng; yoga; tập thái cực quyền, vẽ tranh, tắm khoáng nóng hay giới thiệu, tuyên truyền cách thực hành liên quan đến sức khỏe...
Thông qua du lịch Wellness, du khách có thể tìm kiếm các phương pháp điều trị bằng các liệu pháp tự nhiên, thay thế, thảo dược hoặc vi lượng đồng căn tại các cơ sở du lịch Wellness cung ứng như khách sạn, bệnh viện hay trung tâm y tế, khu nghỉ dưỡng, spa, tắm suối khoáng nóng, hay du thuyền... Du khách sẽ được thực hành khóa học đặc biệt để tìm kiếm sự cân bằng trong tinh thần.
Du lịch Wellness trên thế giới và ở Việt Nam
Theo báo cáo của Global Wellness Institute (GWI), năm 2017, du lịch wellness đạt giá trị 639 tỷ USD, dự báo sẽ đạt ngưỡng 919 tỷ USD vào năm 2022. Trong 5 năm trở lại đây, châu Á dẫn đầu cả số lượng lẫn doanh thu du lịch wellness. Theo GWI, nếu ngành du lịch wellness duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm sẽ đóng góp 18% tỷ trọng cho ngành du lịch toàn thế giới.
Điều này chứng tỏ, xu hướng du lịch WT không chỉ dành riêng cho giới thượng lưu, mà những người có thu nhập trung bình cũng có nhiều lựa chọn để tham gia.
 
Theo báo cáo mới nhất của GWI mang tên Global Wellness Tourism Economy, du lịch wellness phát triển rầm rộ ở mọi nơi từ Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương, và sẽ phát triển nhanh hơn trong những năm tới, bởi nó nằm ở giao điểm mạnh mẽ của hai ngành công nghiệp lớn đang bùng nổ, ngành du lịch thuần túy 2,6 nghìn tỷ USDF và thị trường chăm sóc sức khỏe trị giá 4,2 nghìn tỷ USD.
Thị trường wellness khiến hầu hết những tên tuổi lớn về du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam hiện đang có nhiều dự án mới được triển khai ngay trong năm 2019 này. Giới chuyên gia đánh giá, việc gia tăng số lượng khách sạn cao cấp góp phần đưa hệ thống khách sạn Việt Nam ngang tầm các nước phát triển du lịch trong khu vực, tạo tiền đề tốt để phát triển loại hình du lịch wellness, sở hữu nguồn khoáng nóng quý hiếm.
Nhiều khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe này là nơi thư giãn và tận hưởng những hoạt động duy trì sức khỏe với các dịch vụ đa dạng như tắm onsen, thiền, yoga, spa trị liệu… dành cho mọi lứa tuổi.
Du lịch wellness: Combo chăm sóc sức khỏe toàn diện
Phải nói ngay rằng du lịch wellness là dịch vụ “combo” kết hợp nhiều mục đích nhằm phục hồi sức khỏe toàn diện, xu hướng mới đang được giới trẻ có kinh tế toàn cầu ưa chuộng. Nếu du lịch chữa bệnh hay du lịch y tế (medical tourism) kết hợp với khám, chữa bệnh bằng cả phẫu thuật lẫn không phẫu thuật, du lịch wellness lại có mục đích thư giãn, hồi phục sức khỏe hơn, như nghỉ ngơi, thư giãn, tăng cường sức khỏe thể chất lần tinh thần.
 
Trang tin Personalhealthnews (PHN) của Canada, trích dẫn kết nghiên cứu của Đại học British Columbia Okanagan (UBCO) cho hay, lối sống hiện đại khiến con người ít vận động, trong khi đó dân số lại đang già đi với tốc độ chóng mặt nên du lịch wellness càng phát huy thế mạnh.
Như trên đã đề cập, sản phẩm của du lịch wellness rất phong phú nên lợi ích cũng rất thiết thực. Ví dụ, nếu tham gia các trải nghiệm như thể dục dưỡng sinh, thiền, yoga, spa, phục hồi sức khỏe..., kết quả sẽ được cải thiện tức thì, thể chất khỏe mạnh, tâm hồn thư thái.
Ví dụ, tắm suối khoáng nóng, cùng một lúc có thể cải thiện được tình trạng nhiều bệnh, nhất là các bệnh mạn tính mà không cần tới thuốc thông qua các liệu pháp như nhiệt trị, thủy trị và khoáng trị liệu. Các liệu pháp này giúp cơ thể nóng lên, giúp máu lưu thông tốt, tăng tính thẩm thấu thành mạch, tăng quá trình trao đổi chất, tăng chuyển hóa. Nhờ đó, rất hiệu quả trong hỗ trợ điều trị các bệnh viêm mạn tính như viêm khớp dạng thấp, bệnh thoái hóa xương khớp, bệnh thần kinh ngoại biên, tăng cường hồi phục ở người yếu cơ, thiếu dinh dưỡng cơ..., tốt cho người bị suy nhược cơ thể do bệnh cấp và mạn tính, giúp ngủ ngon hơn. Riêng khoáng trị liệu giúp tận dụng tối đa các chất chữa được nhiều bệnh do thiếu khoáng chất như thiếu iốt gây bướu cổ, suy chức năng tuyến giáp, gây bệnh tựu miễn, chậm phát triển trí tuệ...
Để thay lời kết, khi nói về lợi ích của du lịch wellness, trong ấn phẩm mang tên The Next Trillion: Why the Wellness Industry Will Exceed the $1 Trillion Healthcare (Sickness) Industry in the Next Ten Years (tạm dịch: Một nghìn tỷ tiếp theo của chăm sóc sức khỏe Wellness trong 10 năm tới), tác giả Paul Zane Pilzer, người Mỹ đã cho chúng ta thấy viễn cảnh của du lịch wellness, phân khúc mới có thị phần chiếm đến 1/10 tổng sản lượng kinh tế của Mỹ.
Mô hình này không chỉ giúp du khách thụ hưởng nghỉ dưỡng, được chăm sóc sức khỏe mà còn trút được stress, nỗi lo âu phiền muộn của cuộc đời, vì vậy không lý gì chúng ta lại không trải nghiệm một vài tour du lịch wellness để chăm lo sức khỏe toàn diện cho chính bản thân và cho những người trong gia đình, phải không các bạn!

Sản phẩm của du lịch wellness rất phong phú nên lợi ích cũng rất thiết thực. Ví dụ, nếu tham gia các trải nghiệm như thể dục dưỡng sinh, thiền, yoga, spa, phục hồi sức khỏe..., kết quả sẽ được cải thiện tức thì, thể chất khỏe mạnh, tâm hồn thư thái.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần