WHO cảnh báo nhiều nước đi “sai đường” trong chống dịch Covid-19, Mỹ lập kỷ lục buồn ngày thứ 6 liên tiếp

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - WHO cảnh báo rằng có quá nhiều nước đang hành động tùy tiện trong đối phó với đại dịch Covid-19, Mỹ tiếp tục ghi nhận hơn 60.000 trường hợp nhiễm mới.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info cập nhật tính đến 10 giờ  ngày 14/7 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 13.236.232 ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 575.540 ca tử vong. Khoảng gần 7.7 triệu bệnh nhân Covid-19 trên thế giới đã phục hồi .
Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai.
Mỹ Latinh tiếp tục là điểm nóng của dịch Covid-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico, Colombia... Brazil hiện cũng là nước có số ca mắc và tử vong vì Covid-19 cao thứ hai thế giới.
Mỹ có thêm một kỷ lục buồn khi ghi nhận ngày có số ca mắc bệnh trên 60.000 ca/ngày thứ 6 liên tiếp.
Mỹ tiếp tục lập kỷ lục về số ca nhiễm Covid-19 mới
Mỹ có thêm một kỷ lục buồn khi ghi nhận ngày có số ca mắc bệnh trên 60.000 ca/ngày thứ 6 liên tiếp.
Theo số liệu của trang thống kê worldometers.info, Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong, với 3.474.173 ca nhiễm và 138.183 ca tử vong. Số ca ở Mỹ đã tăng đột biến trong những tuần gần đây.
Tuy nhiên, bất chấp tình hình dịch diễn biến phức tạp, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn hối thúc các trường mở lại vào mùa Thu tới.
Dịch diễn biến phức tạp ở Mỹ buộc thống đốc một số bang phải tạm hoãn các kế hoạch mở cửa trở lại, thậm chí một số bang còn ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. Liên quan vấn đề này, những ngày qua đã chứng kiến một sự thay đổi của giới chức Nhà Trắng.
Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom ngày 13/7 đã công bố kế hoạch ngừng mở cửa trở lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 khi số ca mắcCovid-19 mới ở bang miền Tây nước Mỹ này đang gia tăng mạnh.
Thống đốc Newsom cho biết bang California sẽ đóng cửa mọi hoạt động trong nhà tại các nhà hàng, nhà máy sản xuất rượu vang, rạp chiếu phim, sở thú và phòng chơi game. Trong khi đó, các quán bar buộc phải đóng cửa tất cả mọi hoạt động.
Trong khi đó, các doanh nghiệp ở ít nhất 30 hạt bị ảnh hưởng nặng nề nhất của bang sẽ bị buộc phải ngừng các hoạt động trong nhà tại các trung tâm thể dục, địa điểm cầu nguyện, các văn phòng không cần thiết, tiệm cắt tóc và các trung tâm thương mại. Quyết định trên sẽ ảnh hưởng tới khoảng 80% dân số sinh sống tại những địa phương này.
Tính tới ngày 12/7, bang California ghi nhận trung bình hơn 8.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới mỗi ngày, cao hơn gấp đôi so với tháng 6. Theo số liệu của nhật báo New York Times, bang California đã ghi nhận tổng cộng 331.626 ca Covid-19, cao thứ hai trên toàn quốc, trong đó có hơn 7.000 người tử vong.
WHO cảnh báo nhiều nước “tùy tiện” trong đối phó với Covid-19
Ngày 13/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng có quá nhiều nước đang hành động tùy tiện trong đối phó với đại dịch Covid-19 đồng nghĩa với khả năng sẽ không thể sớm quay trở lại trạng thái bình thường.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Sau khi ghi nhận kỷ lục 230.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 chỉ trong một ngày được báo cáo hôm 12/7, WHO nói rằng đại dịch sẽ tiếp tục diễn biến tồi tệ hơn trừ trường hợp người dân tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như giãn cách xã hội, rửa tay, đeo khẩu trang và ở nhà nếu bị ốm.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, một số nước nới lỏng lệnh phong tỏa hiện đang phải chứng kiến sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 vì không tuân thủ các phương pháp đã được kiểm chứng nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến, Tổng giám đốc Tedros nhấn mạnh rằng sẽ không có việc quay trở lại trạng thái "bình thường như cũ" trong tương lai gần, có quá nhiều nước đang đi sai hướng.
Theo lãnh đạo WHO, dịch Covid-19 vẫn là kẻ thù chung số 1, nhưng "hành động của nhiều chính phủ và người dân không phản ánh điều đó".
Ông Tedros nhận định nếu chính phủ các nước không thực thi một chiến lược toàn diện nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan và người dân không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản thì dịch bệnh nhiều khả năng sẽ diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn.