WHO: Ít nhất 20 loại vaccine chống Covid-19 đang được nghiên cứu trên toàn cầu

Nguyễn Phương (Theo CNBC, AP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc chạy đua nghiên cứu vaccine chống Covid-19 đạt bước tiến kỷ lục với một số loại vaccine đã được thử nghiệm lâm sàng chỉ sau 8 tuần khi trình tự gien được giải.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biế, đã làm việc với các nhà khoa học trên toàn thế giới về ít nhất 20 loại vaccine ngăn ngừa virus SARS-CoV-2.
Theo quan chức của WHO, hiện đã có một số loại vaccine đã được thử nghiệm lâm sàng trong một thời hạn kỷ lục, chỉ sau 60 ngày khi trình tự gien được giải. “Sự tăng tốc của quá trình này rất đáng ghi nhận, giống như chúng ta đã thực hiện tại dịch SARS, MERS và hiện là Covid-19”, bác sĩ Maria Van Kerkhove - trưởng bộ phận kỹ thuật của WHO phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva hôm 20/3.
Một nhà khoa học người Israel làm việc tại phòng thí nghiệm thuộc Viện nghiên cứu MIGAL ở Kiryat Shmona, vùng Galilee, phía bắc Israel, nơi đang nghiên cứu và phát triển vaccine ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, WHO cảnh báo vaccine cần có nhiều thời gian để có thể sử dụng rộng rãi. Các nhà khoa học đầu ngành nói rằng, việc thử nghiệm lâm sàng và chứng nhận an toàn sẽ khiến vaccine phòng ngừa dịch Covid-19 có thể cần 18 tháng để được đưa ra thị trường.
Theo bác sĩ Mike Ryan - Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, việc thử nghiệm vaccine là cần thiết. “Có một điều còn nguy hiểm hơn virus là một vaccine tồi. Chúng tôi sẽ phải rất rất cẩn trọng trong việc phát triển một sản phẩm mà sẽ được dùng cho tất cả mọi người trên toàn thế giới. Việc thử nghiệm vaccine lần đầu trên người tại Mỹ trong tuần này là một tốc độ không tưởng”, ông Ryan lưu ý thêm.
“Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tiếp cận với các nhà lãnh đạo toàn cầu về những vấn đề này”, ông Ryan cho hay.
Tại Mỹ, Viện Y tế Quốc gia đã hợp tác với công ty công nghệ sinh học Moderna để nghiên cứu và phát triển một loại vaccine ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19.
Theo một quan chức của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên người loại vaccine chống virus SARS-CoV-2 đã được thực hiện từ ngày 16/3 (giờ địa phương).
Quan chức này cho hay việc thử nghiệm đang diễn ra tại Viện Nghiên cứu Y tế Kaiser Permanente Washington ở Seattle. 45 tình nguyện viên trẻ tuổi và khỏe mạnh sẽ được tiêm các liều khác nhau của một loại vaccine chống Covid-19 được Viện NIH và Moderna phát triển.
Hiện hàng chục nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đang chạy đua để tạo ra vaccine hiệu quả khi số ca mắc Covid-19 không ngừng gia tăng khắp các châu lục.
Việc áp dụng công nghệ mới phát triển vaccine không chỉ giúp sản xuất nhanh hơn so với công nghệ truyền thống, mà còn cho ra đời các loại vaccine mạnh hơn trước. Một số nhà nghiên cứu thậm chí còn nhắm đến các loại vaccine tạm thời, chẳng hạn như các mũi tiêm có thể bảo vệ sức khỏe con người một hoặc hai tháng một lần, cùng với việc phát triển các loại vaccine có khả năng bảo vệ sức khỏe lâu dài.
CureVac, một công ty dược phẩm tư nhân có trụ sở tại Tuebingen, Đức hy vọng có một loại vaccine chống Covid-19 thử nghiệm sẵn sàng vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay, sau đó sẽ tiến hành thử nghiệm trên người khi nhận được cho phép của cơ quan chức năng.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia của NIH, cho biết ngay cả khi các xét nghiệm an toàn ban đầu diễn ra tốt đẹp, thì vẫn phải mất từ một năm đến 18 tháng để bất kỳ một loại vaccine nào được đưa vào sử dụng rộng rãi.
Hiện chưa có một phương pháp điều trị hiệu quả nào được chứng minh. Ở Trung Quốc, các nhà khoa học đã thử nghiệm kết hợp các loại thuốc HIV để chống lại Covid-19, cũng như sử dụng một loại thuốc thử nghiệm có tên Remdesivir đang được phát triển để chống lại Ebola.
Tại Mỹ, Trung tâm Y tế Đại học Nebraska cũng bắt đầu thử nghiệm Remdesivir với một số người Mỹ nhiễm Covid-19 sau khi được sơ tán khỏi tàu du lịch ở Nhật Bản.
Covid-19 xuất hiện ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 276.000 người nhiễm, trong đó hơn 11.400 người tử vong và khoảng 91.000 người bình phục. Italia hiện là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, cũng là nước có số người chết vì dịch bệnh Covid-19 cao nhất toàn cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần