WHO tiếp tục thử nghiệm thuốc hydroxychloroquine trong điều trị Covid-19

Nguyễn Phương (CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 6.554.533 trường hợp, ngày 3/6 WHO thông báo tiếp tục thử nghiệm thuốc chữa sốt rét hydroxychloroquine trong điều trị Covid-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 3/6 thông báo căn cứ vào các đánh giá mới nhất, các cuộc thử nghiệm lâm sàng sử dụng thốc chữa sốt rét hydroxychloroquine trong điều trị bệnh Covid-19 sẽ được tiếp tục.
Tại cuộc họp báo trực tiếp, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các chuyên gia vẫn đang đánh giá tính hiệu quả của 4 loại thuốc và một số phác đồ điều trị đối với bệnh nhân Covid-19, trong đó có thuốc hydroxychloroquine, đồng thời khuyến nghị không có lý do để thu hẹp các cuộc thử nghiệm này. 
  WHO tiếp tục thử nghiệm thuốc hydroxychloroquine trong điều trị bệnh Covid-19.
Trước đó, ngày 25/5, WHO đã quyết định ngừng thử nghiệm hydroxychloroquine trong điều trị bệnh nhân Covid-19 do lo ngại về tính an toàn của loại thuốc này.
Ông Tedros khẳng định Ủy ban kiểm soát và an toàn dữ liệu sẽ theo dõi chặt chẽ các cuộc thử nghiệm để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của các phương pháp điều trị đang được thử nghiệm.
Tình hình đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến trái chiều trên thế giới khi nhiều quốc gia dần nới lỏng các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh trong khi không ít nước chứng kiến số ca mắc mới tăng trở lại hoặc bỏ ngỏ khả năng tái áp dụng các biện pháp phong tỏa.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 4/6, trên thế giới có hơn 6,5 triệu người mắc bệnh trong đó có 385.399 người tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là hơn 3,1 triệu người và khoảng 2% trong số hơn 3 triệu người khác đang được điều trị là các ca bệnh nặng hoặc nguy kịch.
Khu vực Mỹ Latinh, tâm dịch mới của thế giới, hiện ghi nhận hơn 947.700 ca nhiễm và hơn 42.700 ca tử vong. Brazil là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực với hơn 558.000 ca nhiễm và hơn 31.000 ca tử vong. Tính trên toàn thế giới, Brazil cũng chỉ đứng sau Mỹ về số ca nhiễm (hơn 1,88 triệu ca).
Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 20.210 ca mắc và 1.068 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 1.901.415 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 109.127 trường hợp.
 Tổng số ca mắc Covid-19 tại Mỹ hiện tăng lên 1.901.415 trường hợp tính đến ngày 4/6.
Do các cuộc biểu tình tiếp tục lan rộng trên nhiều khu vực, dịch bệnh tại Mỹ đang có chiều hướng xấu đi, sau thời gian chững lại, hiện giờ tiếp tục gia tăng cả về số ca mắc và số ca tử vong.
Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 ở Nam Bán cầu và đang là ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 20.745 ca mắc và 839 ca tử vong, nâng tổng số lên 577.413 ca bệnh và 32.117 ca tử vong.
Nga ghi nhận thêm 8.536 ca mắc và 178 ca tử vong do Covid-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 432.277 trường hợp, trong đó 5.215 trường hợp tử vong.
Tại Tây Ban Nha, tổng số ca mắc Covid-19 hiện tại là 287.406 sau khi ghi nhận thêm 394 trường hợp. Số ca tử vong do Covid-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 27.128 sau khi ghi nhận thêm 1 trường hợp trong ngày 3/6.
Anh báo cáo nhận thêm 1.871 ca mắc và 359 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 3/6. Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 279.856 trường hợp, trong đó có 39.728 ca tử vong. Anh vẫn là nước có số ca tử vong vì Covid-19 nhiều nhất châu Âu.
Italia ghi nhận thêm 321 ca mắc mới và 71 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 233.836, trong đó có 33.601 ca tử vong. Italia hiện là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 6 thế giới.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp tính đến hết ngày 30/5 là 151.677, trong đó tổng số ca tử vong là 29.021.
Đức ghi nhận thêm 334 ca mắc mới và 25 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 184.425 trong đó có 8.699 ca tử vong. Chính phủ Đức dự định tiếp tục kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 5/7 tới nhằm kiềm chế đại dịch Covid-19.
Số ca mắc và tử vong do Covid-19 đang giảm ở châu Âu, khiến nhiều nước bắt đầu nới phong tỏa, song mức độ vẫn chưa thống nhất. Hiện, tranh cãi về cách thức tài trợ cho sự phục hồi của Liên minh châu Âu giữa đại dịch đang gây căng thẳng giữa các nước giàu có và các nước nghèo hơn trong khối, đe dọa trì hoãn sự phục hồi kinh tế khu vực. Các hãng hàng không tại châu Âu đang từng bước nối lại dịch vụ sau khi các nước đang nỗ lực "hồi sinh" ngành du lịch để khôi phục nền kinh tế./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần