Xã An Phú, huyện Mỹ Đức: Gian nan đạt chuẩn giáo dục

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ sở vật chất trường học là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà rất nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đang gặp khó trong nỗ lực hoàn thành.

Đối với xã An Phú (huyện Mỹ Đức), mảnh đất cách xa trung tâm gần 60km và từng là một trong hai xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của Hà Nội, bài toán trên thậm chí còn nan giải hơn. 
Đường đến trường còn xa

Ngày nào cũng vậy, em Bùi Thị Minh Nguyệt, học sinh lớp 5C, trường Tiểu học xã An Phú phải dậy từ sớm, đạp xe hơn 3km để đến trường. Đây là một trong 4 điểm trường tiểu học nằm rải rác trên địa bàn xã An Phú. Nhưng Nguyệt vẫn may mắn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa, bởi ngôi trường em đang theo học là điểm trường trung tâm; 3 điểm trường lẻ còn lại đều nằm cách xa trung tâm, có trường xa nhất lên tới 8km. Dù là điểm trường trung tâm nhưng điều kiện cơ sở vật chất tại trường Tiểu học xã An Phú còn rất hạn chế, xuống cấp nghiêm trọng.
 Một phòng học tại Trường tiểu học xã An Phú bị thấm dột, hiện đang bỏ không. Ảnh: Trọng Tùng
Hiệu trưởng trường Tiểu học xã An Phú Lại Xuân Vượng cho biết, so với điểm trường trung tâm, các điểm trường lẻ có điều kiện cơ sở vật chất sơ sài hơn rất nhiều, dù vẫn bảo đảm việc giảng dạy - học tập cho học sinh. Đặc biệt, tại 2 điểm trường ở thôn Thanh Hà và Đồng Chiêm, không chỉ thiếu phòng học, nhiều phòng học xuống cấp, các điểm trường còn thiếu sân chơi, không có tường bao…

Cùng với hệ thống trường tiểu học, cơ sở vật chất của cấp học mầm non của xã An Phú cũng khó khăn bộn bề. Hiện, trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn xã vẫn phải học tập tản mác tại 4 điểm trường. Cô Bạch Thị Liên - Hiệu trưởng trường Mầm non xã An Phú cho biết, so với 5 - 7 năm trước, điều kiện trường lớp cho các cháu học tập hiện đã được cải thiện. Dù vậy, khoảng cách đến hai điểm trường lẻ ở thôn Ái Nàng và Đồng Chiêm vẫn còn khá xa khiến việc tiếp cận giáo dục đầu cấp của các em nhỏ rất vất vả.

Sẽ có trường chuẩn trong năm 2018

Theo Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức Lê Văn Thăng, so với các địa phương khác, xã An Phú có điều kiện cơ sở vật chất giáo dục còn nhiều hạn chế hơn cả. Hiện, ở cả 3 cấp học (mầm non, tiểu học và THCS) tại xã An Phú đều chưa có trường nào đạt chuẩn Quốc gia.

Những năm về trước, hạ tầng giáo dục trên địa bàn xã An Phú chủ yếu được đầu tư theo Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135) nhưng đến nay đã kết thúc. Dù vậy, công tác chăm lo giáo dục cho con em vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn này vẫn được TP đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Bá Minh cho biết, thực hiện các Kế hoạch số 166 và 138 của UBND TP Hà Nội về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thủ đô”, từ năm 2011 đến nay, TP đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp cơ sở vật chất giáo dục cho các trường học trên địa bàn. Năm 2017, dự án trường Tiểu học xã An Phú (khu B) với tổng mức đầu tư khoảng 17 tỷ đồng cũng đã được phê duyệt. Công trình đang được gấp rút triển khai, sau khi hoàn thành sẽ trở thành ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia đầu tiên của xã.

Theo ông Minh, cùng với nguồn lực lớn dành cho cơ sở vật chất giáo dục, những năm qua, hạ tầng giao thông trên địa bàn xã cũng đã được đầu tư nâng cấp với tổng số vốn trên 100 tỷ đồng. Đến nay, hệ thống giao thông liên thôn xã, đường làng, ngõ xóm đã cơ bản được kiên cố hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, cũng như giao thương của người dân địa phương. Quan trọng hơn là rút ngắn con đường đến trường cho các em học sinh nơi đây.