Xã Đông Yên, huyện Quốc Oai: Giao thông đi trước một bước

Tùng Trọng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với địa thế đồi gò, việc đi lại của người dân xã Đông Yên, huyện Quốc Oai từng rất khó khăn khi hạ tầng giao thông chưa được nâng cấp. Dù vậy những năm qua, nguồn đầu tư lớn từ Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nên những đổi thay tích cực cho vùng đất này.

Khoảng 5 năm trước, khi những con đường nối thôn, xóm ở xã Đông Yên đi các xứ đồng Dốc Z119, đồng Nứa, đồng Nông… vẫn chỉ là đường đất, việc đi lại của bà con nông dân hết sức khó khăn. Việc áp dụng cơ giới hóa cho những cánh đồng nơi đây cũng không hề dễ dàng, gây ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, những tuyến đường giao thông nội đồng, đường trục thôn, xóm ở xã Đông Yên đã được từng bước nâng cấp đồng bộ.

Anh Nguyễn Tiến Thắng ở thôn Đông Hạ cho biết, nếu như trước đây, đường đồng Dốc Z119, dốc Sọng, dốc Giớn… rất khó đi do có độ dốc lớn, lại thường trơn trượt khi trời mưa, thì nay việc đi lại đã thuận tiện hơn. Bà con nơi đây phấn khởi không chỉ bởi việc đi lại dễ dàng mà còn bởi những con đường bê tông đã mở lối cho máy móc cơ giới về đồng ruộng. Thống kê đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất canh tác lúa của địa phương đã đạt trên 70%. Không chỉ người nông dân, gần 2.000 lao động thuộc các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (mây giang đan, chổi chít, mộc, nề, gò hàn inox...) cũng được hưởng lợi nhờ việc kết nối giao thương thuận lợi.

Chủ tịch UBND xã Đông Yên Tạ Đình Quý cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của hạ tầng giao thông, những năm qua, địa phương tập trung ưu tiên vốn, đầu tư trên 320 tỷ đồng để nâng cấp cầu đường, hệ thống thoát nước trên địa bàn. Đến nay, trên 16km đường trục xã, liên xã và đường từ trung tâm xã đến UBND huyện Quốc Oai đã được bê tông và nhựa hóa. Đường trục thôn, xóm với tổng chiều dài trên 61km cũng đã được bê tông hóa, rải nhựa cấp phối. Đối với đường trục chính nội đồng, tỷ lệ cứng hóa cũng đạt khoảng 90%, còn lại được rải base, giúp các phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện, đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa...

Theo ông Quý, dù đã về đích nông thôn mới đầu năm 2018, tuy nhiên việc nâng cao các tiêu chí, trong đó có hạ tầng giao thông, vẫn sẽ là nhiệm vụ xuyên suốt của xã Đông Yên. Đây là bài toán không đơn giản bởi cần nguồn đầu tư lớn, trong khi huy động vốn xã hội hóa của địa phương chưa nhiều. Theo thống kê, có đến gần 80% tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới của xã Đông Yên là từ ngân sách Nhà nước. Chính vì vậy, việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục là giải pháp trọng tâm đối với mục tiêu nâng cao hơn nữa các tiêu chí, phấn đấu đưa xã Đông Yên trở thành “Xã nông thôn mới nâng cao”.