Xã hội hóa bảo tồn di tích: Con dao 2 lưỡi

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải đợi đến vụ việc xóa sổ di tích đình Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội), vấn đề xã hội hóa di tích mới gióng lên hồi chuông báo động, mà nhiều vụ việc trước đó cho thấy “quyền” thay đổi giá trị di sản của các cá nhân bỏ tiền cung tiến.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước buông lỏng quản lý, hoặc cố tình làm ngơ để tiếp tay cho các hành động làm sai lệch các yếu tố gốc, thậm chí làm mới di tích.
Sức mạnh của mạnh thường quân

Năm 2012, di sản Hà Nội xảy ra vụ việc sư trụ trì tự ý hạ giải ngôi chùa nghìn tuổi – chùa Trăm Gian. Nhiều cấu kiện gỗ làm nên giá trị kiến trúc của nhà Tổ bị biến mất. Nhà Tổ được lắp ghép, xây mới từ xưởng chế biến gỗ đơn sơ đặt trong khu vực di tích. Cho dù việc tu bổ chùa Trăm Gian trước đó tốn kém nhiều tỷ đồng, nhưng không phải từ ngân sách Nhà nước, mà từ khả năng huy động mạnh thường quân của sư trụ trì. Chính vì vậy, không đợi xong thủ tục, nhà chùa cùng các phật tử hô nhau tháo dỡ di tích để có nơi thờ mới… khang trang.
 Nhà Tổ, một trong ba hạng mục quan trọng của chùa Trăm Gian đã bị biến dạng. Ảnh  Nguyễn Loan
6 năm sau, vụ chùa Trăm Gian vẫn chưa phải là bài học đáng nhớ cho công tác tu bổ di sản trên cả nước. Bằng chứng là chỉ trong vòng một năm qua đã có hàng chục di sản, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị vi phạm nghiêm trọng, thậm chí còn bị san phẳng. Quần thể danh thắng thế giới Tràng An đẹp cuốn hút nhờ những kiến tạo do thiên nhiên ban tặng, thế nhưng tự dưng mọc lên công trình sai phép tại khu vực Cái Hạ. 723m2 đất rừng đặc dụng bị xâm phạm với hơn 2.000 bậc thang bê tông là những con số khiến người đọc phải giật mình về công trình trái phép trong khu di sản Tràng An. Sai phạm này được một chuyên gia di sản ví như “con voi chui lọt lỗ kim”. Nếu không có sự vào cuộc tích cực của truyền thông thì công trình xã hội hóa cho di sản của Công ty CP Du lịch Tràng An sẽ ngang nhiên tồn tại.

Rồi đến sự vụ việc của đình Lương Xá (thôn Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) càng khiến dư luận hoang mang về những mặt trái của vấn đề huy động xã hội hóa. Theo một vài bậc cao niên trong thôn Lương Xá, vì có 2 mạnh thường quân ủng hộ khoảng 3,5 tỉ đồng để bảo tồn, nên từ dự tính sửa đình, một vài cá nhân có thẩm quyền đã chuyển đổi sang hạ giải, bê tông hóa di tích 300 tuổi. Dù di tích đã được kiểm kê, nhưng chính quyền nơi đây hạ giải vẫn không cần xin phép tu bổ. Vì “nếu Ban Khánh tiết đình không tranh thủ thì các mạnh thường quân sẽ rút tiền, hết cơ hội” – theo lời bậc cao niên thôn Lương Xá. Về làng Lương Xá du khách cảm nhận được sự yên ả của vùng thôn quê. Kiến trúc đình chùa mang đặc trưng di sản của thế kỷ XVII. Trước khi bị hạ giải, đình Lương Xá nhìn hơi chếch về hướng tây qua bức bình phong lớn đắp cuốn thư ra một hồ nước rộng hình chữ nhật. Hai bên bình phong có hai phù điêu nhỏ nằm giữa các trụ biểu. Bên hữu là tấm bia và cầu đá dẫn ra tượng đài Quan Âm ở ngay phía trước tam quan của ngôi chùa làng nằm liền kề đình. Mặt đình giáp với con đường xuyên ngang làng. Bức tường bên tả đình xây sát con đường đi dọc qua cổng làng ra quốc lộ QL21B. Tam quan xây khá đẹp với nghi môn gồm 4 trụ biểu. Tòa tiền tế gồm 5 gian 2 chái và kết cấu với thiêu hương và hậu cung thành hình “chữ Công”. Giờ về đình, cảnh quan vẫn đó nhưng không còn ăn nhập với ngôi đình chuyển từ làm bằng chất liệu gỗ sang chất liệu xi măng. Di sản trở nên mới mẻ và lạ lẫm trong lòng của những người dân nơi đây.

"Bản thân người trực tiếp giữ di sản cũng không hiểu hết giá trị của nó. Vì thế, họ phá một cách rất hồn nhiên. Chẳng hạn, tôi từng chứng kiến người dân bắn đinh vít, rào di tích quốc gia đình Chu Quyến (Hà Nội) bằng rào lưới B40 làm... kho chứa đồ phục vụ tu bổ ngôi đền bên cạnh. Việc sơn thếp ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) cũng là một trường hợp như vậy." - PGS.TS Trang Thanh Hiền - Đại học Mỹ thuật Hà Nội


"Chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc để bằng bất cứ giá nào không được phá hoại di tích. Ứng xử như thế nào với di tích là vấn đề đặt ra của xã hội nhưng chưa có văn bản, chế tài nào. Tôi đảm bảo chưa có ai đi tù về việc phá hoại di tích, chưa có một bản án nào đủ sức răn đe để người ta phải cẩn thận khi can thiệp vào di tích. Bây giờ phải có quy định cụ thể nếu không sau này lại có đình, chùa, di tích bị bê tông hóa vì chưa được xếp hạng." - TS Nguyễn Hồng Kiên – Viện Khảo cổ học Việt Nam

(Lại Tấn ghi)
Nan giải bài toán tìm nguồn vốn

Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và hơn 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh/TP. Riêng Hà Nội có 5.922 di tích, trong đó có hơn 2.400 di tích được xếp hạng. Hầu hết các di tích đều có niên đại xây dựng cách đây hàng trăm năm. Trải qua những biến thiên của lịch sử, nhiều di tích rơi vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có di tích mất dấu. Việc dành ngân sách tu bổ chỉ ưu tiên đối với các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, điều này đồng nghĩa với việc những di tích cấp tỉnh, cấp TP và hàng chục nghìn di tích khác không được tu bổ và chưa được xếp hạng do nguồn kinh phí hạn hẹp.

“Luật Di sản văn hóa” có hiệu lực từ tháng 6/2001 đã thúc đẩy hoạt động xã hội hóa trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được cũng bộc lộ những bất cập, thậm chí tiêu cực trong công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn, làm xâm hại đến di tích. Qua những sự việc kể trên cho thấy, còn nhiều bất cập trong việc giải quyết hài hòa bài toán về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Ở Hà Nội hiện nay có hàng trăm di tích xếp hàng chờ tu bổ. Theo phân cấp quản lý, TP sẽ trực tiếp hỗ trợ kinh phí tu bổ các di tích cấp quốc gia, di tích cách mạng kháng chiến; còn các di tích xếp hạng cấp TP hoặc trong danh mục kiểm kê phải phụ thuộc vào nguồn ngân sách của quận, huyện. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa bố trí được nguồn vốn, hoặc chưa ưu tiên bảo tồn di sản nên di tích xuống cấp nhanh chóng. Các di sản trông chờ vào nguồn đầu tư xã hội hóa, nhưng khi kêu gọi rất nhiều địa phương đã nhắm mắt làm ngơ để các mạnh thường quân làm sai lệch yếu tố gốc của di tích.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài – nguyên Cục trưởng Cục Di sản, Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam: Các địa phương vẫn nặng quan điểm huy động xã hội hóa bằng tiền mặt. Trong khi đó, kinh nghiệm ở thế giới, ưu tiên huy động bằng lao động trí tuệ và lao động phổ thông hỗ trợ cho công tác tu bổ. Trong một lần trả lời báo chí, ông Nguyễn Thế Hùng – Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) cho rằng: “Không thể phủ nhận vai trò của nguồn đầu tư xã hội hóa hỗ trợ quá trình tu bổ di tích. Nhưng để hạn chế những trường hợp tu bổ phản cảm, cần đánh giá, nhận diện giá trị cốt lõi để xác định đối tượng ưu tiên và có biện pháp ứng xử phù hợp với hoàn cảnh của từng địa phương, nguyện vọng của cộng đồng và khả năng thực hiện công tác xã hội hóa”. Nếu không giải quyết hài hòa bài toán trên thì sẽ có nhiều di sản bị xóa sổ như các trường hợp trên.

Kinh tế đô thị cuối tuần