Xã hội hóa chương trình bình ổn giá

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2016, ngành công thương Hà Nội đã xã hội hóa nguồn vốn dự trữ hàng bình ổn giá, qua đó tạo cơ hội cho DN chủ động quảng bá, tiêu thụ hàng Việt.

 Cách làm này đã được DN hưởng ứng tạo tiền đề tiếp tục triển khai chương trình trong những năm tiếp theo theo phương pháp này.

Không dùng ngân sách bình ổn

Thực hiện bình ổn thị trường năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán 2017, UBND TP Hà Nội đã triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN qua đó tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp hơn mặt bằng chung 1,5 - 2%/năm dự trữ hàng hóa, bảo đảm cung - cầu, không sử dụng ngân sách nhà nước như những năm trước. Đánh giá về chương trình sau một năm triển khai, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Việc thực hiện theo hình thức DN tự chủ động hoàn toàn nguồn vốn đã thu hút được 15 DN tham gia và được 1 tổ chức tín dụng dành riêng nguồn vốn lên đến 10.300 tỷ đồng cho DN tham gia chương trình bình ổn giá vay.

Người dân mua hàng bình ổn giá tại siêu thị Hapro Đông Anh.   Ảnh: Hoài Nam

Thực tế cho thấy việc tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp đã thu hút DN sản xuất tham gia chương trình bình ổn giá tăng mạnh. Nếu như năm 2015, tỷ lệ DN sản xuất tham gia bình ổn giá chỉ chiếm 20%, năm 2016 đã lên đến 40%. Các DN trong hệ thống bình ổn thị trường đã tăng cường liên kết để tạo chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với tỷ lệ 100% hàng hóa mang thương hiệu Việt. Đơn cử: Công ty CP Sản xuất & Thương mại An Việt, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã liên kết Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gia cầm đẻ trứng, nhà máy chế biến trứng công nghệ cao.

Đánh giá việc xã hội hóa nguồn vốn thực hiện chương trình bình ổn giá, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng: Việc xã hội hóa nguồn vốn dự trữ hàng bình ổn giá với sự tham gia của nhiều tổ chức tín dụng đã đáp ứng nhu cầu về vốn dự trữ hàng hóa, đầu tư, liên kết phát triển sản xuất của DN.

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Dù hoạt động xã hội hóa nguồn vốn dự trữ hàng bình ổn giá đã thu hút nhiều DN tham gia nhưng thực tế cho thấy, các DN chưa đẩy mạnh mở rộng điểm bán hàng bình ổn giá, một số mặt hàng giá cao hơn thị trường. Điều đó cho thấy Sở Công Thương Hà Nội cần nâng cao chất lượng và hiệu quả của chương trình.

Về vấn đề này ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng: DN tham gia chương trình bình ổn giá bằng phương pháp xã hội hóa nguồn vốn dự trữ hàng hóa cần tiếp tục phát triển mạng lưới bán hàng tới địa bàn nông thôn, khu công nghiệp và chợ truyền thống. Đồng thời nên tăng cường sự kết nối giữa các DN sản xuất, phân phối lớn với địa phương để thiết lập chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững, tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường với giá bán hợp lý.

Từ những kết quả đạt được, UBND TP mới đây đã ban hành Kế hoạch 145/KH-UBND về việc Thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội năm 2017 và trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Trong đó nêu rõ UBND TP tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng – DN tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi để dự trữ hàng hóa đảm bảo cung ứng cho thị trường. Cụ thể các ngân hàng thương mại dành 150.000 tỷ đồng vốn tín dụng để hỗ trợ các DN tập trung mở rộng sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa góp phần bình ổn thị trường thời điểm cuối năm. Đồng thời mở rộng thêm các nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” qua đó thu hút DN tham gia chương trình theo hình thức xã hội hóa.

Hiện mạng lưới điểm bán hàng bình ổn được phủ rộng khắp trên địa bàn TP với hơn 12.200 điểm, đặc biệt là 711 điểm bán tại các chợ truyền thống do có sự tham gia của các DN sản xuất lớn. Ngoài ra, các điểm bán còn được phân bố tại 379 siêu thị, 160 cửa hàng tiện lợi, 612 cửa hàng tạp phẩm và 452 bếp ăn tập thể.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần