Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, cải tạo xây mới hệ thống chợ tại Hà Nội: Lời giải mới cho bài toán cũ

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm cải tạo hệ thống chợ truyền thống Hà Nội đang bị xuống cấp, ngành công thương Hà Nội đã triển khai một số dự án đầu tư cải tạo, xây mới hệ thống chợ nhưng hiệu quả không như mong muốn.

Bài 1: Chợ truyền thống xuống cấp nghiêm trọng

Mới đây, có 3 DN đề xuất phương án, dành nguồn vốn lớn xây mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống chợ theo hướng văn minh, hiện đại, nhưng vẫn bảo đảm các yếu tố về văn hóa, quyền lợi của tiểu thương.
Phần lớn các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội hiện đều đã xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, mất mỹ quan đô thị. Nhằm khắc phục và tìm giải pháp cho vấn đề này, cùng với nỗ lực của TP còn cần đến sự hợp tác, đồng thuận của người dân, tiểu thương và DN tham gia đầu tư xây dựng.
Nhiều chợ xuống cấp trầm trọng

Nằm ở vị trí trung tâm, thuận tiện giao thông, dân cư đông đúc nhưng chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) lại đang trong tình trạng "chết dần chết mòn". Thực tế, dù chợ Ngã Tư Sở được xếp là chợ hạng 1 của TP Hà Nội, một thời đông đúc, kinh doanh buôn bán sầm uất, nhưng hiện hàng loạt các kiốt phủ bạt, đóng kín, để trơ những thanh giá treo hàng hóa bị han rỉ, xuống cấp. Do vắng người kinh doanh nên chợ Ngã Tư Sở trở nên ẩm thấp, tối tăm, vắng vẻ và đìu hiu như "chợ chiều".
 
Chợ Ngã Tư Sở không phải là chợ duy nhất trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hiện trên địa bàn Hà Nội có 454 chợ các loại, tạo gần 200.000 việc làm cho người lao động, là nơi lưu chuyển khoảng 60% lượng hàng hóa trên thị trường. Tuy nhiên, phần lớn các chợ đều được xây dựng cách đây 20 - 30 năm, hiện không đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại, kiểm soát nguồn gốc hàng hóa..., không bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy nổ. Một số địa bàn chưa có chợ hoặc thiếu chợ, tổ chức chợ thiếu hợp lý, không thuận tiện khiến tình trạng chợ tạm, chợ cóc tồn tại dai dẳng, ảnh hưởng đến diện mạo và trật tự văn minh đô thị. Vụ cháy chợ Thịnh Liệt (Thanh Trì) hồi tháng 4/2018 cho thấy phần nào tình trạng không đảm bảo an toàn cho tiểu thương và người dân khi kinh doanh, mua bán tại các chợ hiện có.

Kêu gọi vốn đầu tư chợ, nhiều khó khăn

Thực trạng là thế, nhưng lâu nay, việc kêu gọi đầu tư phát triển chợ trên địa bàn Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các chợ khu vực nông thôn.

"Quy hoạch chợ nằm trong quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ được TP phê duyệt. Sau 5 năm, nếu quy hoạch không đáp ứng được nhu cầu, hoặc cần điều chỉnh, TP sẽ điều chỉnh để chợ truyền thống phát huy tốt hơn vai trò phục vụ đời sống dân sinh, nhu cầu lưu thông hàng hóa và thúc đẩy phát triển thương mại trên địa bàn. Hiện TP đã và đang đẩy mạnh việc rà soát quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chợ trên địa bàn; đặc biệt quan tâm công tác quản lý chợ, coi đây là một yêu cầu, mục tiêu quan trọng trong việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo việc làm, môi trường cho các hộ kinh doanh, bảo đảm nguồn hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. " - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản

Nói về nguyên nhân khiến DN thờ ơ tham gia đầu tư xây mới hệ thống chợ, một lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đa phần các dự án kêu gọi đầu tư xây dựng, cải tạo chợ đều có quy mô nhỏ, lợi nhuận ít, việc quản lý phức tạp, trong quá trình triển khai thường gặp phản ứng của cộng đồng tiểu thương. Một số chợ đã được UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư từ nhiều năm nay như chợ Châu Long, Xuân La... Nhưng mô hình chợ không phù hợp, thói quen mua bán của người dân, tình trạng khiếu kiện, gây mất ổn định, trật tự xã hội của tiểu thương tại nhiều dự án... khiến DN không muốn đầu tư.

Chưa hết, tại một số chợ đã được cải tạo, xây mới theo mô hình “chợ - trung tâm thương mại” như Cửa Nam, Hàng Da, chợ Bưởi... nhưng lại đã đánh mất không gian chợ truyền thống khi bố trí ở khu vực tầng hầm, không phù hợp với thói quen của người dân nên cả người bán và người mua đều không mặn mà vào chợ.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư, quản lý kinh doanh khai thác chợ của Chính phủ, dù UBND TP và các sở, ngành, UBND các địa phương đã tích cực vào cuộc, nhưng cả giai đoạn 2011 - 2015 mới thực hiện chuyển đổi được 11 chợ. Do hiệu quả đầu tư không cao, nên công tác cải tạo, duy tu, bảo dưỡng không được thực hiện. Phần lớn các chợ hiện nay vẫn do chính quyền địa phương quản lý thông qua các ban quản lý chợ, hợp tác xã với trình độ quản lý thấp, thiếu chuyên nghiệp.

Theo chuyên gia ngành bán lẻ Vũ Vinh Phú, sự thất bại của mô hình cải tạo chợ thành trung tâm thương mại khiến các nhà đầu tư e dè, không muốn tham gia vào hoạt động này. Bên cạnh đó, theo quy định của Chính phủ, trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ bố trí ngân sách cho các dự án thuộc lĩnh vực thương mại là trung tâm logistics, trung tâm hội chợ triển lãm, kết cấu hạ tầng xuất, nhập khẩu ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Với danh mục này, các chợ trên địa bàn Thủ đô không nằm trong đối tượng nêu trên.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thực trạng chợ truyền thống trên địa bàn TP đã ở mức “báo động đỏ”, không đủ tiêu chuẩn, không đáp ứng các điều kiện, nhất là công tác phòng cháy chữa cháy. Do đó, muốn xây mới chợ truyền thống cần có những quyết sách mạnh và những giải pháp tháo gỡ nhanh các vướng mắc hiện nay. Trong đó, phải lấy DN làm động lực phát triển, không thể giữ cơ chế bao cấp mãi. Ngoài ra, các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện bố trí ngân sách hằng năm để đầu tư xây mới, cải tạo chợ; Đồng thời, đề nghị UBND các cấp quan tâm kêu gọi xã hội hóa và bố trí ngân sách để đầu tư cải tạo các chợ đang xuống cấp, rà soát quỹ đất để ưu tiên xây dựng các chợ theo quy hoạch đã được phê duyệt.

(Còn nữa)