Xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức: Trường học thiếu thốn đủ bề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiêu chí cơ sở vật chất trường học đã trở thành bài toán khó đối với xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức) trong quá trình xây dựng nông thôn mới, bởi hiện nay, toàn bộ hệ thống trường học của xã đều trong tình trạng thiếu thốn phòng học.

Một điểm trường mầm non của xã Lê Thanh đang phải học nhờ Nhà văn hóa  thôn Lê Xá.
Một điểm trường mầm non của xã Lê Thanh đang phải học nhờ Nhà văn hóa thôn Lê Xá.
Hiện nay, trên địa bàn xã Lê Thanh có 5 trường học, gồm: 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học và một trường THCS. Theo thống kê, toàn xã có hơn 2.000 học sinh (HS) đang học tập từ bậc mầm non đến THCS nhưng hiện cả 5 trường đều thiếu phòng học, phòng chức năng, phòng làm việc, phòng hiệu bộ. Điều đáng nói, do số trẻ em trong độ tuổi mầm non (2 - 5 tuổi) đông tới gần 900 trẻ nên xã đã phải chia ra làm 3 điểm trường để giảm tải và thuận lợi cho việc đi lại của các phụ huynh đưa con em tới trường. Tuy nhiên, xã mới chỉ xây dựng được 2 điểm trường là trường Mầm non Lê Thanh A và trường Mầm non Lê Thanh B, còn một điểm trường mầm non với 4 lớp vẫn đang phải học nhờ tại Nhà văn hóa thôn Lê Xá.

"Trẻ đông trong khi số phòng học khiêm tốn nên các lớp học của nhà trường chỉ rộng 20m2 nhưng thường xuyên trong tình trạng ghép lớp với số lượng trung bình hơn 40 trẻ/lớp. Các lớp học ghép được ngăn bởi tấm liếp" - Hiệu trưởng trường Mầm non Lê Thanh A Nguyễn Thị Kim Anh chia sẻ.

Tương tự, các trường tiểu học trên địa bàn xã Lê Thanh cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Do số lượng HS đông nên xã cũng phải xây dựng 2 điểm trường phục vụ nhu cầu học tập của hơn 600 HS. Thầy giáo Hoàng Văn Hanh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Thanh A cho biết, trường được xây dựng từ năm 1998 với 2 tầng gồm 24 phòng học. "Nếu như năm học vừa qua, với 623 HS, nhà trường vẫn đủ phòng học nhưng năm học tới đây, số lượng HS tăng lên 680 em thì việc phải chia làm 2 ca học/ngày là điều chắc chắn" – thầy Hanh lo ngại.

Trường Tiểu học Lê Thanh A được xây dựng từ gần 20 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có phòng chức năng, phòng làm việc, phòng hiệu bộ. Với quan điểm "Tất cả vì HS thân yêu", nhà trường đã phải khắc phục bằng cách kết hợp một phòng vừa là phòng làm việc của Ban lãnh đạo nhà trường, vừa là phòng văn thư, kế toán kiêm phòng họp. Bên cạnh đó, phòng thiết bị vừa là thư viện, phòng bảo vệ chung với phòng y tế, phòng công tác đoàn, đội.

Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học của các trường học trên địa bàn xã Lê Thanh cũng đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Đơn cử, sách giáo khoa cải cách được trang bị từ hơn chục năm nên giờ đều đã cũ, nát. Đó là chưa kể đến các thiết bị khác như dụng cụ phòng thí nghiệm, dụng cụ dùng trong các bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật vẫn dừng lại ở con số 0.

Ông Nguyễn Hữu Huy - Chủ tịch UBND xã Lê Thanh cho biết thêm, dự án xây mới trường mầm non, xây bổ sung đối với trường tiểu học đều được quy hoạch trong đề án xây dựng nông thôn mới của xã và đã được phê duyệt. Riêng đối với trường mầm non, xã đã dành sẵn quỹ đất để xây dựng, song do nguồn kinh phí khó khăn nên chưa thể triển khai. Trong khi đó, người dân trong xã vẫn chủ yếu thu nhập từ cấy lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ nên việc huy động xã hội hóa là vô cùng khó khăn. Mong muốn cấp thiết của xã hiện nay là được TP, huyện hỗ trợ nguồn kinh phí để xây trường học đạt chuẩn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bởi nếu cơ sở vật chất thiếu thốn, không đủ đáp ứng nhu cầu dạy và học thì sự nghiệp giáo dục của xã sẽ không thể phát triển.